Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Châu Âu: Tăng thuế để dân bớt… mập

Trước việc tỷ lệ béo phì ngày càng tăng cao, một số nước châu Âu trong năm nay đang triển khai một số quy định và một số loại thuế mới với hi vọng giảm chút mỡ, bớt chút đường trong miếng ăn dễ gây béo phì của người dân

 Chỉ vài ngày sau kỳ nghỉ năm giáng sinh và năm mới vốn thường linh đình với những bữa ăn thịnh soạn và ngọt ngào với đủ loại bánh kẹo, bộ trưởng yế tế Attila Cseke của Romania hôm 5.1 đã công bố một loại thuế mới đối với thức ăn nhanh.

Thực khách xếp hàng chờ đến lượt mình trước một cửa hàng McDonald ở thủ đô Bucharest, Romania. Các loại thức ăn nhanh bị cho là nguyên nhân gây mập, nên phải bị đánh thuế. Ảnh: Reuters

Thuế mặn, thuế ngọt

Thuế trên, nếu không gặp cản trở bất thường nào, sẽ có hiệu lực vào tháng ba tới và sẽ có thuế suất 1% tính trên doanh thu các sản phẩm thức ăn nhanh. “Số tiền thu được sẽ chuyển cho các quỹ đang triển khai chương trình sức khoẻ, và đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng”, ông Cseke cho biết. Và Romania – quốc gia đang có khoảng 25% bị béo phì, theo ước tính của Hiệp hội dinh dưỡng Romania - sẽ trở thành nước đầu tiên trên thế giới có thuế đánh vào thức ăn nhanh nhằm mục đích chống béo phì. Nhưng nước này không đơn thương độc mã, vì cách đó hàng ngàn kilomet, ở châu Á, những người lãnh đạo Đài Loan cũng cân nhắc áp một loại thuế tương tự cho thức ăn nhanh trong năm 2010 này.

Đan Mạch thì đang chuẩn bị đưa ra một loại thuế nhằm giảm bớt tính hảo ngọt của người dân. Thuế mới sẽ làm các sản phẩm ngọt ngào như chocolate, kem, và các loại bánh kẹo tăng giá thêm 27%. Theo tính toán của Liên hiệp công nghiệp Đan Mạch – ngành thực phẩm, “thuế ngọt” sẽ mang về cho chính phủ 1,5 tỉ kroner (khoảng 200 triệu euro) mỗi năm. Đến giữa năm nay, nước này có thể sẽ tiếp tục đưa ra một loại thuế mới đánh vào các sản phẩm chứa chất béo bão hoà bơ sữa, bơ thực vật, phô mai, dầu cải. Sáu năm trước, Đan Mạch từng là nước đầu tiên trên thế giới ban hành luật kiểm soát chặt chẽ việc bán các thực phẩm chứa chất béo trans với quy định thực phẩm chế biến không được chứa quá 2% chất béo trans trong thành phần. Quốc gia này đang đi đầu ở châu Âu trong việc dùng thuế và các biện pháp quản lý để giúp người dân ăn uống lành mạnh hơn, và chống béo phì.

Một cửa hàng thức ăn nhanh, bánh mì Kebab ở thủ đô Bucharest, Romania. Các loại thức ăn nhanh bị cho là nguyên nhân gây mập, nên phải bị đánh thuế. Ảnh: Reuters

Hiệu quả hay không

Học tập Đan Mạch, Tây Ban Nha trong năm nay cũng đang chuẩn bị ban hành quy định hạn chế chất béo trans trong thực phẩm chế biến. Trước đó, vào tháng 10.2009, Áo cũng hạn chế chất béo trans nhằm tránh cho người dân nguy cơ mắc các bệnh tim mạch do ăn quá nhiều loại chất béo này. Tại Đức, đảng Xanh đang vận động chính phủ ban hành quy định cấm quảng cáo bánh kẹo hướng đến trẻ em dưới 12 tuổi, nhằm bảo vệ thế hệ tương lai khỏi nguy cơ béo phì.

