Nếu hạ lãi suất cơ bản vào lúc này thì lãi suất huy động chắc chắn sẽ giảm và huy động vốn của ngân hàng sẽ trở nên khó khăn hơn |
Nhiều ý kiến cho rằng vào thời điểm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay, nên tiếp tục hạ lãi suất cơ bản để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và đã đến lúc thực hiện cơ chế lãi suất cho vay thỏa thuận. Nhưng các ngân hàng thì dường như “đầu tư” vào huy động vốn hơn là tìm ra phương cách hạ lãi suất hỗ trợ DN khi bối cảnh kinh tế còn khá ảm đạm.
Hạ lãi suất cho vay để giảm chi phí vốn cho DN là giải pháp các nước vẫn áp dụng để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Khi nào cân bằng lãi suất trần
Ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện nay cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, do vậy cần hạ xuống nữa để hỗ trợ cho các DN. Thời điểm hiện nay thì có lẽ chưa nên thực hiện hạ lãi suất ngay mà chờ đến lúc gói hỗ trợ lãi suất 4% kết thúc. Lúc đó cùng với việc bỏ trần lãi suất thì NHNN nên có biện pháp tránh sốc cho DN, lâu nay đang quen được hỗ trợ. Việc hạ lãi suất không đồng nghĩa với đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, và việc dỡ bỏ trần lãi suất cũng không dễ thực hiện ngay khi có nhiều loại hình ngân hàng hoạt động như hiện nay. Hơn nữa mở van tín dụng không cho nghĩa là cho vay tiêu dùng ồ ạt, thậm chí cho vay dưới chuẩn.
Ông Trần Thành Nam – Cty xuất nhập khẩu Nam Việt cho rằng: Động thái hạ lãi suất cơ bản sẽ gây áp lực khiến tỷ giá VND/USD tăng cao. Bởi khi lãi suất cơ bản được hạ xuống, buộc các ngân hàng cũng phải điều chỉnh lãi suất tiết kiệm giảm sẽ khuyến khích người dân đầu cơ vàng hoặc ngoại tệ, trong đó kênh ngoại tệ sẽ được quan tâm nhiều hơn. Lý do là khả năng thanh khoản của USD cao hơn vàng và độ rủi ro và biên độ biến động cũng thấp hơn. Vì thế đầu cơ USD thường là kênh được lựa chọn khi lãi suất tiết kiệm giảm.
Một giám đốc ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng nên có lãi suất thỏa thuận mới để kích thích tiêu dùng. Chưa nên hạ lãi suất cơ bản vì hiện đồng VND vẫn còn yếu; Dự báo lạm phát còn cao, tình hình còn phức tạp, sự tin cậy của công chúng vào hệ thống ngân hàng cũng chưa đủ độ. Do vậy, việc hạ lãi suất vẫn có thể có những phản ứng ngược. Điều này biểu hiện ở việc huy động vốn bằng VND của các ngân hàng có giảm, trái phiếu Chính phủ bằng VND cũng không thành công... Còn nếu giảm lãi suất thì nên theo dõi vốn có được đầu tư vào sản xuất hay không, hay lại “lòng vòng” trên thị trường. Có thể dư nợ tín dụng sẽ tăng trong thời gian tới, vì khi kinh tế có dấu hiện phục hồi, nhu cầu về vốn tăng. Thị trường chứng khoán, bất động sản cũng đang hồi phục nên sẽ cần một lượng vốn lớn. Do vậy, cần chú ý việc huy động vốn của các ngân hàng.
Cần tính bình ổn trong lãi suất
Theo các chuyên gia, lãi suất đầu ra phổ biến ở 12 - 14% một năm có thể kích thích sản xuất và nâng cầu tiêu dùng thị trường nội địa. Tuy nhiên, DN vẫn còn gặp khó khăn vì lãi cho vay tiêu dùng thường được ngân hàng áp dụng ở mức trần, khó kích thích tăng trưởng sản xuất. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng lãi suất cơ bản nên ổn định trong thời gian tới, nếu không sẽ nảy sinh một số khó khăn cho ngân hàng. Vì hiện tại, việc huy động vốn của hệ thống ngân hàng đang có xu hướng giảm, mặc dù các ngân hàng đã phải tăng lãi suất huy động. Do đó, nếu hạ lãi suất cơ bản vào lúc này thì lãi suất huy động chắc chắn sẽ giảm và huy động vốn của ngân hàng sẽ trở nên khó khăn hơn. Nhưng có thể ổn định lãi suất cơ bản đến 6 tháng cuối năm rồi tùy vào thực tế để quyết định.
Theo bà Dương Thu Hương - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng nhận định, cái khó hiện nay là đầu ra cho sản phẩm, thiếu thị trường tiêu thụ chứ không phải ở lãi suất cao. Bởi trên thực tế, sau khi được Chính phủ hỗ trợ lãi suất, thì lãi suất cho vay còn lại chỉ khoảng 1%, nếu DN chưa được hỗ trợ lãi suất, thì mức lãi suất vay chỉ từ 6-7%. Do vậy chưa cần thiết phải hạ lãi suất vào thời điểm này.
Nhiều nước đã sử dụng công cụ "lãi suất cơ bản" một cách đắc lực và hữu hiệu. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã liên tục hạ lãi suất cơ bản từ 6,75% xuống còn 1% để các ngân hàng thương mại đẩy vốn ra kích thích tăng trưởng kinh tế. Khi lãi suất giảm, tiền vốn đẩy ra nhiều, lạm phát tăng, thì lãi suất cơ bản lại liên tục được đẩy từ 1% lên 5,5% để kiềm chế lạm phát. Khi lãi suất tăng, những khoản đầu tư (đặc biệt là đầu tư vào nhà đất) được vay với lãi suất thấp trước đó làm cho bong bóng bị xì hơi, gây ra cuộc khủng hoảng tài chính suy giảm kinh tế, FED lại liên tục hạ lãi suất cơ bản xuống 0-0,25%, đồng thời liên tiếp tung ra gói tài chính khổng lồ để giải cứu và kích thích kinh tế. Nhiều chuyên gia đã dự đoán, kinh tế Mỹ sẽ phục hồi, tuy chậm hơn và khi kinh tế phục hồi thì khả năng lạm phát sẽ quay trở lại.
VN đã đưa ra lãi suất cơ bản, sau 28 tháng không thay đổi (ở mức 8,25%). Từ tháng 5/2008 đã được NHNN chính thức sử dụng làm công cụ chủ yếu điều hành lãi suất trên thị trường tiền tệ. Khi lạm phát được chặn lại, đứng trước nguy cơ suy giảm kinh tế, lãi suất cơ bản đã được liên tục cắt giảm và đã được giữ ở mức 7% trong mấy tháng nay.
(Theo Hải Ngọc - Diễn đàn doanh nghiệp )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com