Châu Âu vẫn thường được đem ra làm ví dụ sống động cho lý lẽ rằng: nếu bạn làm cho thị trường bớt ác liệt và quan tâm nhiều hơn đến các công dân của mình khi họ gặp khó khăn, bạn sẽ đặt dấu chấm hết cho sự phát triển kinh tế. Nhưng thực tế đang chứng minh một điều ngược lại.
![]() |
Người Mỹ nào từng tới châu Âu, liệu có thấy nghèo đói và cổ lỗ lắm không? (Ảnh: nyu.edu) |
Những kinh nghiệm của châu Âu cho thấy bình đẳng xã hội và phát triển kinh tế hoàn toàn có thể sánh bước cùng nhau.
Khi mà cuộc cải tổ về y tế đang gần tới hồi kết, các chính khách bảo thủ vẫn chưa hết rền rĩ và xì xèo. Ngay cả những nhà bảo thủ bình tâm nhất cũng như đang “ngồi trên đống lửa” với lo lắng rằng chính sách y tế của Obama sẽ biến nước Mỹ thành một quốc gia dân chủ xã hội (social democracy) kiểu châu Âu. Và tất cả mọi người đều biết rằng nền kinh tế châu Âu đã mất đi sự năng động của mình.
Sẽ thật lạ nếu như nói rằng, điều mà mọi người đều biết lại không phải là sự thật. Đúng là châu Âu gặp vấn đề về kinh tế. Vậy ai không có vấn đề này? Sự thật là những gì mà người dân được nghe ra rả hàng ngày về một nền kinh tế đình đốn nơi mà việc đánh thuế cao ngất ngưởng cùng với những trợ giúp xã hội hào phóng đã làm giảm động lực phát triển, kéo lùi nền kinh tế và không kích thích đổi mới – chẳng có mấy là đúng với thực tế tốt đẹp ở nơi đây.
Bài học mà chúng ta nhìn thấy ở châu Âu hoàn toàn đối lập với những điều mà các nhà bảo thủ vẫn thường nói. Châu Âu là một mô hình kinh tế thành công; và sự thành công này chứng tỏ nền dân chủ xã hội có hiệu quả.
Sự thành công của kinh tế châu Âu hiển nhiên đến mức không cần đến những con số thống kê. Người Mỹ nào đã từng tới Paris, liệu các bạn có thấy nó nghèo đói và cổ lỗ lắm không? Còn Frankfurt và London thì sao? Bạn nên nhớ rằng khi phải quyết định nên tin vào điều gì thì “mắt thấy” sẽ đáng tin hơn là “tai nghe”. Nhưng dĩ nhiên, sự chính xác của các con số sẽ càng khẳng định những gì bạn nhìn thấy là sự thật.
Không phải nghi ngờ thực tế là nền kinh tế Mỹ đã phát triển hơn châu Âu trong một thời gian dài. Từ năm 1980 khi GDP của kinh tế Mỹ tăng trưởng 3% trung bình mỗi năm, khối EU – gồm 15 nước thành viên trong đó có những nước trước đây từng là xã hội chủ nghĩa – chỉ tăng trưởng 2,2%. Con số đó chỉ thực sự khẳng định rằng dân số Mỹ tăng nhanh hơn thôi. Từ năm 1980 khi người ta căn cứ vào thu nhập trung bình đầu người để biểu hiện mức sống của người dân, thì con số này là ngang bằng giữa Mỹ và châu Âu, nếu không muốn nói châu Âu có phần nhỉnh hơn: 1,95 so với 1,83.
Về công nghệ, vào những năm cuối thập niên 1990, người ta có thể tranh cãi rằng châu Âu đã bỏ lỡ cuộc cách mạng về công nghệ thông tin. Nhưng cho tới nay châu lục này đã bắt kịp bằng nhiều cách khác nhau. Ví dụ như băng thông Internet đang phát triển mạnh và rộng khắp ở châu Âu như ở Mỹ nhưng nhanh hơn và rẻ hơn rất nhiều.
Về việc làm, người Mỹ sẽ tự hào mà nói rằng tỉ lệ thất nghiệp ở châu Âu thường xuyên cao hơn ở Mỹ và tỷ lệ dân số có việc làm thì thấp hơn. Nhưng nếu bạn đứng trên lập trường của hàng triệu người thất nghiệp phải sống dựa vào trợ cấp xã hội khi đang trong độ tuổi lao động sung sức nhất, thì hãy nghĩ lại. Năm 2008, 80% dân số từ 25 đến 54 tuổi ở khối EU 15 nước có việc làm, con số này là 83% ở Pháp. Ở Mỹ, số lượng này là tương đương. Người châu Âu ít có xu hướng làm việc khi còn ít tuổi, nhưng điều đó đâu phải hoàn toàn không tốt?
Năng suất lao động của châu Âu cũng khá cao. Họ làm ít giờ hơn nhưng năng suất lao động một giờ ở Pháp và Đức gần bằng với Mỹ.
Điều này không có nghĩa rằng châu Âu là một cơ chế hoàn hảo. Cũng như Mỹ, châu lục này có những vấn đề của riêng nó và cũng đang vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay. Giống với Mỹ, các nước lớn trong khối EU cũng phải đối mặt với các vấn đề tài khóa chiến lược. Và cũng giống với một vài bang của Mỹ, vài nước châu Âu đang trên bờ vực của khủng hoảng tài chính. Nhưng nếu nhìn châu Âu với một tầm nhìn xa hơn thì rõ ràng nền kinh tế của châu lục này hoạt động có hiệu quả. Nó cũng phát triển. Nó cũng năng động. Nó cũng như nền kinh tế Mỹ.
Vậy tại sao người dân lại được nghe về một bức tranh quá khác biệt từ những người được coi là chuyên gia? Bởi lẽ sự thật đã bị những lý thuyết thống trị nền kinh tế này che lấp. Rất nhiều người theo Đảng Dân chủ và đặc biệt là tất cả các ông nghị của Đảng Cộng hòa đều cho rằng mô hình dân chủ xã hội của châu Âu là một thảm họa. Và con người ta có xu hướng chỉ thấy được những điều người ta muốn thấy.
Thật sự là những báo cáo về cái gọi là sự kết thúc của một huyền thoại châu Âu đã bị thổi phồng quá mức. Tuy nhiên những thông tin về mức thuế cao và các trợ cấp xã hội hào phóng đều là sự thật. Mức thuế ở phần lớn các quốc gia châu Âu bằng 36% đến 44% của GDP, so với 28% ở Mỹ. Hệ thống chăm sóc y tế toàn diện thì thực sự là toàn diện. Chi tiêu cho xã hội thì lớn hơn ở Mỹ rất nhiều.
Lâu nay người Mỹ vẫn tin rằng: nếu bạn tăng thuế đánh vào người giàu và chi tiêu nhiều hơn vào trợ cấp xã hội cho người còn khó khăn thì nó sẽ làm giảm động lực làm việc, đầu tư và đổi mới; và châu Âu là bài học nhãn tiền.
Nhưng sự thật không phải thế.
Châu Âu không phải là một đế chế kinh tế đang suy tàn. Hơn nữa, những kinh nghiệm của châu Âu còn cho thấy bình đẳng xã hội và phát triển kinh tế hoàn toàn có thể sánh bước cùng nhau.
(Theo Ngọc Diệp (theo NY Times) // VietNamNet)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com