Đầu năm 2009, bác sĩ David Walker, đồng thời là một nhà chính trị, đã ra sức vận động ban hành thuế đánh vào chocolate ở xứ Scotland của Anh. Ví dụ điển hình mà bác sĩ Walker đưa ra là: một gói kẹo chocolate 225g cung cấp đến 1.200 calorie, bằng một nửa số năng lượng một người đàn ông cần mỗi ngày, nhưng người ta ăn thứ này rất nhanh và rất nhiều, nên chocolate là thứ thực phẩm dễ gây béo phì nhất. Tuy nhiên, Liên đoàn các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm và thức uống thì cho rằng: "Áp một loại thuế lên những loại đồ ăn mà người tiêu dùng thích chỉ làm nhẹ ví tiền của họ, chứ không làm giảm bớt vòng eo”. Thuế đánh vào các sản phẩm chứa chocolate ở xứ Scotland đã không nhận được sự ủng hộ cần thiết trong một cuộc bỏ phiếu hồi tháng 3.2009 để được thông qua .

Việc đánh thêm thuế lên thức ăn nhanh, bánh kẹo, và bơ sữa ở Romania và Đan Mạch cũng gặp phải không ít phản đối. Trong khi báo Copenhagen Post của Đan Mạch dự báo về việc người dân nước này rồi sẽ tranh thủ sang các nước láng giềng như Đức và Thuỵ Điển để khuân về hàng đống bơ sữa, bánh kẹo, chocolate, báo Adevarul của Romania cho rằng thuế sẽ chẳng giúp cải thiện sức khoẻ của người dân, hay “khuyến khích người dân ăn uống lành mạnh hơn”. Tuy nhiên cứ nhìn vào việc mức thuế cao đánh vào thuốc lá ở các nước châu Âu vài thập kỷ qua đã góp phần giảm mạnh tỷ lệ người hút thuốc ở đây, người ta cũng có thể nhận thấy rằng: Có thể một mức thuế cao không giúp giải quyết được một vấn đề, nhưng cùng với các quy định phù hợp, các chiến dịch tuyên truyền hiệu quả thì các chính sách thuế hợp lý sẽ góp phần làm thay đổi xã hội. Vì thế, thuế đánh trên các sản phẩm gây béo phì sẽ phổ biến trong thời gian tới ở các nước châu Âu, nơi có nhiều nước mà tỷ lệ người béo phì đã tăng gấp ba lần so với những năm 1980.

( Theo Hùng Khương // SGTT Online)

  • Nga trấn an dư luận trước cảnh báo nguy cơ kinh tế
  • Giới tỷ phú Nga run sợ sau vụ MH17
  • Ứng viên ôn hòa đắc cử Tổng thống, hạt nhân Iran về đâu?
  • Châu Âu: Khủng hoảng nợ công đã qua ?
  • Điểm danh vũ khí tối tân của Nga tại lễ diễu binh
  • Châu Âu: Chông chênh gánh nợ
  • Đức nghiên cứu xây khu chứa chất thải vĩnh viễn
  • Ông Putin lo xung đột ở Triều Tiên hủy diệt hơn Chernobyl
  • Đức: Berlin đối mặt với nguy cơ đói nghèo
  • EBRD: Tăng trưởng các nền kinh tế mới nổi tại Châu Âu sẽ mạnh hơn dự báo
  • “Cuộc chiến đùi gà” lại bùng phát giữa Nga-Mỹ
  • Xác nhận nền kinh tế Anh thoát khỏi suy thoái
  • Kinh tế Anh bắt đầu tăng trưởng
  • Hungary, Nga ký thỏa thuận về đường ống Dòng chảy phương Nam
  • Nga tự tin vượt qua khủng hoảng kinh tế
  • Putin: Nga đủ khả năng khôi phục nhanh kinh tế tài chính