Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khởi động cuộc đua quyết liệt giành chức Tổng thống Ukraine

Quốc hội Ukraine họp chọn ngày bầu cử Tổng thống.
Ukraine đã chính thức khởi động chiến dịch tranh cử tổng thống từ ngày 19-10 tại quốc gia này và kéo dài gần ba tháng, kết thúc trước ngày bầu cử 17-1-2010. Các nhà phân tích đánh giá, cuộc chạy đua giữa các ứng cử viên sẽ rất quyết liệt do cuộc bầu cử Tổng thống lần này ở Ukraine có ý nghĩa quyết định đường hướng tương lai của đất nước là thân phương Tây hay thân Nga.
 
Ðồng thời cuộc bầu cử còn mở ra lối thoát cho tình trạng khủng hoảng kéo dài thời gian qua tại nước này.NHỮNG ứng cử viên nổi bật trong cuộc chạy đua giành chức Tổng thống Ukraine có đương kim Tổng thống V.Yushchenko, Thủ tướng Y.Timochenko, Chủ tịch đảng Các khu vực V.Yanukovik, Chủ tịch QH V.Lytvyn, Bí thư Thứ nhất Ðảng Cộng sản Ukraine P.Simonenko, cựu Chủ tịch QH A.Yasenyuk... Cương lĩnh tranh cử của ông Yushchenko là làm lành mạnh nền kinh tế, ổn định về tài chính, thúc đẩy đầu tư, giảm thuế cho các doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất trong nước, thành lập thị trường đất đai, phát triển nông nghiệp thành ngành xuất khẩu chủ đạo. Còn Bí thư Thứ nhất Ðảng Cộng sản Ukraine P.Simonenko tuyên bố, ứng cử viên đắc cử của cánh tả sẽ thay đổi cơ bản tình hình đất nước, đưa Ukraine ra khỏi cuộc khủng hoảng sâu sắc hiện nay, phục hồi và phát triển phồn vinh.

Kết quả các cuộc thăm dò dư luận vừa được tiến hành cho thấy cử tri Ukraine có sự chia rẽ mạnh trong việc ủng hộ các ứng cử viên. Tổng thống Yushchenko có tư tưởng thân phương Tây chỉ giành được gần 3% tỷ lệ ủng hộ của cử tri. Ông bị dư luận chỉ trích, trong nhiệm kỳ vừa qua, dù bảo vệ mạnh mẽ xã hội dân sự, tự do báo chí và giảm bớt sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế, nhưng ông chưa thành công trong điều hành và chống tham nhũng. Ngoài ra, chủ trương đa dạng hóa nguồn năng lượng và thúc đẩy gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) của ông Yushchenko cũng không nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân Ukraine. Trong khi đó, lãnh đạo đảng Các khu vực V.Yanukovik, người có đường lối thân Nga, được dự báo sẽ dễ dàng dẫn đầu trong cuộc bầu cử Tổng thống tới với 28,7% số phiếu của cử tri. Ông giành được hầu hết sự ủng hộ của các cử tri khu vực miền đông và miền nam nói tiếng Nga của Ukraine. Còn Thủ tướng Timochenko được dự báo sẽ đứng thứ hai trong cuộc bầu cử tổng thống với 19% số phiếu bầu. Nhiều ý kiến cho rằng, ông Yanukovik và bà Timochenko nhiều khả năng sẽ bước vào vòng bầu cử thứ hai để quyết định ai sẽ điều hành Ukraine trong năm năm tới.

