Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

EUR/USD: tăng trưởng ngoài dự báo

1. Đồng bạc xanh tiếp tục lên giá song hành cùng thị trường chứng khoán.

Thâm hụt cán cân thương mại và ngân sách không ngăn được đà tăng giá của đồng bạc xanh. Đồng USD chỉ trượt giá nhẹ so với CAD, nhưng tăng so với AUD, NZD, EUR, GBP và thậm chí cả đồng JPY cũng không thể cản được nhu cầu tìm đến đồng USD. Song hành cùng sự lên giá của đồng USD là sự bật dậy của thị trường chứng khoán phố Wall. Với những gì đã đạt được trong tuần này, S&P 500 đã lấy lại được những gì đã mất sau đợt giảm lịch sử vào thứ Năm và thứ Sáu tuần trước. Thậm chí chứng khoán phớt lờ cả thông tin Morgan Stanley có khả năng trở thành nạn nhân thứ 2 của Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) về hoạt động kinh doanh phái sinh trên thị trường nhà đất. Với các tiêu chuẩn về sức khỏe nền kinh tế, lãi suất và điều kiện tài chính, Mỹ đều đang ở vị thế tốt hơn nhiều so với đối thủ của nó: Liên minh châu Âu. Cụ thể, cán cân thương mại tháng 3 thâm hụt thêm 2.5%, đạt mức 40.4 tỷ USD, cao nhất trong 15 tháng qua. Cụ thể, nhập khẩu tăng 3.1% và xuất khẩu tăng 3.2% lên mức cao nhất trong 17 tháng qua. Trong khi đó, thâm hụt ngân sách tháng 4 cũng tăng mạnh, với mức thâm hụt lên đến 82.7 tỷ USD so với 20.9 tỷ USD của tháng 3. Tuy nhiên vấn đề thâm hụt thương mại và ngân sách đối với nước Mỹ không phải là chuyện mới. So với tình hình khó khăn hiện tại của Châu Âu, bức tranh nước Mỹ vẫn sáng sủa hơn. Miễn là tương quan này còn được duy trì, đồng bạc xanh sẽ tìm được bệ đỡ vững chắc trong tương lai.

Lịch công bố thông tin kinh tế hôm nay có chỉ số giá nhập khẩu tháng 4, báo cáo đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Thị trường sẽ khá thận trọng với các báo cáo liên quan đến thị trường lao động vì sự thiếu thống nhất trong các báo cáo tuần qua. Khả năng vị thế các đồng tiền trên thị trường sẽ không có sự thay đổi lớn.

2. Vàng lập kỷ lục mới khi nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn.

Vàng tiếp tục lập thêm kỷ lục mới trên thị trường – chạm mức 1248.18USD/Oz khi những lo ngại quanh gói hỗ trợ khổng lồ ở Châu Âu vẫn chưa được xoa dịu. Tuy có giảm nhẹ vào cuối phiên do sự hồi phục trên thị trường chứng khoán Mỹ trước cam kết cắt giảm thâm hụt ngân sách của Tây Ban Nha, quý kim này vẫn chốt phiên ở mức 1237.30USD/Oz, tăng được 8USD/Oz so với mức mở cửa đầu ngày và thiết lập chuỗi 6 phiên bất bại liên tục trên thị trường.

Nhu cầu mua vàng trong những ngày gần đây đang tăng mạnh. Doanh số các cửa hàng bán lẻ nữ trang tăng lên, số vàng các quỹ đầu cơ vàng nắm giữ vượt con số 2.3 tỷ, bên cạnh đó, mức lãi suất thấp của Mỹ, lo ngại về khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp và các nước Châu Âu, sự xáo trộn mạnh trên thị trường chứng khoán Mỹ tuần qua cũng hỗ trợ tâm lý đầu cơ giá vàng tăng. Do đó, các chuyên gia dự đoán giá vàng vẫn còn nhiều cơ hội tăng giá trong trung và dài hạn, tuy vậy trước đó quý kim này sẽ có một vài phiên điều chỉnh trong ngắn hạn.

“Vàng đang trở nên đắt đỏ hơn nhưng mọi người vẫn đổ xô vào vàng bởi những lo lắng xung quanh khủng hoảng nợ ở khu vực Châu Âu. Gói giải cứu vừa được công bố chưa thể xoa dịu tâm lý lo lắng này lại thổi bùng lên mối lo mới về lạm phát bởi lượng tiền quá lớn được cung ứng vào thị trường. Chúng ta sẽ nhìn thấy một dòng vốn lớn từ Châu Âu chảy vào các quỹ ETF, vàng vật chất.” (trích phát biểu của Adam Klopfenstein, chiến lược gia của tập đoàn Lind-Waldock ở Chicago)

Không được may mắn như giá vàng, dầu thô hôm qua tiếp tục giảm giá. Giá dầu giao kỳ hạn rơi xuống mức thấp nhất trong 3 tháng. Giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 7/2010 giảm 72 cent tương đương 0,9% xuống mức 75,65USD/thùng. Giá dầu thô giao tháng 8/2010 trong khi đó lại tăng 0,5% lên mức 82,55USD/thùng. Mức chênh lệch giữa hai giá dầu giao hai thời điểm khác nhau cho thấy nhà đầu tư đang đặt kỳ vọng khác nhau như thế nào. Ngày thứ Tư, Cơ quan năng lượng Mỹ công bố dự trữ hàng tồn khi tại Cushing, nơi dầu thô tại sàn Nymex được vận chuyển, trong tuần kết thúc ngày 07/05 đã tăng 37 triệu thùng, cao hơn tất cả mọi dự báo. Giá dầu giao từ thời điểm tháng 8 trở đi ở mức cao bởi nhà đầu tư cho rằng khi đó nhu cầu dầu cao, nguồn cung dầu sẽ hạn hẹp khi kinh tế phục hồi.

