Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đồng Euro ngày càng đe dọa nền kinh tế thế giới, các ngân hàng phát hành đang đua nhau in tiền và hậu quả sẽ vô cùng nguy hiểm.
Là một nhà kinh tế có đầu óc tính toán khá lạnh lùng nhưng vào thời điểm trước cuộc bầu cử ở Hy Lạp, Mervyn King, vị thống đốc Ngân hàng trung ương Anh đã để cho tình cảm chi phối. Trong bài phát biểu trước các quan chức ngân hàng tại London, ông King đã chỉ trích sự thúc thủ của các chính phủ ở châu Âu về cuộc khủng hoảng đồng Euro, và vẽ lên một bức tranh về ngày tận thế. “Vì cuộc khủng hoảng này mà một đám mây đen về sự mất ổn định đang bao phủ lên chúng ta”, ông nói. “Nó không chỉ bao phủ liên minh tiền tệ mà cả nền kinh tế của chúng ta, và toàn bộ nền kinh tế thế giới”. Sau cuộc bầu cử ở Hy Lạp, đám mây đen mà nhà quản lý tiền tệ hàng đầu nước Anh đề cập đã không mất đi, tuy sau đó tình hình thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu có phần bớt căng thẳng, sau khi các đảng ở Hy lạp đã nhất trí được với nhau về việc thành lập một liên minh do đảng bảo thủ lãnh đạo.
Các đối thủ trên thị trường tài chính vẫn tỏ ra ngờ vực, trong khi chính phủ mới ở Hy Lạp yêu cầu kéo dài thời gian thêm hai năm để ép mức thâm hụt xuống dưới mức 3%. Điều này có nghĩa là chi phí để trợ giúp cho Athen sẽ tăng lên từ 16 đến 20 tỷ Euro. “Thắng lợi của các đảng ủng hộ đồng Euro ở Hy lạp hoàn toàn không làm thay đổi những vấn đề cơ bản của khu vực đồng Euro”, theo bình luận thị trường của Ngân hàng HSBC Anh. Các nhà kinh tế thuộc Ngân hàng Đức (Deutsche Bank) cũng có suy nghĩ tương tự. Nhiều chuyên gia ngân hàng dự đoán ngay trong năm nay Hy lạp sẽ rời khỏi khu vực đồng Euro. Không ít người cho rằng việc tan vỡ khu vực đồng Euro là một kịch bản rất có thể diễn ra.
Áp lực lớn
Các tờ báo khu vực đồng Euro lâu nay vẫn không ngừng đăng những dòng tít tiêu cực, liên quan tới những vấn đề như đồn đoán về việc ra đi của Hy Lạp, khủng hoảng ngân hàng ở Tây Ban Nha, cứu trợ cả gói cho Zypern và tới đây có thể cho cả Italia. Từ lâu cựu lục địa đã trở thành nguy cơ số một đối với toàn bộ nền kinh tế thế giới. Nếu như cộng đồng sử dụng đồng Euro bị tan vỡ, điều mà các nhà kinh tế đang lo ngại, thì cú sốc đối với nền kinh tế toàn cầu còn mạnh mẽ hơn nhiều so với vụ phá sản Lehman năm 2008.
Người châu Âu đang chịu một áp lực lớn trong việc dập tắt đám cháy âm ỉ hiện nay trước khi nó bùng lên thành một đám cháy lan ra khắp toàn cầu. Lời cảnh báo này đặc biệt dành cho nước Đức. Các nhà lãnh đạo các chính phủ, các quan chức ngân hàng và những người làm nhiệm vụ bảo vệ tiền tệ đang gây sức ép ngày càng mạnh mẽ đòi bà thủ tướng Đức Angela Merkel ngừng chống lại cộng đồng hóa nợ nần. Giọng điệu chung là nước Đức phải tán thành một liên minh ngân hàng, liên minh tài chính và trái phiếu Euro hay chí ít cũng phải ủng hộ việc thành lập một quỹ thanh toán nợ. Chỉ khi nào quốc gia lớn nhất châu Âu chịu mở hầu bao của mình để trả nợ cho các nước khác thì mới có thể nói đến chuyện dẹp được khủng hoảng.
