Hỏi: Năm 1985, mẹ tôi mất không để lại di chúc đối với phần đất, nhà tọa lạc tại số 137/153 Hoàng Văn Thụ, phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tôi và anh Nguyễn Văn Hùng ủy quyền toàn bộ tài sản cho em tôi là Nguyễn Thị Liên, có chữ ký của trưởng khu vực. Sau đó, phát sinh tranh chấp, Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều thụ lý. Theo bản án số 302/2007/DSST ngày 13 tháng 9 năm 2007 của Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp chia tài sản chung, cho rằng yêu cầu khởi kiện của tôi và Nguyễn Văn Hùng là không có căn cứ vì tôi và Nguyễn Văn Hùng đã đồng ý ủy quyền toàn bộ tài sản cho Nguyễn Thị Liên. Tháng 11 năm 2007, Tòa án nhân dân TP Cần Thơ xét xử phúc thẩm, bản án số 360/2007/DS-PT ngày 27 tháng 11 năm 2007 xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp chia tài sản chung, ra quyết định hủy bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều, bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành. Tôi có một vài thắc mắc xin được giải đáp: mốc khởi kiện tranh chấp thừa kế tính từ thời điểm nào? Lời ủy quyền của tôi và Nguyễn Văn Hùng viết theo hướng dẫn của trưởng khu vực có giá trị pháp lý không? Tôi vẫn còn tranh chấp thì cơ quan chức năng có quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Nguyễn Thị Liên không? Nếu như kháng nghị giám đốc thẩm không hiệu quả, tôi có quyền khởi kiện lại không?
NGUYỄN THỊ HOA (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ)
Thắc mắc của bạn được Luật sư Ngô Công Minh, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ giải đáp như sau:
Theo khoản 1 Điều 633 Bộ luật Dân sự: thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trong trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 81 của Bộ luật này.
Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 3 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế (Điều 645 Bộ luật Dân sự).
Trường hợp trong thời hạn 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế; hoặc sau khi kết thúc thời hạn 10 năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó trở thành tài sản chung của các thừa kế (Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10-8-2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật).
Theo quy định của pháp luật, việc ủy quyền phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền. Trong trường hợp các bên thỏa thuận lập hợp đồng ủy quyền, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, còn bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định (Điều 581 Bộ luật Dân sự). Do vậy, việc ủy quyền viết theo hướng dẫn của trưởng khu vực mà không được công chứng hoặc chứng thực thì không có giá trị pháp lý.
Bản án phúc thẩm số 360/2007/DSPT ngày 27-11-2007 của Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ đã có hiệu lực kể từ ngày tuyên án, bản án này trở thành bắt buộc với mọi cơ quan, tổ chức cũng như các đương sự và phải được thi hành đúng theo pháp luật.
Tuy nhiên, bản án cũng có thể bị kháng nghị để đưa ra xét xử lại theo trình tự Giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ quy định tại Điều 283 Bộ luật Tố tụng Dân sự: kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
(Theo PHƯƠNG DUNG thực hiện/CanTho)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com