3. EUR/USD: tăng trưởng ngoài dự báo nhưng còn nhiều mong đợi.

Chịu chi phối bởi tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư đối với khủng hoảng nợ của Hy Lạp cũng như khả năng lây lan sang các nước thành viên trong khối EU, mở đầu phiên giao dịch hôm qua đồng EUR giảm giá liên tục so với USD, tuy nhiên tỷ giá EUR/USD đột ngột tăng điểm khi thị trường đón tin tích cực từ Châu Âu. Theo đó Thủ tướng Tây Ban Nha, Jose Luis Rodriguez Zapatero, cho biết nước này sẽ thực hiện các biện pháp cắt giảm 6 tỷ EUR đầu tư công, 5% chi phí lương công chức để giảm thâm hụt ngân sách khoảng 15 tỷ EUR trong năm 2010-2011 và bán thành công trái phiếu ở Bồ Đào Nha. Thông tin làm tăng thêm độ mạnh của đồng EUR là GDP quý I/2010 của Châu Âu tăng 0,2% so với quý IV/2009 và lớn hơn so với dự báo, song song đó là GDP quý I của Đức cũng tăng 0.2% so với quý trước và 1.6% so với năm ngoái. Trong khi đó cán cân thương mại Mỹ tháng 3 được công bố thấp hơn kỳ trước, tạo áp lực lên đồng USD làm cho cặp tỷ giá EUR/USD tiến lên trên thị trường. Tổng hợp của những tác động này giúp đồng EUR tăng nhẹ so với USD khi kết phiên giao dịch cuối ngày. Tuy nhiên theo nhận định của một số chuyên gia thì những thông tin kinh tế khả quan này cũng chưa đủ lực để làm cho thị trường trở về trạng thái bình ổn như mong đợi.

Hôm nay, lịch thông tin kinh tế quan trọng đến từ châu Âu khá trống. Nếu không có tin tức bất ngờ được công bố, khả năng đồng EUR vẫn được hưởng lợi từ các lực hỗ trợ của ngày hôm qua để chiếm ưu thế so với USD.

4. JPY giảm giá trong điều kiện kinh tế Nhật khởi sắc.

Lực nâng đỡ của các thông tin kinh tế cơ bản đã không đủ mạnh để có thể chiến thắng áp lực bán đồng Yên trong chiến lược vay JPY – mua chứng khoán (hay còn gọi là “carry trade”) của nhà đầu tư khi tâm lý nhà đầu tư trở nên ổn định hơn. Đồng JPY giảm giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác như :USD, EUR, CAD và AUD.

Theo tin công bố, chỉ số dự báo kinh tế trong tháng 3 đã ghi nhận mức 102.8 điểm, tăng 4.37% so với tháng trước và là kỳ tăng điểm thứ 12 liên tiếp của chỉ số này. Một thước đo khác về sức khỏe toàn nền kinh tế, chỉ số trùng lặp, trong tháng 3 cũng tăng lên mức 101.1 điểm, cao nhất kể từ tháng 7/2008. Những thành tích này có được phần lớn là nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu với cán cân thương mại tháng 3 tăng ¥296.7 tỷ đạt mức thặng dư ¥1,074.7 tỷ , tổng tài khoản vãng lai tháng 3 cũng tăng đáng kể đạt ¥2,534.2 tỷ. Với các dẫn chứng đó, có thể nhận thấy việc đồng Yên yếu đã thực sự phát huy tác dụng trong việc kích thích xuất khẩu và từ đó hỗ trợ đắc lực cho sự hồi phục kinh tế Nhật Bản.

Là tích cực về góc độ vĩ mô khi bức tranh kinh tế Nhật sáng sủa, các thị trường chứng khoán bao trùm bởi sắc xanh, song chưa hẳn đã là nhân tố tích cực cho đồng JPY bởi vì chiến lược “carry trade” mà các nhà đầu tư áp dụng đã tạo nên áp lực bán JPY đẩy đồng JPY vào xu thế mất giá. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường tài chính công ở Châu Âu đã và đang thoát dần khỏi nguy cơ vỡ nợ, kinh tế Mỹ khởi sắc gia tăng tính an toàn cho các tài sản tài chính, mà cụ thể là các chứng khoán sinh lợi cao càng thôi thúc giới đầu cơ ưa thích mạo hiểm “carry trade”, kiềm hãm khả năng hồi phục của đồng tiền này.

(scb)

  • Khi khách hàng tốt... không chịu vay
  • Nóng tỷ giá “chợ đen”, khi nào can thiệp?
  • Đường đi mới của tỉ giá và lãi suất
  • Căng thẳng tỷ giá chỉ mang tính nhất thời
  • Chính sách tiền tệ: Món ngon khó nấu!
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!