Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đến lúc “sửa chữa” cỗ máy kinh tế lớn nhất châu Âu?

 Sự đi lên của Đức thực chất đánh đổi bằng sự đi xuống của nước khác trong khu vực đồng tiền chung châu Âu. Sự bất công này không nên được duy trì mãi.
 
Đức cần phải thay đổi, vì chính nước này cũng như nhiều nước khác.

Tại nhiều nơi trên thế giới, châu Âu được coi như một lục địa với nền kinh tế cứng nhắc, người lao động phụ thuộc nhiều vào phúc lợi xã hội, nền tảng công nghiệp suy yếu. Thế nhưng báo cáo mới nhất về những thành tựu kinh tế Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu cho thấy một câu chuyện hoàn toàn khác.

Một thập kỷ trước đây, kinh tế Đức là nền kinh tế ốm yếu của châu Âu, tăng trưởng chậm, tỷ lệ thất nghiệp cao, các công ty sản xuất tuyệt vọng cố gắng giảm chi phí sản xuất. Hiện nay, bất chấp suy thoái kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp hiện thấp hơn so với 5 năm trước đây. Dù Đức đã nhường “ngôi vua” xuất khẩu hàng hóa thế giới cho Trung Quốc, tiềm năng xuất khẩu của Đức vẫn còn rất lớn. Tính theo tương quan với GDP, thặng dư tài khoản vãng lai năm 2010 của Đức sẽ cao hơn Trung Quốc.

Đối với phần lớn châu Âu, có rất nhiều điều để nói về một nền kinh tế hiện là trung tâm chính trị, địa lý của châu lục. Thành công về kinh tế của Đức đang tạo ra nhiều vấn đề cho những nước láng giềng, Đức cần phải giải quyết vấn đề này.

Cũ và mới

Sự linh hoạt ấn tượng của Đức là kết quả của những yếu tố cũ và yếu tố mới. Hệ thống quản lý cũ giúp giới chủ nhận được ủng hộ của công đoàn ngay cả khi chi phí lao động cần phải giảm xuống. Nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (thường thuộc sở hữu gia đình) tính toán tốt về việc hoạt động nào cần phải đưa ra nước ngoài và thuê gia công.

Cùng lúc đó, chính sách kinh tế có hướng đi mới. Chính phủ Đức đưa ra chính sách cải tổ thị trường lao động và hệ thống phúc lợi xã hội vào năm 2003 – 2004. Và với áp lực từ đồng euro, doanh nghiệp Đức buộc phải giảm mức lương thực. Chi phí lao động giảm trung bình 1,4% trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2008 tại Đức, chi phí này tại Mỹ giảm 0,7% còn tại Pháp và Anh giảm lần lượt 0.8% và 0,9%.

Suy thoái kinh tế dù ảnh hưởng sâu sắc đến Đức nhưng kinh tế nước này vẫn tốt hơn nhiều so với cách đây 1 thập kỷ, Pháp và một số nước Nam Âu cần phải thực sự xem xét điều này.

Đức tự hào về khả năng kiểm soát chi phí và xuất khẩu hàng hóa. Thế nhưng Đức cần phải thừa nhận thành công của nước này đến từ sự thiệt thòi của một số nước châu Âu khác.

Người Đức muốn tin rằng họ đã hy sinh lớn khi từ bỏ đồng mác Đức yêu quý 10 năm trước đây, thế nhưng họ lại hưởng lợi từ đồng euro nhiều hơn ai hết. Khoảng một nửa hàng xuất khẩu của Đức đi vào những nước không thể nhờ đồng nội tệ yếu mà cạnh tranh được với hàng xuất khẩu Đức.

Trong khi người Anh, người Mỹ tiêu tiền hoang phí, người Đức cần mẫn tiết kiệm. Đầu tư nội địa chưa theo kịp tốc độ tiết kiệm. Sức mạnh xuất khẩu của Đức kết hợp với sự ngại ngần chi tiêu, đầu tư của họ đã mang lại thặng dư thương mại lớn.

