Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Thiên đường” của Al-Qaeda

Quê cha đất tổ, một chính phủ không được lòng dân và viện trợ bất cập của Mỹ là những yếu tố giúp Al-Qaeda lớn mạnh ở Yemen. Nước Ả Rập nghèo nhất ở vùng Vịnh này đang trở thành ổ khủng bố mới đe dọa an ninh nước Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ ở vùng Vịnh

Số lượng thành viên Al-Qaeda ở Yemenkhông lớn, chỉ từ 200 đến 300 tên được vũ trang nhẹ, theo lời ngoại trưởng Yemen. Trong một đất nước chỉ có 22 triệu dân nhưng sở hữu đến 60 triệu khẩu súng, rõ ràng sức mạnh quân sự không phải là át chủ bài của Al-Qaeda.

Đất tổ của bin Laden

Theo phân tích của Patrick Cockburn trên nhật báo Anh The Independent, sức mạnh của Al-Qaeda cũng không phải là sự tinh thông quân sự mà là khéo léo đưa Mỹ và Anh vào tròng, làm cho họ sa lầy ở các chiến trường Iraq, Afghanistan và bây giờ là Yemen, khi Mỹ âm thầm mở mặt trận thứ ba. Cả ba nước này đều có chính quyền yếu ớt vì nạn tham nhũng, không được lòng dân.

Có một câu chuyện được kể đi kể lại giữa những tín đồ Hồi giáo cực đoan: Cuối thập niên 1990, khi còn “ngự” ở Kandahar (Afghanistan), Osama bin Laden từng nói với đám vệ sĩ tin cậy nhất của y: “Nếu một ngày nào đó Al-Qaeda buộc phải rời khỏi Afghanistan thì Yemen sẽ là nơi trú ẩn của chúng ta”.


Một thành viên Al-Qaeda kêu gọi dân chúng tỉnh Abyan thuộc
miền Nam Yemen đứng lên lật đổ chính phủ trung ương. Ảnh: AFP

Bin Laden nói không sai bởi bản thân y có mối quan hệ rất đặc biệt với nước này. Làng Ribat Baashen, huyện Wadi Doan, vùng Hadramaut, miền Nam Yemen là quê cha đất tổ của y (cha của bin Laden là người Yemen). Đa số cận thần và vệ sĩ của bin Laden là người Yemen.

Không ít phần tử khủng bố đóng vai trò quan trọng trong vụ tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11-9-2001 cũng là người Yemen. Một con số thú vị khác: Trong số 240 kẻ tình nghi là Al-Qaeda bị Mỹ bắt giam ở nhà tù Guantanamo khét tiếng có đến 96 người Yemen.

Đất lành, Al-Qaeda đậu

Trong kế hoạch đóng cửa nhà tù Guantanamo hồi năm ngoái, chính quyền ông Obama không dám chuyển các “chiến binh thù địch” Yemen về nước vì sợ “thả hổ về rừng” mà kẻ hưởng lợi không ai khác hơn là Al-Qaeda.

Nhất là sau khi Mỹ chuyển hai tù binh Yemen ở Guantanamo là Said Ali al-Shihri (mang số tù 372) và Muhammad al-Awfi (mang số tù 333) về Ả Rập Saudi để cải tạo và được thả năm 2007 đã trốn về Yemen. Al-Shihri sau này trở thành phó tướng của thủ lĩnh nhóm Al-Qaeda ở Yemen.

Có khá nhiều yếu tố khác giúp Al-Qaeda phát triển lực lượng ở Yemen. Viện trợ bất cập của Mỹ là một ví dụ. Yemen là một trong những nước nghèo nhất thế giới.

Phân nửa nước này là sa mạc và núi non hiểm trở. Thu nhập bình quân đầu người/năm của người Yemen chưa đến 600 USD. Hơn 40% dân số nước này thất nghiệp triền miên, 30% sống dưới mức nghèo khổ thu nhập ít hơn 1 USD/ngày (số liệu năm 2008).

Thay vì ưu tiên viện trợ kinh tế để giúp nước này thoát nghèo, Mỹ lại ưu tiên viện trợ quân sự với mục đích ngăn chặn sự bành trướng và tiêu diệt các nhóm Al-Qaeda. Viện trợ này đã tăng từ 11 triệu USD (năm 2006) lên 150 triệu USD trong năm nay.

