Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tỷ giá USD/VND: Đề phòng đầu cơ

Điều hành tỷ giá năm 2009 đang là một bài toán cần đối vĩ mô khó khi các yếu tố tác động vẫn là những ẩn số khó dự đoán.


 

Một giám đốc doanh nghiệp niêm yết trong ngành sản xuất kinh doanh thép tâm sự rằng, ông không khỏi lo ngại khi vấn đề tỷ giá năm 2009 chưa biết thế nào. Hồi giữa năm 2008, khi ông đang làm việc với Tổng thư ký Hiệp hội Thép Phạm Chí Cường, nhân viên của ông gọi điện về hỏi ý kiến có nên mua đô-la hay không khi tỷ giá trên thị trường tự do lên tới gần 20.000 đồng/đô-la Mỹ. Cuối cùng, ông vẫn phải quyết định chịu thiệt về tỷ giá để mua sau khi “gõ cửa” tất cả các ngân hàng mà chỉ nhận được cái lắc đầu. Năm ngoái, doanh nghiệp ông đã phải đi gom đô-la Mỹ trên thị trường chợ đen không chỉ một lần khi mà nguồn cung của ngân hàng hoặc không đủ hoặc không thể tới tay doanh nghiệp vì nhiều lý do. “Cái doanh nghiệp cần là một tỷ giá ổn định và thị trường ngoại hối thông suốt, dễ mua dễ bán. Như hiện nay là ổn!”, ông kết luận.


Tư vấn chỉ là tư vấn
 

Đáng chú ý nhất trong tuần qua là sự công bố ra công chúng bài thảo luận chính sách số 4 của nhóm chuyên gia thuộc trường Harvard Kennedy và Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright có tiêu đề “Thay đổi cơ cấu: Giải pháp kích thích có hiệu lực duy nhất”. Trong công trình nghiên cứu này, các chuyên gia đã đưa ra khuyến nghị rằng, Chính phủ nên từng bước giảm giá đồng tiền Việt Nam.
 

Lãi suất trong nước đã giảm xuống khá thấp thì đầu cơ ngoại tệ dễ xảy ra hơn


Lập luận của họ là, đồng tiền của Việt Nam đã trở nên quá mạnh so với đồng tiền của các nước đối tác thương mại gây bất lợi cho xuất khẩu dẫn tới thâm hụt thương mại. Tính toán của nhóm chuyên gia này cho thấy, tỷ giá hiệu dụng thực sau khi đã điều chỉnh lạm phát của đồng Việt Nam vào tháng 9/2008 tăng tới 33% so với tháng 1/2004 và vẫn tiếp tục tăng trong ba tháng cuối năm 2008.


Điều quan trọng nhất mà báo cáo đã không chỉ ra là, cần giảm giá đồng tiền Việt Nam bao nhiêu phần trăm để tăng được 1% kim ngạch xuất khẩu. Bởi lẽ vấn đề kích thích xuất khẩu hiện không chỉ phụ thuộc vào giá mà là nhu cầu từ các đối tác thương mại của Việt Nam đang sụt giảm.


Trong một cuộc trao đổi riêng với chúng tôi, chuyên gia kinh tế khu vực Đông Nam Á của ngân hàng Standard Chartered Tai Hui cũng đồng tình với ý kiến cho rằng, không thể chỉ dùng biện pháp giảm giá đồng tiền để đẩy mạnh xuất khẩu, nếu có thì phải tới 20-30%. Nghĩa là khi đó tỷ giá phải xấp xỉ mức 20.000 VND/USD. Nhưng nên nhớ rằng trong năm 2008, khi tỷ giá mới chỉ tăng lên mức 19.500VND/USD, thị trường ngoại hối đã trở nên hỗn loạn và đích thân Vụ Trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối Nguyễn Quang Huy đã phải lên truyền hình lúc 11 giờ đêm để trấn an dư luận.


Thêm vào đó, khi xét tới tác động của tỷ giá tới xuất khẩu cần phải tính thêm cả yếu tố so sánh với các nước xuất khẩu cạnh tranh. Về điều này, ông Tai Hui khẳng định, đối thủ cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam chỉ là Trung Quốc.


Nhìn lại từ tháng 7/2005 khi Trung Quốc thả nổi có kiểm soát đồng Nhân dân tệ, tới nay đồng tiền này đã tăng giá trị tới gần 20% so với đồng đô-la Mỹ. Nếu tính theo tỷ giá hiệu dụng thực thì sự tăng giá của đồng Nhân dân tệ còn cao hơn bởi lạm phát của Trung Quốc thường cao hơn khá nhiều so với các nước phương Tây và Nhật Bản. Như vậy, ông Tai Hui cho rằng, trong những năm qua khó có thể nói giá hàng xuất khẩu Việt Nam chịu thiệt do tỷ giá.


