Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hy Lạp hỗn loạn thế giới vạ lây

Sau khi EU thoả thuận gói cứu trợ trị giá 110 tỉ euro (tương đương 150 tỉ USD), tình hình Hy Lạp vẫn chưa có gì sáng sủa. Trong khi đó, thị trường tài chính toàn cầu lại bị ảnh hưởng theo.

Hàng chục ngàn người biểu tình tiếp tục khiến cho tình hình tại thủ đô Athen của Hy Lạp ngày càng trở nên hỗn loạn hơn. Cuộc biểu tình lần này được xem là có quy mô và bạo lực nhất kể từ khi cơn khủng hoảng kinh tế của Hy Lạp bùng nổ từ năm ngoái đến nay. Trong số hàng chục ngàn người biểu tình, nay có cả giáo viên, học sinh và lớp trẻ chứ không chỉ là những viên chức nhà nước, đối tượng chịu thiệt thòi trực tiếp từ các biện pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ.

Bạo động tiếp tục gia tăng

Một phụ nữ rơi nước mắt khi đến thăm trụ sở chi nhánh ngân hàng, nơi ba người thiệt mạng, trong vụ đụng độ hôm 6.5. Trong số đó có một phụ nữ đang mang thai. Ảnh: Reuters

Người biểu tình tuần hành ở các khu vực trung tâm và bắt đầu các hành động phá hoại cơ sở vật chất không chỉ của chính quyền mà của cả các doanh nghiệp. Nhiều cửa kính của các trung tâm thương mại bị đập vỡ, một số xe cộ trên đường cũng bị đập phá và đốt cháy. Hầu hết, các cơ quan làm việc của chính phủ đều bị lực lượng biểu tình phong toả. Nghiêm trọng hơn, một số cơ quan chính phủ còn bị đốt cháy. Các cuộc hoả hoạn khiến ba người chết, bốn người bị thương nặng. Cảnh sát và người biểu tình đụng độ quyết liệt tại khu vực toà nhà quốc hội cùng nhiều địa điểm khác. Hiện tại, chính phủ đưa các lực lượng an ninh đến kiểm soát tại các điểm nóng xảy ra biểu tình. Phản ứng trước điều này, Thủ tướng Hy Lạp tuyên bố: “Mọi người có quyền kháng nghị nhưng không ai có quyền sử dụng bạo lực, đặc biệt là bạo lực dẫn đến chết người”. Song hành cùng cuộc biểu tình là cuộc tổng đình công của ngành giao thông vận tải khiến cho hàng không Hy Lạp gần như bị tê liệt, hệ thống tàu phà ngưng hoạt động. Tuy không trực tiếp đình công hay biểu tình, nhưng nhiều nhà báo, nhân viên ngân hàng, nhân viên toà án, luật sư, bác sĩ… cũng rời bỏ công việc.

Người biểu tình phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng trong thời gian tới, bởi người ta lo ngại chính sách này sẽ làm mất đi nhiều quyền lợi an sinh xã hội, họ vốn được hưởng trong nhiều năm qua. Như bà Artemis Batzak Panayou, có ba đứa con nhỏ, nói sắp tới bà sẽ “không có cách nào sống nổi với tiền lương”. Bà Panayou làm công việc lau chùi tại một cơ quan nhà nước, lương của bà từ 1.200 USD mỗi tháng, đã bị cắt giảm 250 USD vào đầu năm nay, và có thể sẽ bị giảm nữa.

Người biểu tình tỏ ra phẫn nộ bởi họ cho rằng chính tình trạng tham nhũng là yếu tố quan trọng khiến cho Hy Lạp ra nông nỗi hiện nay. Periandros Athanassakis, 48 tuổi hành nghề thu gom rác thải ở cảng Piraeus gần Athen, nói: “Trong 30 năm qua, người dân Hy Lạp bị trở thành con tin” và ông cho rằng chính phủ phải chịu trách nhiệm: “Những người lấy trộm tiền phải trả”. Làn sóng phẫn nộ ngày càng gia tăng khiến cho một quan chức cao cấp của Hy Lạp lo ngại: “Có thể có một cuộc nổi dậy”.

Ảnh hưởng lan rộng

Trong 30 năm qua, người dân Hy Lạp bị trở thành con tin. Chính phủ phải chịu trách nhiệm. Những người lấy trộm tiền phải trả.

Nhiều người cho rằng biện pháp cứu trợ mà EU dành cho Hy Lạp chỉ giúp cứu vãn các ngân hàng Pháp, Đức và để giữ đồng euro khỏi mất giá. Thế nên, hy vọng vào việc nền kinh tế Hy Lạp phục hồi trong bối cảnh hiện tại gần như khó thành hiện thực. Người ta nghi ngờ cả khả năng cứu giúp các nền kinh tế Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý.

Chính vì thế, thị trường tài chính châu Âu liên tục giảm điểm. Đồng euro tiếp tục giảm xuống, mỗi euro chỉ đổi được 1,2816 USD tại thị trường New York. Điều này khiến nhiều quan chức cao cấp của Mỹ đã lên tiếng kêu gọi quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhanh chóng thực thi các biện pháp giúp nền kinh tế Hy Lạp phục hồi và vãn hồi trật tự tại nước này.

Không chỉ thế, cơn khủng hoảng cũng dần ảnh hưởng đến thị trường tài chính New York, Mỹ khi chỉ số Dow Jones giảm 0,6%, chỉ số Nasdaq giảm 0,9%, và Standard & Poor’s 500 giảm 0,7%. Nối tiếp trong danh sách bị ảnh hưởng là các thị trường tài chính châu Á. Chỉ số Nikkei trên thị trường Tokyo giảm 3,4%, chỉ số Hang Seng tại Hong Kong giảm 1,1%. Nhiều người lo ngại tình hình kinh tế ảm đạm tại châu Âu có thể ảnh hưởng đến thị trường tiêu dùng của châu Âu, làm cho xuất khẩu từ Á sang Âu giảm sút, vì châu Âu là một trong những thị trường xuất khẩu chính của châu Á.

(Theo Ngô Minh Trí // SGTT Online)

  • Nga trấn an dư luận trước cảnh báo nguy cơ kinh tế
  • Giới tỷ phú Nga run sợ sau vụ MH17
  • Ứng viên ôn hòa đắc cử Tổng thống, hạt nhân Iran về đâu?
  • Châu Âu: Khủng hoảng nợ công đã qua ?
  • Điểm danh vũ khí tối tân của Nga tại lễ diễu binh
  • Châu Âu: Chông chênh gánh nợ
  • Đức nghiên cứu xây khu chứa chất thải vĩnh viễn
  • Ông Putin lo xung đột ở Triều Tiên hủy diệt hơn Chernobyl
  • Hy Lạp trong vòng xoáy khủng hoảng
  • Tro bụi núi lửa lại “đe dọa” không phận Anh
  • EBRD sẽ tăng vốn điều lệ lên 30 tỷ euro
  • Chùm ảnh quốc hội Ukraina náo loạn như vỡ chợ
  • Đức giải mật hồ sơ hành trình trốn chạy của các trùm phát xít
  • Nga – Ukraine: Đổi khí đốt lấy căn cứ quân sự
  • Xúc phạm cử tri
  • Châu Âu chọn nơi xây đài thiên văn lớn nhất thế giới