Cụ thể, 81% các doanh nghiệp Việt Nam (so với 62% trong quý 2/2009) đánh giá sự dao động của tỉ giá hối đoái là rào cản chính đối với sự phát triển thương mại. Tiếp đó, chi phí cho các dịch vụ thiết yếu như vận chuyển, giao nhận, lưu kho là những rào cản lớn thứ hai (48%) và thứ ba là những quy định thương mại của chính phủ (34%).
Đa số các doanh nghiệp được khảo sát trên toàn cầu cũng cho rằng, biến động tỉ giá và cầu thấp là hai yếu tố thách thức chính đối với tăng trưởng kinh doanh trong ba tháng tới. Cụ thể, biến động tỉ giá đứng đầu trong số các yếu tố gây quan ngại cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Brazil (58%), Anh (56%), Đông Nam Á (53%) và Trung Quốc mở rộng (42%). Tai Mỹ (36%) và Úc (40%) thì mối lo ngại chính là thiếu thi trường tiêu thụ, trong khi đó doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Ấn Độ (45%) và UAE (35%) lo ngại về biên lợi nhuận thấp và khả năng tiếp cận tín dụng.
“Trong suy thoái, những lo ngại liên quan đến rủi ro từ phía người bán thường ít được đề cập đến như rủi ro thanh toán từ phía người mua. Chúng tôi nhận thấy các nhà xuất khẩu tiếp tục lên kế hoạch sử dụng những gói tài trợ thương mại từ ngân hàng để quản lý rủi ro thanh toán từ người mua, đặc biệt là các doanh nghiệp ở Ấn Độ và UAE.
Phương thức trả trước được xem như giải pháp chính để quản lý dạng rủi ro này tại thị trường Đông Nam Á và Mỹ trong khi các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Úc, Anh, Brazil, Trung Quốc mở rộng lại sử dụng công cụ bảo hiểm tín dụng xuất khẩu."- Lawrence Webb, chuyên gia HSBC nhận định.
Cũng theo khảo sát này, Việt Nam đã tăng 2 điểm về triển vọng giao dịch thương mại, từ 108 điểm trong quý 2 lên 110 điểm trong quý 3 năm 2009. Phần lớn những doanh nghiệp được hỏi tại Việt Nam (65%) cho rằng khối lượng giao dịch thương mại sẽ tăng trong 3 tháng tới. Đây cũng là tỉ lệ cao nhất trong các quốc gia được khảo sát.
Sự lạc quan của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Việt Nam tiếp tục với 63% các doanh nghiệp (so với 42% của quý 2 năm 2009) tin rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng trong 3 tháng tới.
Nhìn chung, cuộc khảo sát Chỉ số tin cậy thương mại của ngân hàng HSBC cho thấy những dấu hiệu lạc quan về triển vọng thương mại toàn cầu. Các doanh nghiệp ở Trung Hoa Đại lục (121 điểm), Indonesia (120 điểm) và các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (118 điểm) có mức độ tin cậy cao nhất về họat động và tăng trưởng thương mại.
Những thị trường thận trọng nhất do bị tác động mạnh mẽ của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng cho thấy những dấu hiệu lạc quan với ít nhất 40% các doanh nghiệp cho rằng khối lượng giao dịch thương mại sẽ tăng: Mỹ (41%), Anh (40%) và Hồng Kông (40%).
Chỉ số tin cậy thương mại của Ngân hàng HSBC được khảo sát trên 12 thị trường – bao gồm những nền kinh tế then chốt ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Brazil, Anh và Mỹ.
Trong đợt khảo sát lớn nhất này, hơn 3.500 doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đưa ra các dự đoán của họ trong 3 tháng tới về: Khối lượng giao dịch thương mại, các rủi ro từ phía người mua và nhà cung cấp, nhu cầu tài trợ thương mại, khả năng tiếp cận tài trợ thương mại, tác động của ngoại hối đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát được sử dụng để tính chỉ số tin cậy thương mại, xếp từ 0 đến 200, trong đó điểm 200 thể hiện mức độ tin cậy cao nhất, điểm 0 thể hiện mức thấp nhất và 100 là trung bình. |