Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

FDI trong dài hạn: Sức hút vẫn rất lớn

Điều tra của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) về môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối phó với “cơn bão” lạm phát vừa công bố cho thấy, các DN Nhật Bản vẫn coi Việt Nam là địa điểm sản xuất tốt nhất châu Á trong 10 năm tới.

Cuộc điều tra này đã được Jetro tiến hành với 1.745 DN Nhật Bản đang đầu tư tại các nước châu Á, bao gồm 6 nước ASEAN (Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines, Việt Nam) và các nước, vùng lãnh thổ khác là Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan. Theo đó, các DN Nhật Bản đánh giá rất cao triển vọng đầu tư cả trung và dài hạn ở Việt Nam.
Theo Jetro, có tới 92,6% DN Nhật Bản sản xuất và 88% DN Nhật Bản hoạt động dịch vụ trong cuộc điều tra này trả lời dự định sẽ mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trong vòng 1-2 năm tới. Đa số các DN Nhật Bản khác được hỏi đều cho rằng, Việt Nam là địa điểm đầu tư, sản xuất tốt nhất ở châu Á trong 10 năm tới.
Sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư ngoài việc nền kinh tế đang có tốc độ phát triển cao cùng các điều kiện về vị trí địa lý, nguồn nhân lực trẻ dồi dào, ham học hỏi, chi phí nhân công rẻ, an ninh chính trị ổn định… còn bởi môi trường pháp lý liên quan đến đầu tư nước ngoài của Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện phù hợp hơn với các thông lệ quốc tế. Luật Đầu tư 2005 có hiệu lực ngày 1/7/2006 đã thống nhất khuôn khổ pháp lý cho hai khu vực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Bộ luật này được ban hành thực sự đã tạo ra “sân chơi” bình đẳng giữa các nhà đầu tư, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư.
Mặt khác, Luật Đầu tư 2005 còn phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền cấp tỉnh và các ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cũng như quản lý hoạt động đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư thông qua mô hình “một cửa liên thông”.
Cùng với việc hoàn thiện môi trường pháp lý liên quan đến đầu tư, Việt Nam đã ký kết 52 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với các nước và vùng lãnh thổ, ký 51 hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài có thể tiến hành các hoạt động đầu tư thuận lợi ở Việt Nam mà không có sự khác biệt đáng kể so với một số nước có nền kinh tế thị trường truyền thống.
Hiện Việt Nam đang tiếp tục ưu tiên kêu gọi vốn đầu tư vào các lĩnh vực: Sản xuất vật liệu mới, nguồn năng lượng mới, sản phẩm công nghệ cao; bảo vệ môi trường sinh thái; nuôi trồng và chế biến nông – lâm - thủy hải sản; sản xuất hàng hóa tiêu dùng phục vụ trong nước và xuất khẩu; xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng như giao thông, cảng biển, điện nước, kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị…; phát triển nguồn nhân lực liên quan đến giáo dục, đào tạo và y tế, thể thao; đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, các địa bàn có điều kiện khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Để thu hút FDI vào các lĩnh vực nêu trên, các chính sách ưu đãi đầu tư cụ thể cũng đã và đang được Việt Nam áp dụng linh hoạt, đa dạng. Trong đó phải kể đến chính sách ưu đãi về thuế thu nhập DN với các mức 10%, 15%, và 20% so với mức thuế suất thông thường là 28% tùy từng lĩnh vực và nhu cầu gọi vốn; thực hiện chính sách miễn, giảm thuế nhập khẩu thiết bị tạo tài sản cố định; miễn, giảm thuế nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất đối với các dự án thuộc lĩnh vực và địa bàn khuyến khích đầu tư; thực hiện chính sách miễn, giảm tiền thuế sử dụng đất, tiền thuê đất cho nhà đầu tư…
Đánh giá về triển vọng thu hút FDI của Việt Nam trong dài hạn, không chỉ các DN Nhật Bản, mà đông đảo các nhà đầu tư nước ngoài đều thừa nhận, cho dù nền kinh tế Việt Nam đang gặp khó khăn, thách thức bởi lạm phát, song Việt Nam vẫn có sức hút rất lớn đối với họ.

(Theo Vinanet)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!