Tiền thừa tiết kiệm của Đức đã được chuyển ra nước ngoài, vào các tài sản dưới chuẩn tại Mỹ và trái phiếu chính phủ tại nước như Hy Lạp. Sẽ là vô lý nếu cho rằng nước Đức thận trọng phải chịu trách nhiệm cho bong bóng bất động sản tại Hy Lạp hay Tây Ban Nha. Thế nhưng thực tế trong khu vực đồng tiền chung châu Âu, khi nước này có thặng dư thì nước khác phải chịu thâm hụt.

Tăng chi tiêu

Sự mất cân bằng không thể duy trì mãi mãi, dù đó là thặng dư hay thâm hụt. Nhóm nước có thặng dư tự cho mình là giỏi còn nhóm nước thâm hụt coi như tầm thường, gánh nặng điều chỉnh sẽ đè lên người vay tiền. Phản ứng của Đức với vấn đề tại Hy Lạp, Tây Ban Nha và một số nước hiện nay cho thấy xu thế chung đó.

Kế hoạch giải cứu dành cho Hy Lạp đã bị tranh cãi rất nhiều và mới đây lãnh đạo các nền kinh tế châu Âu đã cam kết hỗ trợ nhưng chưa hề nói đến số tiền cụ thể. Các Bộ trưởng của Đức đã ủng hộ phương án thành lập Quỹ tiền tệ chung châu Âu (EMF). Thế nhưng chính phủ Đức cho đến nay dường như vẫn không thể chấp nhận nổi suy nghĩ về việc điều chỉnh hướng tới giảm tỷ lệ tiết kiệm và tăng tỷ lệ tiêu dùng.

Thực tế, rõ ràng các nền kinh tế láng giềng của Đức có nhiều việc để làm. Pháp, Ý và Tây Ban Nha cần học tập Đức nới lỏng quản lý đối với thị trường lao động; Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp cần thắt chặt quản lý tài chính công.

Thế nhưng chính Đức cũng cần phải thay đổi. Sự quản lý thị trường việc làm hiện quá cứng nhắc, hệ thống y tế, phúc lợi xã hội và giáo dục cần thay đổi mạnh, lĩnh vực dịch vụ không phát triển.

Bạn không cần phải là tín đồ của thị trường tự do để nghĩ thật khó để khởi nghiệp tại Đức hoặc lo lắng thuế cao hơn sẽ đồng nghĩa với tiền dành cho y tế và phúc lợi xã hội sẽ giảm xuống. Không phải tất cả thay đổi ở Đức đồng nghĩa với chính phủ phải cắt giảm chi tiêu. Quá ít phụ nữ hiện có thể làm việc toàn thời gian bởi hệ thống hỗ trợ chăm sóc trẻ em vẫn còn thiếu hụt.

(Economist)

  • Nga trấn an dư luận trước cảnh báo nguy cơ kinh tế
  • Giới tỷ phú Nga run sợ sau vụ MH17
  • Ứng viên ôn hòa đắc cử Tổng thống, hạt nhân Iran về đâu?
  • Châu Âu: Khủng hoảng nợ công đã qua ?
  • Điểm danh vũ khí tối tân của Nga tại lễ diễu binh
  • Châu Âu: Chông chênh gánh nợ
  • Đức nghiên cứu xây khu chứa chất thải vĩnh viễn
  • Ông Putin lo xung đột ở Triều Tiên hủy diệt hơn Chernobyl
  • Châu Âu: Công ty thải nhiều CO2 làm giàu nhờ hạn ngạch
  • Ngày không người nhập cư
  • EU đau đầu vì nợ
  • Vạch mặt nhà giàu trốn thuế
  • Pháp, Tây Ban Nha hứng bão tuyết bất thường
  • Hy Lạp được gợi ý bán một số hòn đảo để trả nợ
  • Bộ trưởng Kinh tế Đức: Đức không hỗ trợ Hy Lạp, dù là một xu
  • Bồ Đào Nha: Huy động vốn tư nhân tránh khủng hoảng tài chính