Bốn nước Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha cùng cáo buộc Mỹ “chơi xấu” trong đấu thầu, khiến cho công ty EADS phải từ bỏ cuộc đua giành quyền cung cấp máy bay tiếp liệu cho không quân Mỹ.
Công ty Quốc phòng hàng không và Không gian châu Âu (EADS) hôm 8.3 tuyên bố rút khỏi cuộc đấu thầu chọn nhà cung cấp 179 máy bay tiếp liệu có trị giá 50 tỉ USD do bộ Quốc phòng Mỹ tổ chức. Tập đoàn an ninh toàn cầu Northrop Grumman (Mỹ), đối tác của EADS, cũng quyết định từ bỏ cuộc cạnh tranh.
Rút lui vì biết trước sẽ thua
![]() |
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (thứ ba từ phải qua) tham quan xưởng sản xuất máy bay trực thăng Tigre của EADS ở Pháp, với Tổng giám đốc tập đoàn này, ông Louis Gallois (bìa phải). Ảnh: Reuters |
Quyết định này được đưa ra sau khi EADS kết luận rằng theo những quy định đấu thầu được sửa đổi thì loại máy bay Airbus A330 của họ sẽ không thể nào vượt qua Boeing để thắng thầu. EADS và Northrop chào hàng loại máy bay tiếp liệu lớn hơn: Airbus A330, được cho là có công suất lớn hơn, ít rủi ro hơn, nhưng đắt tiền hơn. Ông Thomas Enders, Tổng Giám đốc Airbus, công ty con của EADS, phát biểu với thông tấn xã Đức DPA: “Cuộc đấu thầu đã được sắp đặt sẵn cho loại máy bay tiếp liệu nhỏ hơn và có công suất thấp hơn. Rõ ràng là cuộc đấu thầu này không nhằm mục đích chọn loại máy bay tốt nhất và cũng không phải là một cuộc cạnh tranh lành mạnh”.
Trong khi đó, Boeing, hiện trở thành nhà thầu còn lại duy nhất, đã lợi dụng sự rút lui của 2 hãng trên để ca ngợi mô hình máy bay tiếp liệu của mình, Boeing NewGen, được thiết kế dựa trên máy bay thương mại Boeing 767. Phát ngôn viên hãng Boeing, ông Bill Barksdale, cho biết: “Boeing NewGen giúp tiết kiệm 10 tỉ USD chi phí nhiên liệu trong thời hạn sử dụng là 40 năm”.
EC có thể trả đũa Mỹ
Các bộ trưởng của Anh, Pháp và Đức, cũng như Uỷ ban châu Âu (EC), cho biết họ có thể trả đũa Mỹ về sự sụp đổ của cuộc đấu thầu này. Một số nhân vật thân cận với chính phủ Anh cũng cảnh báo rằng có thể có một cuộc trả đũa thương mại nhắm vào Mỹ. Một trong những người đó nói: “Hậu quả của sự cố này là rất nghiêm trọng. Nó cho mọi người rõ thấy dấu hiệu của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch”.
Theo các nhà quan sát, sự đổ vỡ của cuộc đấu thầu sẽ làm “nóng” thêm sự căng thẳng thương mai xuyên Đại Tây Dương. Quan hệ thương mại giữa Mỹ và châu Âu vốn đã không êm thắm sau cuộc tranh cãi gay gắt giữa Boeing và Airbus về vấn đề trợ cấp cho các chương trình sản xuất máy bay.
Bà Christine Lagarde, Bộ trưởng tài chính Pháp, nói thẳng ra rằng có sự gian lận trong cuộc cạnh tranh để tạo lợi thế cho hãng Boeing của Mỹ, đối thủ của EADS. Bà nói: “Tốt nhất là nên cạnh tranh lành mạnh và tôi nghĩ rằng thật là đáng xấu hổ khi Boeing không làm được điều đó”.
Lord Mandelson, Bộ trưởng kinh doanh Anh, một trong những nước sẽ được hưởng lợi nếu Airbus A330 thắng thầu, nói: “Trong lúc châu Âu đang mở cửa thị trường cho các nhà sản xuất Mỹ, thì thật là đáng thất vọng khi công ty lớn nhất châu Âu cảm thấy rằng cuộc đấu thầu được dàn xếp đến mức nó không còn đáng để gọi là một cuộc đấu thầu đúng nghĩa nữa”.
Phản ứng của Mỹ
Bộ Quốc phòng Mỹ nói họ thất vọng về quyết định của EADS - Northrop nhưng bác bỏ cáo buộc về việc Mỹ áp đặt một cuộc cạnh tranh không lành mạnh. Hiện nay, Lầu Năm Góc có thể buộc phải trao hợp đồng cho Boeing mà không thông qua cuộc canh tranh nào giữa các nhà thầu. Đây là một hành động mà Tổng thống Mỹ Obama mạnh mẽ phê phán là không công bằng đối với người đóng thuế ở Mỹ.
Một số chính khách Mỹ tỏ ra chán nản về sự rút lui của EADS. Richard Shelby, thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ ở bang Alabama, nói: “Cái gọi là cuộc cạnh tranh này đã không được tổ chức để tạo ra kết quả tốt nhất cho tất cả những người mặc quân phục, mà nó đã được dàn xếp để mang lại lợi ích tốt nhất cho hãng Boeing”.
“Cuộc chiến” giành việc làm
Không quân Mỹ đã tìm loại máy bay mới để thay thế cho đội máy bay tiếp liệu Boeing có từ thập niên 50. Ban đầu, Lầu Năm Góc đã trao hợp đồng cho EADS và Northrop, nhưng các nhà phê bình ở Mỹ phản đối vì cho rằng chính phủ trao việc làm cho các nhà sản xuất châu Âu trong khi nhiều người dân Mỹ đang thất nghiệp.
Boeing sau đó đã thuyết phục được cơ quan giám sát của Quốc hội Mỹ đảo ngược quyết định của họ vào tháng 6.2008, và Bộ Quốc phòng Mỹ đã chính thức mở lại cuộc đấu thầu trong tháng 2 vừa qua.
Những ủng hộ dành cho EADS - Northrop chủ yếu xuất phát từ các bang miền Nam nước Mỹ vì Northrop đã hứa sẽ xây dựng một nhà máy lắp ráp máy bay ở bang Alabama. Hai hãng này cũng nói rằng nếu họ trúng thầu thì 58% số máy bay được sản xuất và phụ tùng thay thế sẽ được lắp ráp bởi người lao động Mỹ.
Quyết định rút lui của EADS được xem là một bước lùi trong việc mở rộng thị phần hiện còn tương đối nhỏ của họ tại Mỹ – một thị trường quốc phòng khổng lồ, có khả năng tạo ra một số lượng việc làm rất lớn. Trong khi đó, nếu EADS thắng thầu thì hàng ngàn cơ hội việc làm sẽ được tạo ra ở Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha.
(Theo Vĩnh Thọ // SGTT Online // FT, Defense-Aerospace)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com