Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ủy ban châu Âu đề xuất đánh thuế khu vực tài chính

Ý tưởng đánh thuế khu vực tài chính đã được Ủy ban châu Âu (EC) tính đến, trong bối cảnh nhiều chính phủ thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang phải thi hành chính sách thắt lưng buộc bụng để đương đầu với tình trạng thâm hụt ngân sách và nợ công gia tăng.

Kế hoạch gồm hai giai đoạn này được soạn thảo trên cơ sở những ý kiến cho rằng khu vực tài chính cần đóng góp cho ngân sách tài chính công và các chính phủ thành viên EU đang rất cần những nguồn thu mới trong bối cảnh khó khăn kinh tế hiện nay. Ở cấp độ toàn cầu, EC ủng hộ ý tưởng đánh thuế các giao dịch tài chính (FTT) để có thể giúp tài trợ nỗ lực đối phó với những thách thức toàn cầu như phát triển hoặc biến đổi khí hậu. Đối với Liên minh châu Âu (EU), EC đề xuất đánh thuế  các hoạt động tài chính (FAT), một giải pháp được cho là phù hợp hơn với khối này.

Cao ủy EC phụ trách về Thuế, Hải quan, kiểm toán và chống gian lận thương mại, Algirdas Semeta, cho rằng những ý tưởng mà EC đề xuất là đúng đắn nhằm buộc khu vực kinh doanh tiền tệ đóng góp công bằng vào việc đối phó với những thách thức cấp bách nhất đối với EU và toàn cầu.

EC ủng hộ ý tưởng về FTT ở cấp độ toàn cầu và sẽ tiếp tục đưa kế hoạch này ra xem xét tại Hội nghị thượng đỉnh G-20. Nếu đạt được những mục tiêu đề ra ở cấp độ toàn cầu trong các lĩnh vực như trợ giúp phát triển và chống biến đổi khí hậu, các đối tác quốc tế cần nhất trí về các công cụ tài chính toàn cầu. Kế hoạch FTT sẽ đánh thuế mỗi giao dịch dựa trên giá trị của giao dịch đó, tạo ra nguồn thu đáng kể. EC cho rằng nếu được thực thi nghiêm túc và được áp dụng trên phạm vi toàn thế giới, FTT có thể sẽ trở thành một phương thức hấp dẫn để huy động ngân quỹ cần thiết cho các chính sách quan trọng mang tính toàn cầu.
Ở cấp độ khu vực EU, EC cho rằng cần xem xét FAT. Kế hoạch này sẽ nhằm vào các khoản lợi nhuận và tiền thưởng của các công ty tài chính. Theo cách này, các doanh nghiệp sẽ bị đánh thuế, chứ không phải là mỗi cá nhân tham gia giao dịch tài chính (tương tự như trường hợp áp dụng FTT). Nếu được chuẩn bị kỹ càng và thực hiện nghiêm túc, kế hoạch FAT của EU có thể tạo ra những nguồn thu to lớn và giúp đảm bảo ổn định các thị trường tài chính, trong khi không tạo ra những rủi ro quá mức đối với sức cạnh tranh của EU.

Để xác định liệu việc đánh thuế khu vực tài chính có thực sự công bằng hay không, EC đã xem xét mức độ đóng góp hiện nay của khu vực này đối với ngân sách công và kết luận là “hoàn toàn thích hợp”. Thứ nhất, khu vực tài chính là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng vừa qua và đã nhận được sự hỗ trợ to lớn từ ngân sách chính phủ trong mấy năm qua. Do vậy, khu vực này cần đóng góp thỏa đáng vào ngân sách tái thiết kinh tế châu Âu và  củng cố lĩnh vực tài chính công. Thứ hai, một khoản thuế mang tính hiệu chỉnh đối với các ngân hàng có thể bổ sung cho các biện pháp điều chỉnh thiết yếu được soạn thảo nhằm nâng cao hiệu quả của các thị trường tài chính đồng thời giúp giảm nguy cơ rủi ro ở các thị trường này. Cuối cùng, do khu vực tài chính trong EU không phải chịu thuế  giá trị gia tăng (VAT), FAT sẽ đảm bảo rằng khu vực này không bị đánh thuế thấp hơn so với các khu vực khác.

Ủy ban châu Âu dự kiến trình bày những ý tưởng nói trên trước Hội đồng châu Âu vào cuối tháng 10. Sau đó, một báo cáo của EU đối về việc đánh thuế khu vực tài chính sẽ được trình bày tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 vào tháng 11 tới và kêu gọi các đối tác quốc tế tán thành FTT.

(tamnhin)

  • Nga trấn an dư luận trước cảnh báo nguy cơ kinh tế
  • Giới tỷ phú Nga run sợ sau vụ MH17
  • Ứng viên ôn hòa đắc cử Tổng thống, hạt nhân Iran về đâu?
  • Châu Âu: Khủng hoảng nợ công đã qua ?
  • Điểm danh vũ khí tối tân của Nga tại lễ diễu binh
  • Châu Âu: Chông chênh gánh nợ
  • Đức nghiên cứu xây khu chứa chất thải vĩnh viễn
  • Ông Putin lo xung đột ở Triều Tiên hủy diệt hơn Chernobyl
  • Vũ khí bí mật của người Thụy Điển
  • Nga: Các nước BRIC phản đối Mỹ ngăn kiểm soát tiền tệ
  • EU đề xuất đánh thuế ngân hàng để lập quỹ dự phòng
  • ECB đưa ra yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt về tài chính tại khu vực eurozone
  • Ailen trở thành mối lo mới của châu Âu
  • Tây Ban Nha mất hạng tín nhiệm nợ cao nhất
  • Tăng cường thúc đẩy hợp tác kinh tế đầu tư giữa Nga và các nước SNG
  • Ba Lan cấm lãnh đạo hàng đầu đi cùng chuyên cơ