Tuy nhiên cho đến thời điểm này bà thủ tướng tỏ ra rất kiên định. Bà thừa biết đa số công dân Đức không sẵn sàng bảo lãnh các khoản nợ do các chính phủ vô trách nhiệm của các nước khác gây ra. Hơn nữa việc chuyển giao tín nhiệm sẽ khuyến khích các nước tiếp tục vay nợ nhiều hơn nữa. Vì khó hy vọng vào việc thay đổi chính sách để giải quyết vấn đề này một cách nhanh chóng nên áp lực đè nặng lên các Ngân hàng trung ương là phải in tiền để tránh sự sụp đổ của nền kinh tế thế giới.
Sự yếu ớt của nền kinh tế Mỹ
Nỗi lo lắng về sự phục hồi ì ạch nền kinh tế toàn cầu là có cơ sở. Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, vẫn chưa thể lấy lại đà phát triển. Sự phục hồi đầy hy vọng của thị trường lao động hồi đầu năm đã nhanh chóng tan biến. Việc làm hầu như không tăng, tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức trên 8%. Điều này gây hạn chế tiêu dùng của người dân, doanh thu thương mại bán lẻ lại tiếp tục giảm một lần nữa trong tháng Năm vừa qua.
Trong khi đó, người Mỹ lâu nay lại sa đà vào thói quen cũ là đi vay để mua sắm, do tiền lương và thu nhập hầu như không tăng. Trong năm tháng qua vay tín dụng của người Mỹ tăng mạnh nhất trong khoảng 10 năm gần đây, còn tỷ lệ tiết kiệm sụt giảm tới mức thấp nhất kể từ cuối năm 2007. Theo các nhà kinh tế, tình hình này khó có thể duy trì được lâu. Thị trường bất động sản giờ đây đã xuống đến đáy. Lượng giấy phép xây dựng trong tháng 5 đã tăng 8%. Tiền thuê nhà cao và lãi suất cầm cố bất động sản thấp đến mức kỷ lục đã kích thích người Mỹ tậu nhà cửa. Điều đó không có nghĩa là tình hình thị trường bất động sản đã trở nên lành mạnh. Thông thường mỗi năm nước Mỹ có thêm ít nhất 1,6 triệu ngôi nhà mới nhưng hiện nay mới đạt 700.000. Vì thế không thể hy vọng tình hình sẽ trở nên bình thường trước 2016. Nền kinh tế Mỹ nói chung sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng từ 2,0 đến 2,5 %. Tăng trưởng ở các nước mới nổi chậm lại
Các nước mới nổi đóng góp khoảng một nửa sự tăng trưởng toàn cầu nhưng do xu hướng suy giảm kinh tế nên mức tăng trưởng của những nước này bị giảm xuống. Các nước mới nổi áp dụng lãi suất chỉ đạo cao trong năm 2011 để chống lạm phát và điều này hiện đang kìm hãm nền kinh tể. Tăng trưởng ở Trung Quốc giảm rõ rệt, các nhà kinh tế dự đoán năm nay chỉ đạt 8%, giảm một điểm phần trăm so với năm ngoái.
Ấn Độ, nền kinh tế lớn hàng thứ ba ở châu Á, trong quý I năm nay tăng trưởng chỉ đạt dưới 6 %, thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Giấc mơ bay bổng của chính phủ New-Delhi về mức tăng trưởng hai con số đã bị chôn vùi từ lâu. Chính phủ Ấn Độ đang phải phấn đấu để duy trì mức tín nhiệm tín dụng. Hãng đánh giá Standard & Poor’s dự báo triển vọng tín nhiệm tín dụng Ấn Độ sẽ bị giảm một bậc từ ổn định xuống tiêu cực.
Nền kinh tế Brazil cũng bị khựng lại, đầu tư giảm từ hồi đầu năm. Theo dự báo của chuyên gia Allianz thì năm nay tăng trưởng chỉ đạt 2,4 %, thấp ở mức tồi tệ đối với một nước mới nổi trong quá trình rượt đuổi.
