Phong trào ly khai ở phía Nam hay cuộc nổi loạn ở phía bắc và sự hiện diện của al-Qaeda đều là tai hoạ của Yemen. Nhưng tai hoạ trầm trọng nhất của nước này chính là nạn khan hiếm nước đe doạ tuyệt đại đa số cư dân thường rất nghèo khổ của Yemen.
![]() |
Trẻ con Yemen đi hứng nước ở các điểm cấp nước công cộng. Ảnh: Reuters |
Sự chia sẻ tài nguyên ngày càng hiếm này có thể sẽ gây ra trong tương lai hàng loạt cuộc tranh chấp vũ trang giữa nông thôn và đô thị hay giữa các vùng có mưa và các vùng không mưa. Hiện nay mỗi người Yemen bình quân chỉ có được 120m3 nước mỗi năm để dùng cho mọi thứ, so với bình quân của thế giới 1.500m3. Chẳng những thế, đến năm 2025, con số còm cõi này còn bị chia đôi.
Ramon Scoble, một chuyên gia người New Zealand về quản lý các tài nguyên nước hiện làm cho chính quyền Yemen, giải thích: “Cách đây 50 năm, chỉ cần đào 10m đã tìm được mạch nước. Hiện nay, phải đào sâu trung bình đến 500 – 700m. Trong vài vùng, có nhiều giếng sâu đến 1.000m”.
Cơn khát kéo dài
Mức tăng dân số quá nhanh của Yemen là nguyên nhân chính của nạn khan hiếm nước. Thực vậy, cứ 15 năm dân số Yemen lại tăng gấp đôi, trong khi xứ này lại rất ít mưa, không có những con sông có nước thường xuyên. Lượng nước tiêu thụ, vì vậy, vượt xa khả năng tái tạo.
Cuộc khủng hoảng nước bắt đầu vào những năm 1970, do cuộc cách mạng kỹ thuật nông nghiệp gây ra. Trong xứ có nhiều sa mạc này, trước đây các phương pháp truyền thống dành ưu tiên cho sự sử dụng tập thể nguồn nước mưa bằng lối canh tác theo bực thang hay tạo ra các đập nhỏ trong lòng các “ouadis” (vùng trũng giữa hai giồng cát dài). Quản lý cộng đồng đó đã tan vỡ khi nhà nước, nhằm thực hiện sự tự túc về lương thực, khuyến khích nông dân đầu tư đào các giếng sâu để bơm nước ngầm, bằng cách cung cấp cho họ dầu madút.
Do chính sách đó, nông dân đã trồng các loại cây đòi hỏi nhiều nước tưới như chuối hay dưa hấu để xuất khẩu, khiến cho khu vực nông nghiệp tiêu thụ đến 93% lượng nước của Yemen. Kết quả là diện tích đất canh tác nhờ nước mưa đã giảm từ một triệu hecta vào những năm 1970 xuống chỉ còn 500.000 hecta vào năm 2009, trong khi diện tích đất được tưới bằng nước ngầm tăng từ 40.000 hecta lên 500.000 hecta, và hơn một phần ba trong số đó được dành để trồng cây qat. Dân Yemen thích nhai lá non của cây qat, từ chiều đến tối, để tìm cảm giác hưng phấn như người Việt thuở xưa ăn trầu. Theo Ramon Scoble, “Cây qat bảo đảm cho người nông dân có được thu nhập cao, vì họ có thể kiếm ra tiền hai mươi lần nhiều hơn so với trồng cà chua, với cùng một lượng nước”.
Theo một báo cáo của ngân hàng Thế giới công bố vào tháng 4.2009, sự khai thác quá mức các lớp nước ngầm (thường với các giếng bất hợp pháp), là do sự tham nhũng của những người có thế lực vây quanh các nhóm cầm quyền ở mức độ bộ lạc cho tới nhà nước.
Các thế lực không muốn giải khát
Nằm giữa vùng nhiều núi non, thủ đô Sanaa bị nạn thiếu nước đe doạ nghiêm trọng nhất, đến mức Mohammed Al-Doubei, một chuyên gia về địa chất, chủ trương cần phải giảm một nửa dân số của nó (2,2 triệu). Theo ông, các lớp nước ngầm của Sanaa sẽ cạn kiệt vào năm 2025.
Tuy không bi quan đến thế, Abdul Rahman Al-Iriyani, bộ trưởng về Môi trường và nước, cũng thừa nhận: “Đúng là tình hình rất nghiêm trọng, nhiều cuộc đụng độ giữa các bộ lạc là do các tranh chấp về nước. Tôi thường có cảm tưởng là vấn đề nước ở Yemen giống như một cuộc chạy đua để xem ai có được giọt nước cuối cùng, trong khi cần phải tập hợp lại để cố gắng giải quyết tốt hơn”.
Nhiều biện pháp tiết kiệm nước đã được đề nghị như: dẫn nước bằng đường ống thay vì bằng mương để giảm lượng nước bốc hơi, hoặc thay thế việc tháo nước vào các thửa đất bằng hệ thống tưới từng giọt một. Nhưng đối diện với một bộ Nông nghiệp quá mạnh và nhất là với chính sách cung cấp madút, bộ Môi trường và nước không đủ sức để thay đổi lối suy nghĩ.
Còn Anouar As-Saooly, kỹ sư thuỷ lợi, thì chủ trương loại bỏ các loại cây trồng tiêu thụ quá nhiều nước mà bắt đầu là cây qat. Theo ông, nên nhập lá qat do Ethopia sản xuất vì nó cũng rất ngon. Nhưng trước quyền lực của mafia khai thác lá qat ở Quốc hội và ngay cả trong đảng cầm quyền, đề nghị đó rõ ràng là khó được thực hiện.
Có tầm nhìn xa, Anouar As-Saooly cho rằng nên di dời người Yemen đến các vùng ven theo Hồng Hải và vịnh Aden. Theo ông: “Hoàn toàn không thực tế khi nghĩ rằng sẽ có ngày chúng ta có các phương tiện để biến nước biển thành nước ngọt rồi chở đến những đô thị ở độ cao hơn 2.000m như Sanaa. Nhưng do việc giải mặn nước biển sẽ ngày càng bớt tốn kém, nó sẽ là giải pháp tốt nhất, ngay cả đối với một nước nghèo như Yemen”.
(Theo Nguyên Thanh // SGTT Online // Le Monde)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com