Tín hiệu ổn định
 

Điều quan trọng nhất hiện nay là thị trường ngoại hối đang vận hành ổn định. Vị giám đốc doanh nghiệp ngành thép nói trên cho biết nhu cầu mua bán ngoại tệ của doanh nghiệp đang được các ngân hàng đáp ứng đầy đủ. Các ngân hàng thương mại đều khẳng định họ đang ở trạng thái cân bằng về ngoại tệ và không có chuyện từ chối yêu cầu mua đô-la hợp lý của doanh nghiệp. Khi bài báo này lên khuôn, trên thị trường tự do, tỷ giá chỉ nhỉnh hơn tỷ giá chính thức chút ít và chưa có dấu hiệu của các hoạt động đầu cơ ngoại tệ. Đó chính là lý do chuyên gia Tai Hui cho rằng hiện nay chính sách tốt nhất là giữ tỷ giá ổn định bởi lẽ giảm giá đồng tiền Việt Nam là một bài toán đánh đổi. Giảm giá tiền đồng chưa biết sẽ hỗ trợ xuất khẩu được bao nhiêu nhưng có thể gây bất ổn trên thị trường do tâm lý đầu cơ.


Từ đầu năm, những tín hiệu được phát đi từ Chính phủ cho thấy xu hướng điều hành ổn định tỷ giá. Thủ tướng Chính phủ, qua các phương tiện thông tin đại chúng, khẳng định rằng không có chuyện Việt Nam phá giá đồng tiền. Cách đây vài tuần, trong bài nghiên cứu về điều hành tỷ giá, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tiếp tục khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để giữ ổn định mức tỷ giá được lập sau động thái tăng tỷ giá liên ngân hàng 3% từ hồi cuối tháng 12/2008. Mặt bằng tỷ giá mới được xem là đủ để hỗ trợ xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu và đảm bảo sự bền vững của cán cân thanh toán quốc tế, đồng thời hạn chế tâm lý kỳ vọng tỷ giá sẽ tăng cao. Điều này có vẻ đúng trong thì hiện tại.


Trong tháng 1/2009, nhập siêu chỉ khoảng 300 triệu đô-la Mỹ, thấp hơn nhiều so với mức nhập siêu 2,3 tỷ đô la Mỹ của tháng 1/2008, và đây là tháng thứ 8 liên tiếp có nhập siêu ở mức dưới 1 tỷ đô-la Mỹ. Dù kim ngạch xuất khẩu tháng 1/2009 ước tính đạt 3,8 tỷ đô-la Mỹ, giảm 18,6% so với tháng 12/2008 và giảm 24,2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 1/2009 ước đạt 4,1 tỷ đô-la Mỹ, giảm 27,6% so với tháng trước và giảm 44,8% so với cùng kỳ năm 2008.


Như vậy, có thể thấy thâm hụt thương mại tiếp tục được cải thiện. Đây là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới cân bằng cung - cầu ngoại tệ. Mà cung - cầu ngoại tệ mới là yếu tố
cuối cùng tác động tới chính sách điều hành tỷ giá hiện nay.


Nhưng tới bao giờ?
 

Ngân hàng Nhà nước đã nhận định rằng, trong năm 2009, do suy thoái kinh tế toàn cầu, ngoài xuất khẩu gặp nhiều khó khăn hơn, kiều hối cũng như luồng vốn đầu tư nước ngoài cũng sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khi thị trường ngoại hối đang ổn định thì cơ quan này cũng vẫn còn “án binh bất động”. Trong một dự báo có phần cẩn trọng, Chính phủ dự tính thâm hụt thương mại của năm 2009 ở mức 19,2 tỷ đô-la Mỹ. Các tổ chức tài chính quốc tế thì dự báo con số này chỉ trong khoảng 10 -15 tỷ đô la Mỹ, nhưng đây vẫn là một con số khá cao nếu so với con số dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay.


Các nguồn cung ngoại tệ như vốn đầu tư nước ngoài, kiều hối được cho là sẽ giảm, nhưng giảm bao nhiêu thì vẫn là câu hỏi lớn của năm 2009. Ngân hàng Nhà nước thường dùng từ “linh hoạt” để điều hành chính sách tiền tệ bao gồm cả chính sách tỷ giá. Tuy nhiên, trong một năm mà các chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới cũng khó tiên liệu thì “linh hoạt” âu cũng là một điều hợp lý.


Giảm giá đồng tiền Việt Nam vẫn có thể xảy ra, nhưng đó là do diễn biến thị trường, chứ chưa chắc đã là chủ đích của cơ quan quản lý. Như chuyên gia Tai Hui nhận định, chỉ có một điều cần lưu ý là, lãi suất trong nước đã giảm xuống khá thấp thì đầu cơ ngoại tệ dễ xảy ra hơn khi có biến động tỷ giá. Đó mới là điều đáng lo.

( Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp )

  • Khi khách hàng tốt... không chịu vay
  • Nóng tỷ giá “chợ đen”, khi nào can thiệp?
  • Đường đi mới của tỉ giá và lãi suất
  • Căng thẳng tỷ giá chỉ mang tính nhất thời
  • Chính sách tiền tệ: Món ngon khó nấu!
  • Đồng won Hàn Quốc thấp nhất vòng 11 năm
  • Tháng 1/2009: Số dư tiền gửi ngoại tệ tăng 2,3%
  • Tỷ giá sẽ theo hướng ổn định
  • Phát hành 55.000 tỷ đồng trái phiếu trong 2009
  • Cần linh hoạt tỷ giá
  • Các đồng tiền Đông Âu xuống dốc sau khi bị Eu từ chối gói giải cứu
  • Không có chủ trương điều chỉnh tỷ giá hối đoái
  • Đồng won giảm giá do kinh tế suy yếu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!