Như đã cam kết với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong cuộc họp tại Hà Nội mới đây, kể từ ngày 1/6/2009, các ngân hàng quốc doanh bắt đầu điều chỉnh lãi suất tiền gửi ngoại tệ.
Theo đó, từ ngày 1/6/2009, lãi suất tiền gửi USD tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 0,7%/năm, 3 tháng 1,1%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 1,3%/năm, 9 tháng là 1,4%/năm, 12 tháng trở lên lãi suất là 1,5%/năm.
Tương tự, Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng áp dụng mức lãi suất tiền gửi USD mới, cao nhất chỉ còn 1,5%/năm đối với khách hàng cá nhân và 1,4%/năm dành cho các doanh nghiệp (DN) và tổ chức kinh tế.
Với chủ trương bình ổn thị trường ngoại tệ, hạn chế bớt dòng tiền gửi bằng USD chảy vào ngân hàng, đồng thời để giải quyết bài toán dư thừa vốn ngoại tệ, các ngân hàng quốc doanh đã thống nhất cùng NHNN chỉ áp dụng mức lãi suất cao nhất 1,5%/năm. Lãi suất cho vay bằng ngoại tệ cũng giảm xuống, mức cao nhất chỉ còn 3%/năm.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, ngay trong chiều ngày 29/5, sau khi có sự thống nhất với các ngân hàng quốc doanh về việc giảm lãi suất huy động vốn và cho vay bằng ngoại tệ, Vietcombank đã lên kế hoạch điều chỉnh và từ đầu tuần này bắt đầu áp dụng lãi suất mới.
Theo nhận định của ông Thanh, trong bối cảnh hiện nay để bình ổn thị trường ngoại tệ và giải quyết được nguồn vốn huy động bằng USD đang dư thừa, biện pháp trên sẽ phần nào tạo được tính hấp dẫn cho nguồn vốn ngoại tệ đối với DN. Ông Thanh cho biết, nếu giữ mức lãi suất huy động và cho vay bằng USD như trước đây, nhu cầu vốn của DN không tăng, do vay ngoại tệ không được hưởng hỗ trợ lãi suất và DN nhập khẩu lo ngại rủi ro biến động tỷ giá, nên vẫn thích vay VND hơn.
Nhìn chung, các “đại gia” trong ngành ngân hàng đang từng bước điều chỉnh. Như vậy, mặt bằng lãi suất tiền gửi mới bằng USD được thiết lập, với mức cao nhất hiện nay là 1,5%/năm tại các ngân hàng quốc doanh và Vietcombank. Riêng đối với các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ, mức cao nhất được áp dụng trong ngày 1/6 vẫn giữ mức trên 2,5%/năm.
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần tại TP.HCM cho biết, trước hết ngân hàng phải xem xét tình hình và động tĩnh của các ngân hàng lớn và Ngân hàng này vẫn giữ mức lãi suất cao nhất đối với tiền gửi USD là 3,5%/năm. “Tuy nhiên, không thể giữ mức lãi suất cao khi các ngân hàng bạn vào đợt điều chỉnh hạ, nên vấn đề còn lại chỉ là thời gian”, vị tổng giám đốc này thừa nhận.
Mặt bằng lãi suất huy động USD giảm sẽ góp phần làm bình ổn thị trường ngoại tệ, bởi người dân sẽ bắt đầu tính toán lại bài toán nắm giữ đồng tiền nào để có lợi hơn khi lãi suất USD đã giảm mạnh, trong khi tiền gửi bằng VND vẫn được hưởng lãi suất cao.
Thêm vào đó, mặc dù có nhiều dự báo về xu hướng tỷ giá, nhưng NHNN khẳng định sẽ không phá giá đồng nội tệ, mà chỉ điều chỉnh linh hoạt dựa trên diễn biến của thị trường và có sự can thiệp của Nhà nước. Chính vì vậy, kỳ vọng về tỷ giá hối đoái tăng đột biến của không ít nhà đầu tư, người dân đang nắm giữ USD là khó có thể xảy ra.
Với việc giảm mạnh lãi suất tiền gửi bằng USD, các ngân hàng cũng dần điều chỉnh lãi suất cho vay vốn bằng đồng tiền này, với mức cao nhất của các ngân hàng lớn hiện chỉ còn 3%/năm. Như vậy, so với lãi suất vay bằng VND (sau khi trừ mức hỗ trơ)ï được ngân hàng cho vay phổ biến ở mức trên dưới 5%/năm hiện nay, lãi suất vay vốn ngoại tệ đã trở nên hấp dẫn hơn.
DN nhập khẩu có thể quay trở lại vay USD để phục vụ cho việc thanh toán, mà không cần phải chật vật tìm kiếm nguồn ngoại tệ trên thị trường “chợ đen”, với giá cao hơn giá bán niêm yết trong ngân hàng như thời gian qua. Các ngân hàng có thể giải quyết được bài toàn vốn huy động bằng USD đang dư thừa. Qua đó, cung - cầu ngoại tệ trên thị trường sẽ bớt căng thẳng so với 4 tháng đầu năm.
(Theo Thùy Vinh // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com