Nền kinh tế thế giới dễ bị tổn thương
Tình trạng bất ổn đang làm cho nền kinh tế thế giới dễ bị lây nhiễm siêu vi trùng khủng hoảng của Châu Âu. Khu vực - đồng Euro đóng góp 18% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu chỉ đứng sau Mỹ và là khu vực kinh tế có tầm quan trọng thứ hai thế giới. Nếu châu Âu bị suy thoái như hiện nay thì sẽ có hậu quả với phần còn lại của thế giới. Và sự lây lan này có thể diễn ra qua nhiều kênh khác nhau cùng một lúc:
1. Vì suy thoái nên nhu cầu của Châu Âu đối với các sản phẩm của nước ngoài giảm. Đối với Mỹ thì châu Âu là đối tác thương mại quan trọng hàng thứ hai sau Canada. Khoảng 18 % xuất khẩu của Mỹ là qua Đại Tây Dương. Đối với Trung quốc, Châu Âu là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất, hơn cả Mỹ. Hiện xuất khẩu của Trung Quốc sang khu vực đồng Euro đang bị chững lại.
2. Hệ thống ngân hàng toàn cầu của EU đang truyền virus khủng hoảng sang các nước mới nổi. Tại đây các ngân hàng Châu Âu hoạt động mạnh hơn so với các đối thủ cạnh tranh từ Mỹ hay Châu Á. Tại Đông Âu 90% tín dụng nước ngoài là từ các ngân hàng Tây Âu, còn ở châu Á là trên 40%. Khấu hao cao đối với chứng từ có giá và tín dụng bất động sản đã làm cho vốn tự có của các ngân hàng bị tan chảy. Từ năm 2013 các ngân hàng sẽ phải thực hiện những yêu cầu chặt chẽ hơn đối với tỷ lệ vốn cốt lõi (tức vốn gốc và lợi nhuận được giữ lại trong tỷ lệ với lượng nợ được cân đối lại theo mức rủi ro). Nhiều ngân hàng phản ứng trước vấn đề này bằng cách giảm hoạt động cho vay tín dụng tại các nước mới nổi.
3. Khủng hoảng tại khu vực đồng Euro làm cho thị trường chứng khoán thế giới lao đao, lòng tin sụt giảm. Mỗi thông tin từ trung tâm điều hành của các chính phủ và ngân hàng phát hành đều làm cho các cố phiểu, trái phiếu và tỷ giá hối đoái biến động đi xuống. Do khó có thể dự báo về các quyết định của các chính khách nên thị trường tài chính rất mất ổn định. Đối với kế hoạch đầu tư của các doanh nghiệp thì đây chính là những độc tố nguy hại.
Một tính toán mô phỏng của Ngân hàng thế giới đã cho thấy mức độ nguy hiểm của cuộc khủng hoảng đồng Euro đối với nền kinh tế thế giới. Các nhà kinh tế ở Washington đã tìm hiểu xem điều gì sẽ xẩy ra, khi các nước lớn thuộc khu vực sử dụng đồng Euro bị phá sản và không tiếp tục nhận được tín dụng. Kết quả: Nền kinh tế khu vực Liên minh tiền tệ sẽ giảm 8,5%.
Các nước mới nổi cũng bị sa vào tình trạng xuống dốc. Do chính phủ các nước này trong những năm qua không hề tiết kiệm khi tiến hành các chương trình chi tiêu trên cơ sở vay tín dụng, nên giờ đây họ gặp nhiều khó khăn hơn về chính sách tài chính so với khi nổ ra cuộc cuộc khủng hoảng năm 2007, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới. Thâm hụt ngân sách tăng bình quân 2 điểm phần trăm so với thời đó. Các nước mới nổi khó có thể chống cự được một cơn bão mạnh xuất phát từ khu vực đồng Euro. Năng lực nền kinh tế của các nước này sẽ bị giảm 4%.
Vòng luẩn quẩn nguy hiểm
Vòng xoáy lãi suất nợ có thể là nguyên nhân gây nên một cơn lốc xoáy, trong đó hai quốc gia mà các nhà kinh tế thường nhắc tới nhiều nhất là Italia và Tây Ban Nha. Do nợ công liên tục tăng nên thị trường vốn đòi phải trả phí rủi ro cao hơn đối với hai nước này. Lãi suất cao lại gây áp lực dìm đầu tư và tổng sản phẩm quốc nội (BIP), gây tăng tỷ lệ nợ, và lại khiến các thị trường vốn đòi tăng lãi suất hơn nữa. “Nhà nước phải nhanh chóng phá vỡ vòng xoáy luẩn quẩn này”, nhà kinh tế Stefan Schilbe của HSBC cảnh báo.
