Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vốn đăng ký FDI "bỏ xa" vốn thực hiện

Khoảng cách giữa lượng vốn đăng ký FDI khổng lồ (dự kiến lên tới 65 tỉ USD) trong năm nay và lượng vốn giải ngân, được các nhà đầu tư đưa vào thực hiện (ước đạt 11,5-12 tỉ USD) là một "hố" ngăn cách lớn.

Mặc dù mức giải ngân đã tăng gần 40% so với năm ngoái, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế dự báo: Trong xu hướng suy thoái của kinh tế toàn cầu, năm 2009 các nguồn đầu tư nước ngoài sẽ khan hiếm trầm trọng và mức thu hút mới cũng như giải ngân chỉ còn bằng 50% so với năm nay.

Chưa vội mừng

Lời cảnh báo này được chính Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (FIA)- ông Phan Hữu Thắng- đưa ra tại hội nghị toàn quốc ngành KHĐT mới đây. Tính đến hết 10 tháng đầu năm, cả nước đã thu hút được 59,31 tỉ USD vốn đầu tư đăng ký mới.

Trong đó có 953 dự án mới từ 44 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới 58,3 tỉ USD, tăng gấp 6 lần về quy mô vốn so với cùng kỳ năm trước. FIA dự báo, với đà này đến hết năm 2008, cả nước sẽ thu hút mới khoảng 65 tỉ USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2007, trong đó 40% số vốn tập trung vào các KCN, KCX, khu kinh tế.

Tuy nhiên, những dấu hiệu khó khăn trong năm 2009 đang được dự báo sớm. Hai kịch bản mà Cục ĐTNN đưa ra để định hướng thu hút đầu tư năm 2009. Với kịch bản cao nhất thì năm 2009, VN vẫn duy trì được tốc độ thu hút đầu tư nước ngoài như năm nay, nghĩa là đạt hoặc vượt mức 65 tỉ USD.

Tuy nhiên, đây là kịch bản rất khó xảy ra. Kịch bản thứ 2 khả thi hơn, ĐTNN sẽ chỉ đạt 50% mức thu hút đầu tư năm 2008 (khoảng trên 30 tỉ USD), nhưng cố gắng thúc đẩy số vốn đưa vào giải ngân cao hơn, ở mức 12-13 tỉ USD.

Tháo các"nút thắt cổ chai"

Đây chính là những điểm nghẽn tăng trưởng mà nếu không có khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thì để thu hút đầu tư - VN vẫn tiếp tục phải cải thiện mạnh mẽ. Các "nút thắt" được nhận diện là cơ sở hạ tầng (khả năng cung cấp điện, cấp thoát nước, giao thông đường bộ, hàng hải...) hiện đã quá tải, hoặc đầu tư nhưng khó phát triển kịp trong thời gian ngắn để đáp ứng một khối lượng lớn vốn FDI đổ bộ...

"Đợt kiểm tra, khảo sát hệ thống hạ tầng một số cảng biển khu vực phía nam do Cục ĐTNN tiến hành mới đây cho thấy đang tồn tại rất nhiều bất cập", ông Thắng nói.

Tại khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM hiện tại có 4 cảng có vốn ĐTNN và 3 cảng vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký tới 1,2 tỉ USD. Nhưng hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, đường dẫn ra cảng và các trục đường chính triển khai rất chậm.

Bên cạnh đó, chi phí đầu vào tăng cao vẫn là thách thức lớn cho thu hút và giải ngân nguồn vốn FDI này. Theo kết quả điều tra của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thì vào cuối năm 2007, giá thuê văn phòng ở HN đang đứng thứ 5 khu vực Châu Á chi phí vận chuyển đường biển đến và đi từ Đà Nẵng cao nhất khu vực, gấp rưỡi chi phí bình quân các nước Châu Á; chi phí thuê nhà của người nước ngoài tại TPHCM cũng cao nhất nhì khu vực.

Thủ tục hành chính rườm rà, hầu hết các dự án lớn đều chờ thẩm định mất 3-4 năm, trong khi dự án chỉ có thể đầu tư tối đa 5-6 năm đã làm mất nhiều cơ hội đầu tư. Rồi những khó khăn về giải phóng mặt bằng, tình trạng đình công tự phát ở nhiều DN FDI trong KCN, thiếu lao động có tay nghề cũng báo động về môi trường cạnh tranh trong thu hút nguồn FDI vốn ngày càng khó khăn.

Mặc dù dự báo khả năng thu hút đầu tư năm 2009 chỉ khoảng 30 tỉ USD, nhưng ông Phan Hữu Thắng cũng "bật mí": Có tới 52 dự án ĐTNN với tổng vốn đăng ký trên 100 tỉ USD đang được các địa phương thảo luận với các đối tác. Trong số này, một số dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về nguyên tắc. Một số dự án quy mô lớn khác đã được địa phương trình Thủ tướng xin ý kiến chấp thuận.


(Theo Lao động)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!