Việc Nhật Bản nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam có một ý nghĩa thật đặc biệt, qua đó thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
![]() |
Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso chính thức thông báo với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc về việc Chính phủ Nhật Bản nối lại viện trợ phát triển chính thức đối với Việt Nam |
Vào lúc 17h30 chiều ngày 23/2, tại Thủ đô Tokyo, sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Ngoại trưởng Nhật Bản Nakasone đã chính thức tuyên bố việc Chính phủ Nhật Bản quyết định nối lại viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam.
Tổng nguồn vốn ban đầu được xác nhận là 83,2 tỷ yên (tương đương 900 triệu USD). Nguồn vốn vay ưu đãi này trước mắt sẽ được tập trung cho 4 dự án: Hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội; Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2; Dự án thoát nước và vệ sinh môi trường TP. Hải Phòng; Dự án nâng cấp hệ thống các cầu và tuyến tỉnh lộ. Công hàm trao đổi và hiệp định vay vốn cho 4 dự án nói trên dự kiến được ký kết trong tháng 3 tới.
Trong cuộc tiếp kiến vào buổi chiều cùng ngày với Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nhấn mạnh rằng, Chính phủ Việt Nam hết sức coi trọng nguồn vốn ODA của Nhật Bản và khẳng định quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc phòng, chống tham nhũng, nhằm đảm bảo cho các khoản viện trợ đó được sử dụng có hiệu quả.
Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso cũng bày tỏ vui mừng trước việc Chính phủ Nhật Bản tuyên bố nối lại viện trợ cho Việt Nam, khẳng định Chính phủ Nhật Bản rất coi trọng Việt Nam trong số các nước châu Á, đồng thời bày tỏ mong muốn rằng, Chính phủ Việt Nam sẽ sử dụng có hiệu quả số vốn ODA của Nhật Bản cho việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cùng với việc tuyên bố viện trợ 900 triệu USD cho năm tài khóa 2008, Nhật Bản và Việt Nam cũng đã nhất trí về việc cử chuyên gia Nhật Bản đến Việt Nam nghiên cứu một số dự án lớn để chuẩn bị cho các năm tài khóa tiếp theo. Đó là dự án xây dựng cảng Lạch Huyện, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Ninh Bình - Thanh Hóa và mở rộng Sân bay quốc tế Nội Bài.
Gọi ngày 23/2 là một ngày tốt lành và rằng, đó là kết quả của sự nỗ lực của cả hai phía, song ông Dương Đức Ưng, Cố vấn cấp cao cho Chương trình Tăng cường năng lực quản lý viện trợ còn cho rằng, ý nghĩa của sự kiện này không chỉ dừng lại ở việc Nhật Bản nối lại viện trợ cho Việt Nam, mà còn mang nhiều ý nghĩa hơn thế.
Theo ông Ưng, việc Nhật Bản nối lại viện trợ cho Việt Nam còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi ODA sẽ là một nguồn lực quan trọng giúp Việt Nam thực hiện các giải pháp kích cầu để có thể vượt qua suy giảm kinh tế. "Chúng ta có thể tranh thủ viện trợ để phát triển cơ sở hạ tầng tốt hơn, nhằm đón đầu sau khủng hoảng. Hơn nữa, khi dự án được đưa vào triển khai, chúng ta sẽ tiêu thụ được một khối lượng lớn các sản phẩm xi măng, sắt thép trong nước, đồng thời giải quyết việc làm cho người lao động", ông Ưng đánh giá.
Trong khi đó, các cơ quan quản lý, cũng như các ban quản lý dự án của ngành giao thông - vận tải, lĩnh vực được cho là được thụ hưởng nhiều nguồn vốn ODA nhất hiện nay để thực hiện các dự án đường bộ, cũng tỏ ra vui mừng trước sự kiện này.
Trao đổi với Báo Đầu tư, ông Mai Văn Đức, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, với tư cách là đơn vị quản lý, thụ hưởng nhiều dự án đường bộ sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản đang phát huy hiệu quả cao, như: Quốc lộ 5, cầu Bãi Cháy, Quốc lộ 10, Quốc lộ 18…, ông đánh giá rất cao việc Chính phủ Nhật Bản sớm nối lại ODA cho Việt Nam. "Cục Đường bộ Việt Nam luôn yêu cầu ở mức cao nhất các ban quản lý dự án trực thuộc phải sử dụng nguồn vốn một cách tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất; các công ty quản lý sửa chữa đường bộ phải có kế hoạch khai thác bền vững các công trình do nước bạn tài trợ vốn", ông Đức nói.
Đồng quan điểm này, ông Lê Anh Tuấn, Tổng giám đốc Ban quản lý Dự án 2, Bộ Giao thông - Vận tải, đơn vị đang quản lý số lượng dự án hạ tầng sử dụng vốn vay ODA và vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản lớn nhất nước (8 dự án), trong đó có những dự án trọng điểm quốc gia có quy mô vốn rất lớn như Dự án xây dựng Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên, Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 18, Dự án khôi phục các cầu Quốc lộ 1 - Giai đoạn III, khẳng định rằng, việc Nhật Bản nối lại ODA cho Việt Nam sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.
Thậm chí, ông Nguyễn Ngọc Trân, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 85, Bộ Giao thông - Vận tải, đơn vị được giao nhiệm vụ đại diện chủ đầu tư Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường dẫn đầu cầu, còn vui mừng hơn thế nữa, khi Dự án dự kiến được khởi công vào ngày 7/3/2009. "Chúng tôi rất vinh dự khởi động dự án hạ tầng đầu tiên sau khi Nhật Bản nối lại ODA.
Hiện nay, Ban quản lý dự án đang phối hợp chặt chẽ với nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát quản lý chặt chẽ tiến độ và chất lượng công trình nhằm đưa cầu Nhật Tân không chỉ trở thành một biểu tượng kiến trúc mới của Thủ đô mà còn là một trở thành biểu hiện sinh động của mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp Việt - Nhật", ông Trân nói.
Rõ ràng, việc Nhật Bản nối lại viện trợ cho Việt Nam có một ý nghĩa thật đặc biệt, qua đó thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, trong vấn đề phát triển quan hệ đối tác chiến lược, việc phát triển hợp tác kinh tế giữa hai nước là rất quan trọng. Hợp tác kinh tế có 3 nội dung: ODA, đầu tư trực tiếp nước ngoài, thương mại. Việc mở lại nguồn cung cấp ODA này sẽ tạo điều kiện cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy hơn nữa quan hệ thuơng mại giữa hai nước.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, Việt Nam cũng đang tiến hành triển khai xây dựng 3 dự án mà Thủ tướng Shinzo Abe và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cam kết: đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc và KCN cao Hòa Lạc. "Mở lại viện trợ sẽ đẩy nhanh tiến trình thực hiện các dự án lớn này và bên cạnh đó sẽ giúp chúng ta thực hiện một số dự án cơ sở hạ tầng khác. Và điều đó tạo điều kiện cho chúng ta thực hiện một sự hợp tác toàn diện giữa hai nước, thúc đẩy việc thực hiện quan hệ đối tác giữa hai quốc gia", từ Tokyo, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết như vậy
( Theo báo Đầu tư )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com