Một giải pháp được cân nhắc là đặt các ngân hàng dưới sự giám sát của Ngân hàng Trung Ương Châu Âu (ECB), trong đó một phương án được thảo luận nhiều là tập trung giám sát 25 ngân hàng châu Âu lớn nhất. Tuy nhiên, theo Ủy ban EU thì “chính các ngân hàng nhỏ mới thường gặp phải vấn đề”.
Một giải pháp khác là cùng nhau chấp nhận rủi ro, như thành lập một quỹ giải cứu chung cho các ngân hàng. Nhưng chính phủ Liên bang Đức chỉ tán thành điều này khi tồn tại một liên minh tài chính (Fiskalunion), và phương án này vẫn còn rất mờ nhạt, đến nay mới chỉ có một vài ý tưởng cụ thể và chưa rõ một liên minh tài chính phải được trang bị như thế nào.
Ủy viên trưởng EU của Tây ban nha, ông Joaquín Almunia cho rằng, trong tình hình hiện nay, khi mà các chính phủ thiếu sự tin tưởng lẫn nhau thì trái phiếu EU (Euro-Bonds) không phải là một giải pháp để lựa chọn: “Khi mà các nước trong Euro-Zone thiếu sự tin cậy chính trị với nhau thì khó có thể có chuyện những nước có điểm tín nhiệm tín dụng cao hơn chấp nhận chia sẻ khó khăn với các nước không có điểm tín nhiệm tương đương.“
Italia lâm vào cảnh khốn khó
Đối với chính phủ Đức thì trái phiếu chung chỉ có thể hình thành sau một quá trình nhất thể hóa lâu dài. Nước Đức lo ngại một cách chính đáng rằng lãi suất thấp đối với trái phiếu Euro sẽ làm cho các nước ngoại vi coi đây là một chiếc phao cứu sinh miễn phí, và các nước đó sẽ tiếp tục vay nợ nhiều hơn nữa. Mới đây thủ tướng Italia Mario Monti đã gợi ý về một chế độ tự động theo đó cái ô cứu trợ EFSF và sau đó là ESM sẽ mua trái phiếu nhà nước khi lãi suất trái phiếu này tăng ở một mức nhất định so với trái phiếu Liên bang. Ủy ban EU coi đây chỉ thuần túy là một loại thuốc giảm đau, và thủ tướng Đức Merkel đã gạt bỏ đề nghị này, cho rằng nó quá lý thuyết.
Tuy nhiên chỉ riêng việc thủ tướng Italia phải đệ trình phương án này đã cho thấy ông ta đang chịu một sức ép lớn đến như thế nào. Nếu chính phủ hiện nay không sớm đạt được những kết quả sáng sủa thì Italia sẽ lại đứng trước một cuộc bầu cử mới. Cựu thủ tướng Silvio Berlusconi đã dọa đảng của ông ta sẽ rút lại sự ủng hộ đối với ông Monti, và điều này có thể làm cho chính phủ kỹ trị của Monti bị sụp đổ.
Các ngân hàng phát hành in tiền
Vì các chính phủ dậm chân tại chỗ nên các ngân hàng phát hành buộc phải ra tay. Giữa tuần trước thống đốc ngân hàng phát hành Mỹ Ben Bernanke đã tuyên bố, Fed sẽ gia hạn “operation twist” đến cuối năm nay. Ông Bernanke muốn bán trái phiếu nhà nước với thời hạn ngắn trị giá 267 tỷ đôla và dùng tiền này để mua chứng khoán dài hạn. Điều này cuối cùng sẽ làm giảm lãi suất và thúc đẩy đầu tư. Theo các nhà kinh tế của Goldman Sachs thì chậm nhất đến đầu năm 2013 Fed sẽ bồi thêm một đợt nữa. Sau đó sẽ thúc đẩy chương trình lần thứ ba để tiếp tục mua trái phiếu nhà nước (QE3) và tiếp tục in thêm tiền.
ECB cũng đã khởi động các cỗ máy in tiền. Đã có rò rỉ thông tin về việc ECB tiếp tục giảm những yêu cầu về an toàn đối với việc hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại. Điều này cho thấy các nhà quản lý tiền tệ đặc biệt chú ý đến tình trạng các ngân hàng Tây Ban Nha đang bị điêu đứng vì khủng hoảng. Những ngân hàng này có thể đổi trái phiếu EZB bảo lãnh bằng tín dụng thế chấp ốm yếu của mình lấy tiền tươi của ECB. Điều này có nghĩa là rủi ro tổn thất trong cân đối của ECB sẽ tăng lên. Ngoài ra các ngân hàng ở các nước ngoại vi vay được thêm tiền của các ngân hàng trung ương, và dùng khoản tiền này thông qua hệ thống target của các ngân hàng phát hành chi trả cho những khoản thâm hụt của thanh toán vãng lai và tình trạng đào thoát vốn ở các nước này. Như vậy, động cơ cải cách nền kinh tế ở khu vực này đang bị triệt tiêu.
