Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mỹ: 106 ngân hàng bị đóng cửa

Dân Mỹ xếp hàng chờ rút tiền ở các ngân hàng bị đóng cửa. Ảnh CNBC

Hôm qua (thứ Sáu 23-10) chính quyền Mỹ đã ra lệnh đóng cửa thêm 7 ngân hàng, đưa tổng số ngân hàng bị dẹp tiệm năm nay lên 106 đơn vị, mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ qua.

Tuy vậy, theo giới phân tích, rắc rối của hệ thống ngân hàng Mỹ do nợ xấu và suy thoái kinh tế chẳng những chưa chấm dứt mà còn trầm trọng thêm. Hàng chục, thậm chí hàng trăm ngân hàng khác vẫn đang mở cửa hoạt động nhưng tình hình của chúng cũng không sáng sủa hơn các ngân hàng đã bị đóng cửa.

Các cơ quan điều hành hệ thống ngân hàng đang dẹp dần các ngân hàng yếu kém một cách chậm rãi và có chọn lọc, vừa để tránh gây hoảng hốt trong công chúng, vừa tìm kiếm người mua lại tài sản của các ngân hàng đó.

Sự kéo dài này là con dao hai lưỡi. Một cuộc hồi phục kinh tế nhanh có thể cứu một số ngân hàng khỏi nguy cơ sụp đổ. Nhưng nếu sự hồi phục diễn ra chậm chạp và tình hình tài chính của nhiều ngân hàng nhỏ trở nên tồi tệ hơn thì việc kéo dài sự tồn tại của chúng sẽ phải trả giá đắt hơn.

Trong 7 ngân hàng bị đóng cửa hôm qua, có 3 ngân hàng ở bang Florida và 4 ngân hàng ở các bang khác. Con số 106 ngân hàng bị đóng cửa từ đầu năm đến nay chỉ còn kém kỷ lục năm 1992, khi có 181 ngân hàng sập tiệm do cuộc đổ vỡ quỹ tín dụng.

Khi một ngân hàng sụp đổ, Cơ quan bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) lập tức vào cuộc, nắm quyền kiểm soát. FDIC sẽ bán tài sản còn lại của ngân hàng cho bất cứ ai muốn mua và chịu trách nhiệm các nghĩa vụ tài chính của ngân hàng đó, chủ yếu là trích quỹ bảo hiểm để trả lại tiền cho người gửi tiền.

Việc các ngân hàng nối nhau sụp đổ trong năm nay đã khiến FDIC phải tiêu tốn hết 25 tỉ đô la Mỹ và dự kiến sẽ mất 100 tỉ đô la Mỹ vào năm 2013. Cạn quỹ, FDIC phải yêu cầu các ngân hàng đóng trước khoản tiền phí bảo hiểm cho ba năm, dự kiến thu được 45 tỉ đô la Mỹ. Bộ Tài chính Mỹ cũng đã bật đèn xanh cho FDIC khoản hạn mức tín dụng lên tới 500 tỉ đô la Mỹ để đề phòng tình hình xấu thêm nữa.

Trong khi đó, danh sách ngân hàng “có vấn đề” ngày một dài ra. Đến cuối tháng 6-2009, FDIC thống kê được 416 ngân hàng có nguy cơ sập tiệm, tăng hơn 100 đơn vị so với con số 305 ngân hàng hồi tháng 3-2009 và 252 đơn vị hồi đầu năm nay.

Tuy vậy, số lượng các ngân hàng bị đóng cửa giảm dần: hồi tháng 7 FDIC đóng cửa 24 ngân hàng, con số này giảm xuống 11 ngân hàng hồi tháng 9 và 11 ngân hàng trong 23 ngày đầu tháng này.  

(Theo Thái Bình // Thời báo kinh tế Sài Gòn // AP)

  • Đừng kỳ vọng kinh tế Mỹ hồi phục mạnh
  • Cáo buộc Mỹ áp đặt "vô căn cứ" hàng nhập khẩu
  • Cuba - Venezuela hợp tác phát triển viễn thông
  • Mỹ viện trợ phi quân sự 7,5 tỷ USD cho Pakistan
  • Nhà Trắng và tư lệnh chiến trường hục hặc
  • Thượng viện Mỹ thông qua dự luật trừng phạt Iran
  • Mỹ sẽ hợp tác công khai với Nga về NMD và START
  • Mỹ "cần" Trung Quốc về vấn đề Iran, Triều Tiên