Cuộc chạy đua của các ứng cử viên Tổng thống Ukraine diễn ra trong bối cảnh chính trường nước này đang chìm trong khủng hoảng do những bất đồng kéo dài giữa Tổng thống và Thủ tướng mà gần đây nhất là tranh cãi chung quanh hợp đồng mua khí đốt của Nga. Tổng thống Yushchenko chỉ trích hợp đồng mua khí đốt mà Ukraine đã ký với Nga trong ba năm không dựa trên các nguyên tắc thị trường, vì thế khiến Tập đoàn dầu khí Ukraine Naftogaz bị thất thu tới 3,9 tỷ USD. Ông đề nghị tăng phí vận chuyển khí đốt của Nga qua lãnh thổ Ukraine từ 1,7 USD lên 2,67-2,72 USD/1.000 m3/100 km. Trong khi đó, Thủ tướng Timochenko tuyên bố sẽ không xem xét lại các điều khoản của hợp đồng mua khí đốt ký với Nga. Trước đó, các nhánh quyền lực ở Ukraine còn mâu thuẫn trầm trọng sau khi Tổng thống đề nghị QH tự giải thể vì liên minh cầm quyền trong QH thực tế không chiếm đa số. Ngoài ra, liên minh cầm quyền trong QH Ukraine gồm khối Timochenko, khối Lytvyn và phái thân Tổng thống "Ukraine của chúng ta - Tự vệ nhân dân" do những bất đồng nội bộ, nên nhiều lần không thể thông qua các quyết định quan trọng.

Trong khi đó, nền kinh tế Ukraine trong quý I-2009 giảm 20-23% do tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính. Theo các chuyên gia kinh tế, suy giảm kinh tế thực tế của Ukraine có thể lên tới 30%. Ðây là tốc độ suy giảm mạnh nhất tại châu Âu. Suy thoái kinh tế đang khiến những vấn đề xã hội trong nước như tình trạng thất nghiệp, sự bất bình của người dân thêm trầm trọng. Riêng trong tháng 1-2009, con số thất nghiệp của Ukraine đã tăng lên 50%, nền công nghiệp quốc gia cũng như xuất khẩu giảm đột ngột. Kiev đã phải kêu gọi các thể chế tài chính quốc tế và Liên hiệp châu Âu (EU) giúp đỡ. Theo đó, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho vay 2,3 tỷ euro trong khoản tín dụng trọn gói hơn 11 tỷ euro trong vòng hai năm với nước này, còn Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD) sẽ cho Ukraine vay 570 triệu euro giúp nước này trả nợ cho Nga và bổ sung khí đốt vào các bể dự trữ trong mùa đông tới. Tuy nhiên, để nhận được tài trợ, Ukraine phải nâng giá khí đốt trong nước gần hơn với giá thị trường quốc tế.

Nguồn ngân sách nhà nước dành cho cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine là 137 triệu USD, song theo nhận định của Chủ tịch QH Lytvyn, chi phí tổ chức bầu cử có thể vượt quá 1,5 tỷ USD. Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) thông báo sẽ cử 660 quan sát viên tới Kiev giám sát cuộc bầu cử. Tổng thống Yushchenko cam kết sẽ bảo đảm cho cuộc bầu cử tổng thống mới vào đầu năm 2010 diễn ra tự do, trung thực và hợp pháp. Người dân Ukraine hy vọng cuộc bầu cử sẽ giúp chấm dứt năm năm xung đột trên chính trường nước này sau cuộc Cách mạng cam năm 2004, đồng thời quyết định đường hướng tương lai của đất nước.

(Theo Nhan dan)

  • Nga trấn an dư luận trước cảnh báo nguy cơ kinh tế
  • Giới tỷ phú Nga run sợ sau vụ MH17
  • Ứng viên ôn hòa đắc cử Tổng thống, hạt nhân Iran về đâu?
  • Châu Âu: Khủng hoảng nợ công đã qua ?
  • Điểm danh vũ khí tối tân của Nga tại lễ diễu binh
  • Châu Âu: Chông chênh gánh nợ
  • Đức nghiên cứu xây khu chứa chất thải vĩnh viễn
  • Ông Putin lo xung đột ở Triều Tiên hủy diệt hơn Chernobyl
  • Ngân hàng quốc hữu hóa của Anh bị tách làm đôi
  • Anh sẽ siết chặt thị thực nhập cảnh với du học sinh
  • Bình luận: Giấc mơ thành hiện thực
  • Người giàu đòi…đóng thuế cao
  • Kinh tế châu Âu chính thức thoát khỏi suy thoái
  • Kinh tế Đức tăng tốc, GDP quý 3 tiến 0,7%
  • Kinh tế Nga thoát suy thoái
  • Hai nhà băng lớn nhất nước Anh bị buộc bán tháo tài sản