Ngân hàng Nhà nước quyết định cho phép nới biên độ tỷ giá từ +/-3% lên +/-5%, áp dụng từ ngày 24.3.2009. Dưới đây là góc nhìn của TS Nguyễn Đức Thành về việc này.
Khi cán cân thương mại đang có xuất siêu (mặc dù không bền vững vì một phần khá lớn trong kim ngạch xuất khẩu đến từ xuất khẩu vàng), việc nới biên độ, nếu được coi là hành động mở đường cho tiền Việt giảm giá nhanh hơn so USD, dường như là bước đầu trong một lộ trình nới lỏng tiền tệ tiếp theo.
Việc giảm giá đồng tiền Việt có lẽ sẽ ảnh hưởng tới khu vực sản xuất với một độ trễ nhất định, và tác động sẽ là phức tạp. Các nhà xuất khẩu có thể cảm thấy dễ chịu hơn một chút vì giá xuất khẩu giảm đi một phần, nhưng các nhà nhập khẩu và các đơn vị có dư nợ nước ngoài lớn (kể cả Chính phủ), sẽ bất lợi.
Ảnh hưởng ngắn hạn xuất hiện sẽ rõ ràng nhất trên thị trường tiền tệ. Về nguyên tắc, thay đổi về tỷ giá theo thời gian tạo nên sự chênh lệch về lãi suất giữa hai đồng tiền. Nếu quả thực có một mức tỷ giá cân bằng mà đa số mọi người kỳ vọng, chẳng hạn như mức 18.500 VND sau một quãng thời gian nhất định, ví dụ một năm, thì việc tỷ giá hiện tại càng tiến gần về mức đó bao nhiêu, càng có tác dụng kéo khoảng cách giữa hai mức lãi suất hiện tại của VND và USD lại gần nhau bấy nhiêu.
Chính vì vậy, phản ứng trước sự nới rộng biên độ tỷ giá 2%, mức lãi suất giữa hai đồng tiền sẽ có khuynh hướng thay đổi. Hoặc lãi suất USD điều chỉnh tăng, hoặc lãi suất tiền Việt giảm. Điều này có thể thấy ngay trên thực tế. Ví dụ, nếu chưa kịp có sự điều chỉnh giảm lãi suất tiền Việt trong những ngày tới, thì việc phát hành trái phiếu bằng USD của Chính phủ những ngày này sẽ phải có sự điều chỉnh tăng lãi suất để trái phiếu bằng USD hấp dẫn hơn.
Cụ thể hơn, ngày 23.3, ngân hàng Nhà nước nới rộng biên độ thêm 2%, thì ngay hôm sau 24.3 là đấu thầu trái phiếu bằng USD của Chính phủ. Kết quả là với mức trần 3,3%, chỉ có 80% của 100 triệu USD được giao dịch thành công. Trước đó vài ngày, và cũng là trước khi có sự điều chỉnh biên độ, 100 triệu USD trái phiếu kỳ hạn một năm đã giao dịch thành công ở mức 3 %. Tất nhiên với đợt 2, mà kỳ hạn là hai năm, thì lãi suất cân bằng phải cao hơn. Nhưng rõ ràng, việc điều chỉnh biên độ tỷ giá USD ngay trước ngày phát hành đợt 2, đã ảnh hưởng rõ rệt đến kết quả đầu thấu vì trong điều kiện chưa rõ kế hoạch điều chỉnh lãi suất tiền Việt, thì việc giữ mức lãi suất USD như cũ khiến đầu tư vào trái phiếu USD kém đi phần hấp dẫn.
Nhìn dài hạn, có thể hy vọng rằng việc chủ động phá giá là một bước mở đường cho việc hạ lãi suất tiền Việt trong những bước kế tiếp. Việc hạ lãi suất tiền Việt có thể là một giải pháp tốt trong bối cảnh gói hỗ trợ lãi suất một tỉ USD chuẩn bị kết thúc, và khả năng ngân sách không cho phép theo đuổi những gói hỗ trợ dài hơi hơn. Thêm vào đó, việc hạ lãi suất chung có tác động tới nền kinh tế tốt hơn biện pháp hỗ trợ lãi suất. Vì phương pháp sau thường gây nhiều méo mó, tạo điều kiện cho những kẽ hở trong việc phân bổ vốn. Đồng thời, nếu lãi suất chung hạ thêm một chút, các doanh nghiệp nhập khẩu có thể cảm thấy được bù đắp phần nào từ những ảnh hưởng tiêu cực của tỷ giá tăng.
Theo TS Nguyễn Đức Thành
(Theo SGTT)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com