Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Không thể mơ mãi giấc mơ nội địa hóa

Lắp ráp xe hơi tại một nhà máy. Ảnh: Lê Hồng Thái.

Muốn giảm nhập siêu, Việt Nam phải phát triển công nghiệp phụ trợ. Nhưng phát triển công nghiệp phụ trợ không có nghĩa là phải đạt 50% hay 70% tỷ lệ nội địa hóa bằng mọi giá. Sản xuất ít mặt hàng hơn, tỷ lệ nội địa hóa ít hơn, nhưng giá trị mang lại lớn mới là cách làm có hiệu quả.

Nếu chỉ dựa vào vốn đầu tư ban đầu để đánh giá vai trò của một dự án đối với một ngành hay cả nền kinh tế, thì trung tâm công nghệ phần mềm của Công ty Robert Bosch Engineering & Business Solutions Việt Nam (RBVH), vừa khai trương ở TPHCM vào tuần trước, sẽ chẳng có gì đáng kể. Nhưng nếu xét đến những kỳ vọng của tập đoàn Bosch đối với công ty này, thì vai trò cũng như triển vọng đóng góp của dự án trong việc nâng cao trình độ phát triển của ngành phần mềm cũng như công nghiệp ô tô lớn hơn rất nhiều so với con số 4,5 triệu đô la Mỹ đầu tư ban đầu.

Ông Viyay Ratnaparkhe, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty Giải pháp công nghệ và Kinh doanh của Bosch, cho biết Bosch sẽ xây dựng cơ sở ở Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu - phát triển và sản xuất khu vực của tập đoàn tại Đông Nam Á. Ông nói: “Sản phẩm phần mềm nghiên cứu và sản xuất ở Việt Nam sẽ được tích hợp vào các sản phẩm của Bosch trên toàn thế giới. Nói cách khác, tập đoàn Bosch đóng vai trò như khách hàng lớn của RBVH”.

Có thể nói, việc trở thành một phần trong chuỗi giá trị sản xuất của một tập đoàn công nghệ và kỹ thuật hàng đầu thế giới như Bosch, với doanh thu toàn cầu năm ngoái đạt tới 63 tỉ đô la Mỹ, là cơ hội phát triển rất tốt cho RBVH. Ông Sudhakar Kunte, Giám đốc điều hành RBVH, cam kết chỉ trong vòng năm năm tới, năng lực của công ty sẽ tăng gấp 10 lần với 500 kỹ sư. Sản phẩm công ty nghiên cứu, sản xuất trong những năm trước mắt sẽ là phần mềm điều khiển được tích hợp vào trong các cụm linh kiện ô tô, như hệ thống diesel, xăng, hệ thống thắng, điện, các bộ phận an toàn... và các giải pháp phục vụ cho các ngành công nghệ cao khác.

Bên cạnh đó, các kỹ sư của RBVH cũng nghiên cứu các giải pháp phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Theo ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Công ty Robert Bosch Việt Nam, những giải pháp mà RBVH nghiên cứu, phát triển là những sản phẩm công nghệ cao và tinh vi. Đây là cơ hội để các kỹ sư Việt Nam làm việc trực tiếp với các chuyên gia giỏi nhất của Bosch và tiếp cận vớ i công nghệ tiên tiến của thế giới.

Tại hội nghị thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa diễn ra ở Hà Nội, nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo Việt Nam về cái bẫy thu nhập trung bình. Những gì Bosch đã và đang làm ở Việt Nam là gợi ý tốt về hướng mà Việt Nam cần theo để có thể vươn tới nấc thang giá trị cao hơn và trở thành nước công nghiệp.

Gần 20 năm trước, chúng ta đã quyết tâm xây dựng hai ngành công nghiệp ô tô và điện tử, là những ngành được đánh giá là có vai trò lớn đối với nền kinh tế do sức phát triển lan tỏa của nó. Nhưng chính sách bảo hộ mạnh bằng hàng rào thuế quan, chủ trương khuyến khích nội địa hóa theo kiểu muốn tự làm từ A đến Z, chỉ cho ra kết quả là những cơ sở lắp ráp đơn giản.

Ngược lại, với chính sách xóa bỏ bảo hộ và đưa nền kinh tế hội nhập với thế giới, triển vọng phát triển cho ngành điện tử lại đang mở ra. Khi một loạt cơ sở lắp ráp, chủ yếu sống nhờ bảo hộ, tiêu vong, thì cũng là lúc ngành điện tử xuất hiện những dự án lớn, với quy mô sản xuất hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu sản phẩm mỗi năm để xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Có thể kể đến những cụm sản xuất điện thoại di động, máy in, máy ảnh kỹ thuật số, linh kiện điện tử... của các tập đoàn lớn như Samsung, Nokia, Canon, Intel, Nidec... Lẽ đương nhiên, những dự án lớn này cũng chỉ thực hiện một công đoạn trong chuỗi giá trị của sản phẩm. Nhưng theo châ n các tập đoàn khổng lồ này là hàng chục công ty vệ tinh cũng vào Việt Nam để sản xuất một số loại linh kiện. Nếu như trước đây, chúng ta buộc nhà đầu tư phải cam kết tỷ lệ nội địa hóa, thì sẽ chẳng có ai dám vào và đương nhiên là cũng chẳng có công ty vệ tinh nào.