Ngoài ra các ngân hàng phát hành lớn giờ đây không còn quan tâm đến điểm tín nhiệm xếp bởi các hãng đánh giá lớn khi đánh giá về trái phiếu nhà nước. Họ sử dụng người của bản thân ngân hàng để đánh giá về độ tin cậy tín dụng của các nước này, nghĩa là cho phép bơm tiền vô tội vạ.
Liệu điều này có giúp ích gì cho sự phát triển không? Đây là điều rất đáng ngờ. Tại Mỹ và Anh lãi suất trái phiếu nhà nước đang ở mức thấp kỷ lục. Hiện không có một công trình đầu tư nghiêm chỉnh nào gặp thất bại vì chi phí tài chính quá lớn. Nguy cơ lớn là ở chỗ lãi suất thấp kích thích các nhà doanh nghiệp đầu tư vào các dự án mà thực ra không đem lại lợi lộc gì. Hậu quả là đầu tư sai lầm và lãng phí nguồn vốn.
Ngoài ra còn có tình trạng: Các ngân hàng phát hành tung tiền nhiều bao nhiêu vào hệ thống ngân hàng, thì về sau càng khó thu hồi khoản tiền này, khi nền kinh tế lấy lại được vị thế của mình. Nguyên nhân: khi các ngân hàng trung ương lật ngược chính sách đòn bẩy tiền tệ, thì lãi suất tăng lên – và cùng với nó là sự tăng phí tổn tín dụng đối với những nước bị ngập trong nợ nần. “Các ngân hàng trung ương sẽ không thu hút kịp thời các thanh khoản dư thừa”, nhà kinh tế trưởng Thorsten Polleit của Degussa Goldhandel cảnh báo. Theo Polleit, “kết quả sẽ là xảy ra lạm phát và trong trường hợp xấu nhất thậm chí là siêu lạm phát.”
Các tập đoàn và tỷ phú trong lĩnh vực năng lượng, tài chính, ngân hàng đều nằm trong danh sách đen khi Mỹ chuẩn bị kế hoạch trừng phạt mới với Nga, sau thảm kịch MH17 rơi ở Ukraine.
Australia và Ấn Độ đang thắt chặt quan hệ quân sự và làm sống lại ý niệm về một liên minh gồm bốn nền dân chủ (cùng Nhật và Mỹ) đối phó với những quan ngại ngày càng lớn từ phía TQ.
Tờ Diplomat của Nhật Bản vừa có bài bình luận về mối quan hệ Trung Quốc – Mỹ với tựa đề 'Quan hệ Trung – Mỹ không thể tin nhau', cho rằng Mỹ, Trung Quốc luôn coi nhau là đối thủ tiềm ẩn, khi cần có thể sẵn sàng 'rút kiếm' giao chiến.
Không phải là chuyến thăm chính thức cấp nhà nước, nhưng cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama cuối tuần qua trở thành tâm điểm của giới truyền thông toàn cầu.
Mỹ và Trung Quốc vừa ký kết một thỏa thuận, theo đó nhà chức trách Mỹ có thể tiếp cận với tài liệu của các công ty kiểm toán tại Trung Quốc. Thỏa thuận này sẽ cho phép các nhà chức trách Mỹ điều tra các công ty kiểm toán của doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ trong trường hợp các doanh nghiệp này bị tình nghi có các hành vi gian lận kế toán.
Việc tính toán số lượng tỷ phú trên thế giới, hay thậm chí chỉ ở một quốc gia nào đó, thực chất một trò chơi đoán số. Tuy nhiên, “trò chơi” này rất hấp dẫn và đang trở nên ngày càng phổ biến.
Trong bối cảnh Hy Lạp đã được coi như vỡ nợ, Nhật Bản tăng trưởng âm, Mỹ liên tục bơm tiền mà chưa gặt hái thành công, sự bứt phá của Đông Á được xem như cứu cánh cho kinh tế toàn cầu.