Trong khi đó, viện trợ phi quân sự năm 2008 chưa đến 20 triệu USD (The New York Times ngày 9-1). Hậu quả là người dân vốn đã khốn đốn vì cái ăn nay càng khốn đốn hơn vì chiến tranh lan tràn từ Nam chí Bắc. Họ căm ghét Mỹ và chính phủ trung ương, những kẻ gây ra thảm cảnh này. Nếu họ có thiện cảm với Al-Qaeda thì cũng là chuyện dễ hiểu.

Dao hai lưỡi

Sự hiện diện của Al-Qaeda ở Yemen đã có từ lâu và mang tính lịch sử. Trong thập niên 1980, Chính phủ Sanaa mở rộng vòng tay đón các chiến binh Hồi giáo trở về từ chiến trường Afghanistan sau khi quân đội Liên Xô rút khỏi nước này.

Tổng thống Saleh đã tuyển những chiến binh này vào quân đội để đàn áp các lực lượng ly khai ở miền Nam và miền Bắc. Đây là con dao hai lưỡi.

Nhiều cựu binh Afghanistan có cảm tình với bin Laden. Tháng 10-2000, chiến hạm USS Cole đậu ở hải cảng Aden bị đánh bom, 17 thủy thủ Mỹ thiệt mạng. Jamal Badawi, một trong những kẻ chủ mưu gây ra vụ tấn công này, bị bắt nhưng sau đó được chính quyền Sanaa thả ra hồi năm 2007 khiến người Mỹ tức tối.


Một sự kiện khác cũng làm Washington tức điên lên là chương trình cải huấn các phần tử khủng bố của Mỹ ở Yemen thất bại nặng nề.

Mourad Zafer, nhà phân tích chính trị Yemen, cho biết sau sự kiện 11-9-2001, dưới sức ép của Mỹ, hơn 400 cảm tình viên Al-Qaeda bị Chính phủ Yemen bắt giữ đưa vào trại cải huấn. Chính phủ đã bí mật thỏa thuận với trại viên: Không được tấn công khủng bố trong nước, còn thực hiện ở nước ngoài thì chính phủ sẽ làm ngơ.

Thỏa thuận trên đã thất bại. Năm 2008, tòa đại sứ Mỹ ở Sanaa bị đánh bom khiến 16 người Yemen chết. Năm 2009, bốn người Hàn Quốc chết trong một vụ đánh bom ở Shibam. Hai phụ nữ Đức và một phụ nữ Hàn Quốc bị giết ở Sa’dah. Nghi can số một là những phần tử khủng bố thân Al-Qaeda. Chính sách “đối thoại” với Al-Qaeda càng làm chính phủ trung ương suy yếu thêm.

Vùng Vịnh bất ổn

Tháng giêng năm 2009, các nhóm khủng bố thân Al-Qaeda ở Yemen và Ả Rập Saudi liên kết với nhau, hình thành một tổ chức mới có tên Al-Qaeda ở bán đảo Ả Rập (gọi tắt là AQAP). Thủ lĩnh của tổ chức này là Nasser al-Wahayshi, cựu thư ký của Osama bin Laden ở Afghanistan. Bị bắt giam ở Yemen, năm 2006, y đã trốn trại nhờ sự trợ giúp của lính canh.

AQAP không chỉ đe dọa an ninh nội địa và hải ngoại của Mỹ. Các nước vùng Vịnh thân Mỹ cũng lo lắng không kém. Christophe Boucek, chuyên gia vùng Vịnh thuộc tổ chức Carnegie, nhận xét: “Yemen trở thành một hậu cứ lý tưởng của Al-Qaeda. Nếu vấn đề này không được xử lý rốt ráo, các nước vùng Vịnh và Ả Rập Saudi có thể mất ổn định”.

 

(Theo NGUYỄN CAO // Nguoilaodong Online)

  • Yemen, “Afghanistan nhỏ” của Mỹ
  • Chi Lê: Mở cửa để giữ nhà
  • Mỹ rút lại ảnh mô tả diện mạo Osama bin Laden
  • Nhà Trắng trước bộn bề thách thức
  • Mỹ xem xét khiếu nại WTO việc Trung Quốc lọc tin Google
  • Iran "cứng rắn" trước sức ép của Mỹ và phương Tây
  • Ma-rốc xếp vị trí thứ 55 về hội nhập và mở cửa thương mại quốc tế
  • Mỹ lạc quan về triển vọng chuyển biến kinh tế năm 2010