Những thống kê mới nhất cho thấy nền kinh tế Đức đang tiến nhanh trên con đường phục hồi nhờ xuất khẩu máy móc sang các thị trường mới nổi, kéo theo các nền kinh tế nhỏ hơn ở châu Âu ra khỏi vũng bùn suy thoái.
Giới phân tích nhận định đà phục hồi tại châu Âu đang được kích hoạt bởi nhu cầu nhập khẩu của các thị trường mới nổi, đặc biệt ở châu Á, và Đức là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến quan ngại rằng Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - đã không cố gắng kích thích nhu cầu tiêu dùng trong nước. Cơ quan thống kê quốc gia Đức cho biết trong vòng 10 năm qua, tiền lương tại Đức tăng chậm hơn những nước khác trong Liên minh châu Âu (EU). Mức lương khiêm tốn đã giúp Đức giữ vững vị trí rường cột của châu Âu và góp phần vào tốc độ tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm 2010.
Thế nhưng những nước có sức cạnh tranh thấp hơn như Pháp lại cho rằng giải pháp hạn chế tăng lương tại Đức khiến sức tiêu thụ giảm và kinh tế Đức phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu. Theo thống kê, xuất khẩu của Đức trong tháng 7/2010 tăng 18,7% so với hồi tháng 7/09, nhưng nhập khẩu cũng tăng tới 24,9%.
Những thống kê kinh tế lạc quan tại Đức trái ngược với triển vọng u ám ở Pháp, nơi thâm hụt thương mại tăng từ mức 3,718 tỷ euro trong tháng 6 lên 4,18 tỷ euro (5,3 tỷ USD) trong tháng 7. Kim ngạch xuất khẩu của Pháp sang các nước EU tăng nhưng lại giảm tại thị trường châu Á và Bắc Mỹ.
Tại khu vực Bắc Âu, Thụy Điển (quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu) và Phần Lan đã lấy lại sinh lực sau đợt suy thoái vừa qua, nhờ hoạt động chế tạo và xuất khẩu phục hồi, đi đôi với tình hình tài chính công lành mạnh và sức tiêu thụ tăng. Trong quý 2/2010, tốc độ tăng trưởng đạt 4,6% tại Thụy Điển và 3,7% tại Phần Lan.
Trong khi đó, kinh tế Đông Âu lại là một bức tranh “sáng, tối lẫn lộn”. GDP của Cộng hòa Séc trong quý 2/2010 tăng 2,4% nhờ khu vực chế tạo khởi sắc. Estonia – “con hổ vùng Bantích” - cũng đã lấy lại đà phục hồi, với tốc độ tăng GDP trong quý 2/2010 đạt 1,9%, sau khi bị giảm tới 3,6% năm 2008 .
Còn các nền kinh tế châu Âu khác, đặc biệt là Bulgaria, Hungary và Hy Lạp lại đang phải chật vật qua cơn khốn khó. Kinh tế Bulgaria vẫn chìm trong suy thoái, với GDP giảm trong 6 quý liên tiếp trở lại đây. Đến quý 2/2010, kinh tế Hungary vẫn ở trong tình trạng đình đốn và nằm trong danh sách những nền kinh tế hoạt động yếu nhất EU. Giới phân tích e ngại rằng kinh tế Hy Lạp sẽ bị nhấn chìm trong suy thoái, do phải đối phó với cuộc khủng hoảng nợ lớn chưa từng có. GDP của nước này trong quý 2 vừa qua giảm tới 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
(tamnhin)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com