Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mỹ lo ngại khủng hoảng nợ tại Châu Âu

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Cuộc khủng hoảng nợ tại Châu Âu đang gióng lên những hồi chuông cảnh báo mới tại thị trường Mỹ, khi một cố vấn cao cấp của Nhà Trắng cảnh báo khủng hoảng nợ có thể làm chậm lại đà hồi phục của kinh tế toàn cầu.
 
Một quan chức cấp cao của Ủy ban Châu Âu (EU) cũng chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Đức, trong khi giới đầu tư lo ngại rằng việc có thêm một ngân hàng Tây Ban Nha tuyên bố phá sản cũng là dấu hiệu cho thấy tình hình càng trở nên căng thẳng hơn.

Các thị trường tài chính đang ở thế sẵn sàng đón chờ những nguy cơ từ Châu Âu đối với sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ khi cố vấn kinh tế Nhà Trắng, Lawrence Summers, đưa ra nhận định rằng những sự kiện gần đây ở Châu Âu đã khiến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trở nên ảm đạm. Ông Summers dẫn vấn đề nợ của Châu Âu như là một trong một số rắc rối tiềm tàng đối với nền kinh tế Mỹ khi ông phát biểu tại Trường Đại học Johns Hopkins.

Đồng euro sa sút, chứng khoán Mỹ “tụt dốc” và vàng tăng giá 1% trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại rằng cuộc khủng hoảng lan rộng tại Châu Âu có thể đẩy kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái “kép”.

Việc các nhà đầu tư lo lắng về việc Châu Âu có thống nhất trong vấn đề giải quyết khủng hoảng nợ hay không, đã được ghi nhận qua những lời bình luận của Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu (EC) Manuel Barroso.

Theo ông Barroso, Đức có tham vọng thay đổi các điều khoản trong Hiệp ước quản lý ngân sách của Liên minh Châu Âu (EU) và nếu Đức trình bày ý định này thì các nước thành viên EU khác cũng có thể đưa ra đề nghị thay đổi bổ sung.

Trả lời phỏng vấn báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung, ông Barroso nói: “Chúng tôi sẽ không đề nghị thay đổi hiệp ước cho dù có thể ý tưởng này là tốt”, bởi nó chỉ càng làm cho các lãnh đạo Châu Âu thêm chia rẽ.

Tình hình Châu Âu trở nên căng thẳng hơn khi NHTƯ Tây Ban Nha phải ra tay tiếp quản ngân hàng tiết kiệm CajaSur, sau khi kế hoạch sáp nhập của CajaSur với một ngân hàng cho vay trong nước bị thất bại. Động thái này góp phần khiến đồng euro giảm giá hơn 1% so với đồng USD trong thời gian gần đây.

Theo Dan Cook - nhà phân tích thị trường hàng đầu của Cty IG Markets Inc có trụ sở ở Chicago (Mỹ), việc NHTƯ Tây Ban Nha phải ra tay cứu trợ CajaSur là dấu hiệu cho thấy nguy cơ nợ đang lan từ khu vực công sang khu vực tư nhân. Điều này cũng thể hiện sự rủi ro và yếu kém của ngành ngân hàng Châu Âu.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đang phải miễn cưỡng cứu trợ các nước thành viên nặng nợ trong khu vực như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ireland và Bồ Đào Nha - những quốc gia đã khiến lòng tin vào nền kinh tế của khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) bị sa sút nghiêm trọng. Eurozone là thị trường lớn nhất của hàng hóa Mỹ xuất khẩu.

Tuy nhiên, đầu tháng này bà Merkel đã bớt gay gắt hơn khi dẫn đầu các nước EU thông báo về quỹ cứu trợ 1.000 tỉ USD cho các nước thành viên Eurozone đang gặp khó khăn và gói cứu trợ 110 tỉ USD dành riêng cho Hy Lạp. Gói cứu trợ này phần nào giúp khôi phục lòng tin vào nền kinh tế Hy Lạp - nơi mà chính sách “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ bị phản ứng bằng nhiều vụ bạo loạn trên đường phố.

Sau nhiều tháng chịu áp lực từ các nhà đầu tư cũng như các đối tác của EU, Chính phủ Tây Ban Nha cuối cùng đã phải thông báo các biện pháp khắc khổ sâu rộng, trong đó có việc cắt giảm 5% chi phí cho dịch vụ công trong năm nay, không tăng lương công chức trong năm tới và giảm 13.000 lao động trong lĩnh vực công trên cả nước.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa cho biết Tây Ban Nha đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, phải kể đến là thị trường lao động khó khăn, “bong bóng” bất động sản bị “xì hơi”, thâm hụt tài chính lớn, nợ bên ngoài và nợ của lĩnh vực tư nhân đều ở mức cao, tính cạnh tranh thấp và lĩnh vực ngân hàng thiếu vốn.

Phố Wall khép lại tháng giao dịch tệ hại nhất trong hơn một năm qua vào phiên 28.5 khi cổ phiếu tiếp tục rớt giá do những tin xấu từ châu Âu dồn dập bay về. Chỉ số Dow Jones đã để mất 122 điểm sau khi hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings đánh tụt hạng nợ quốc gia của Tây Ban Nha, một trong những nước được coi là “Hy Lạp” thứ hai, một bậc từ AAA xuống AA+.

Tháng 5 được giới phân tích nhận định thực sự là một tháng xui xẻo với các nhà giao dịch ở Phố Wall khi mà nỗi lo dai dẳng và ngày thêm căng thẳng về những vấn đề nợ của Châu Âu đã làm Dow Jones giảm tới 7,9% giá trị và S&P 500 để mất nhiều điểm hơn, với 8,2%.

Theo người đứng đầu bộ phận chiến lược lãi suất Mỹ của Cty chứng khoán quốc tế Nomura tại New York, George Goncalves - nhà đầu tư quan tâm nhất hiện giờ là sự an toàn cho nguồn vốn của họ nên “mọi thứ không thể thay đổi chỉ sau một đêm”.

(Theo L Đ // VNA // Reuters)

  • Mỹ: Bịt miệng giếng dầu thất bại
  • Mỹ đủ sức chống lại khủng hoảng nợ châu Âu
  • Chính quyền Mỹ "vung tay quá trán," nợ công kỷ lục
  • Mỹ công nhận địa vị cường quốc toàn cầu của Ấn Độ
  • Mỹ giục Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan ký thỏa thuận khí đốt
  • Phố Wall “nóng ruột” đòi tăng lương
  • Mỹ - con nợ siêu khổng lồ
  • Số ngân hàng Mỹ bị đóng cửa sẽ tiếp tục gia tăng