Tình trạng bất bình đẳng thu nhập tại Mỹ đã lên mức cao nhất kể từ sau Đại suy thoái, và cuộc khủng hoảng hiện nay cũng không có ảnh hưởng gì nhiều giúp thay đổi xu hướng này, với 1% những người thu nhập cao nhất đóng góp hơn 93% tổng tăng thu nhập trong tròn 1 năm phục hồi kinh tế.
Đối với những ai muốn sở hữu một hòn đảo tư nhân, thì đây có lẽ là thời điểm thích hợp để thực hiện mơ ước đó. Nhu cầu suy giảm và nguồn cung tăng đã tạo ra một thị trường đảo tư nhân đứng về phía người mua, với mức giá giảm 20-80%, theo trang CNBC.
Theo một bài báo được đăng tải trên Businessweek mới đây, ở các nền kinh tế đang phát triển, chủ nghĩa tư bản nhà nước – mô hình trong đó nhà nước sở hữu hoặc đóng vai trò chủ đạo trong các doanh nghiệp – đang dần thay thế chủ nghĩa tư bản thị trường tự do.
6/17 nước sử dụng đồng euro đang suy thoái. Kinh tế Mỹ chao đảo trong khi Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil - những “siêu sao” của các nền kinh tế đang phát triển – không thể vực dậy kinh tế toàn cầu.
Làn sóng cắt giảm lao động tại các nhà băng Mỹ và châu Âu đã khiến nhiều nhân viên tìm đến Singapore, hiện là một trong những trung tâm tài chính lớn nhất châu Á.
Mạng tin "Top Secret Writer" của Mỹ ngày 27/6 trích báo cáo gần đây của Thượng viện Mỹ cho biết, các cơ quan chức năng của Mỹ vừa qua phát hiện hơn 1 triệu phụ tùng quân sự giả được sản xuất ở nước ngoài, trong đó trên 70% tại Trung Quốc, rồi cung cấp cho quân đội Mỹ. Các phụ tùng giả đó được phát hiện trong một số vũ khí quân sự quan trọng của Mỹ.
Việc Anh giao nộp Singapore cho Nhật Bản năm 1942 sẽ đem đến một bài học cho các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đang chứng kiến sự nổi lên của Trung Quốc. Chiến tranh không phải là không thể tránh khỏi, nhưng lịch sử đầy những chuyện bất ngờ.
Khủng hoảng nợ công châu Âu và suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp tại nhiều quốc gia trên thế giới tăng mạnh. Theo số liệu của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), trên toàn thế giới hiện có khoảng 75 triệu người trong độ tuổi từ 15-24 không có việc làm.
Giáo sư Robert Sutter của Đại học George Washington (Mỹ), một chuyên gia về quan hệ quốc tế, mới đây đã có bài viết phân tích sự ngang ngược của Trung Quốc cũng như những điểm yếu của Bắc Kinh mà Mỹ có thể tấn công vào.
Trong chuyến làm việc tại Trung Quốc cuối tuần trước, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã chỉ trích cách hành xử của Trung Quốc với các nước láng giềng, đặc biệt trong các tranh chấp lãnh thổ ở khu vực biển Đông.
Vụ bê bối thực phẩm mới nhất ở Trung Quốc đang lan rộng nhanh chóng. “Nạn nhân” mới nhất trong vụ này có thêm chuỗi nhà hàng cà phê Starbucks và chuỗi cửa hiệu đồ ăn nhanh BurgerKing.
Trong khi nhiều nước châu Á khác đang khá chật vật để níu kéo các dòng vốn FDI thì Indonesia lại nổi lên như một điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư nước ngoài.
Các tập đoàn và tỷ phú trong lĩnh vực năng lượng, tài chính, ngân hàng đều nằm trong danh sách đen khi Mỹ chuẩn bị kế hoạch trừng phạt mới với Nga, sau thảm kịch MH17 rơi ở Ukraine.
Ngày 24-7, các quan chức Nga đồng loạt lên tiếng trấn an dư luận sau khi một cố vấn thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo đất nước đang đối mặt với nguy cơ cô lập về kinh tế.
Giới chuyên gia Trung Quốc nhận định dù Bắc Kinh đã rót hàng tỉ USD đầu tư vào châu Phi nhưng “con đường cái quan” sẽ không thông thoáng như Bắc Kinh kỳ vọng.