Trong khi đó, Việt Nam vẫn còn đang loay hoay với việc tìm ra hướng phát triển cho ngành công nghiệp ô tô. Tại cuộc hội thảo về công nghiệp ô tô diễn ra vào tháng trước tại Quảng Nam, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch tập đoàn Ô tô Trường Hải, cho rằng không nên nghĩ Việt Nam phải làm được xe con. Cũng không nên đặt mục tiêu phải làm được động cơ. Ông cho rằng, điều cần làm là hướng tới việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu từ những chi tiết đơn giản, nhưng bảo đảm chất lượng và giá cả hợp lý. Đây cũng là khuyến cáo của nhiều nhà chuyên môn trong và ngoài nước khác. Thế nhưng, tâm lý phải làm được mọi thứ dường như vẫn còn nặng.

Dự thảo chiến lược phát triển công nghiệp ô tô đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, Viện Nghiên cứu chiến lược và Chính sách công nghiệp vẫn đề xuất Việt Nam cần tập trung vào một dòng xe chiến lược. Mục tiêu của ý tưởng này là hướng các nhà sản xuất cùng nhau sản xuất một mẫu xe để có thể đạt sản lượng đủ lớn, 30.000 chiếc vào năm 2015 và 100.000 chiếc vào 2020, để có thể cạnh tranh xuất khẩu và đạt tỷ lệ nội địa hóa 40%. Đây là cách mà Malaysia đã làm từ nhiều năm trước, nhưng không thành công.

Hãy cứ gác sang một bên những rủi ro về thị trường tiêu thụ và làm cách nào để thuyết phục nhà đầu tư bỏ vốn ra xây nhà máy để chờ cho đến khi đạt sản lượng 100.000 sản phẩm. Đó là chưa kể một chiếc ô tô, dù chỉ nội địa hóa 40%, cũng có đến hàng chục ngàn linh kiện khác nhau và liệu có thể thu hút từng ấy nhà đầu tư đến để mở cơ sở sản xuất hay không. Ngay cả khi mức sản xuất linh kiện đạt 100.000 như kỳ vọng, thì về mặt giá cả, cũng không thể cạnh tranh với những doanh nghiệp có sản lượng đến hàng triệu.

Trong khi đó, vấn đề thực sự có ý nghĩa với ngành công nghiệp ô tô hay nói chung là với nền kinh tế là giá trị sản xuất và xuất khẩu là bao nhiêu, chứ không phải tỷ lệ nội địa hóa nhiều hay ít. Những gì Bosch đang làm ở Việt Nam là một ví dụ. Dù chỉ sản xuất một loại linh kiện là dây truyền lực dùng trong hộp số tự động, nhưng Bosch đã đạt giá trị xuất khẩu 100 triệu đô la Mỹ vào năm ngoái. Mặt khác, việc sản xuất một loại linh kiện, nhưng với số lượng dự kiến lên đến 2,3 triệu sản phẩm, còn là điều kiện thuận lợi cho việc nội địa hóa và Bosch đã quyết định sẽ đầu tư tiếp để nội địa hóa 100% sản phẩm dây truyền lực sản xuất ở Việt Nam.

Hiện nay, các doanh nghiệp lắp ráp ô tô còn sống được là vì còn được bảo hộ bằng thuế. Nhưng điều này sẽ phải chấm dứt vào năm 2018. Khi ấy, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước thuộc khối Asean sẽ không còn. Như vậy, chúng ta sẽ không có 10 năm để mà hy vọng dòng xe chiến lược đạt con số 100.000 chiếc. Nếu khôn ngoan, Việt Nam nên hướng mọi sự hỗ trợ vào việc khuyến khích mỗi nhà đầu tư chọn Việt Nam là điểm sản xuất một vài loại linh kiện nào đó cho thị trường toàn cầu, chẳng hạn như Bosch với dây truyền lực và phần mềm cho ô tô. Ngược lại, nếu cứ mải mê với giấc mơ nội địa hóa 40-50%, thì đến một lúc nào đó ngay những cơ sở lắp ráp cũng chưa chắc giữ nổi.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam
  • Công nghiệp Việt Nam 6 tháng: Sản xuất và tồn kho đều tăng
  • Tranh cãi về chuyện nuôi chim yến
  • Người chăn nuôi đối mặt với lỗ
  • Ngành chăn nuôi lao đao
  • Mía đường được mùa không hẳn đã vui
  • Sản xuất và xuất khẩu sắn: đã đến lúc cần hạn chế!
  • Ðẩy mạnh sản xuất, tham gia bình ổn giá giấy
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ
  • Ngành mía đường: Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn
  • Mùa muối không ngọt ngào
  • Nguyên liệu mía Tây Ninh: Được giá vẫn lo
  • Phận bạc nghề muối Bạc Liêu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container