Nếu như trong giai đoạn 1991-1995, bình quân mỗi năm nước ta nhập siêu 1,1 tỉ USD; giai đoạn 1996-2000, mỗi năm nhập siêu 2 tỉ USD thì giai đoạn 2001 - 2006 đã tăng lên bình quân 4 tỉ USD/ năm. Năm 2007, nhập siêu 14,2 tỉ USD, là mức nhập siêu cao nhất tính từ năm 1997. Chín tháng đầu năm nay, tiếp tục nhập siêu 8,58 tỉ USD, bằng 16,7% so với tổng kim ngạch xuất khẩu (kể cả kim ngạch xuất khẩu vàng). Tuy có thấp hơn so với kế hoạch là 20% kim ngạch xuất khẩu nhưng về số tuyệt đối vẫn rất cao. Theo dự báo của Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại, khả năng năm 2010 nhập siêu sẽ đạt tới 14 tỉ USD. Trong quan hệ buôn bán với thị trường ở các châu lục gần đây, Việt Nam luôn xuất siêu sang thị trường châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương, châu Phi nhưng lại luôn nhập siêu từ châu Á. Trong châu Á nhập siêu từ Trung Quốc lại chiếm tới 80%. Lời giải từ chính thị trường Trung Quốc Quan hệ buôn bán Việt - Trung trong 2 thập kỉ gần đây tăng nhanh đến mức chóng mặt. Trong năm 1991, kim ngạch buôn bán hai chiều mới xấp xỉ 38 triệu USD, thì đến năm 2000, tăng gấp 78 lần (2,9 tỉ USD). Từ năm 2000 đến nay, tốc độ tăng rất mạnh, năm 2009 so với năm 2000 đã tăng 7 lần, lên tới 20,3 tỉ USD. Năm 2010, kim ngạch buôn bán hai chiều có thể lên tới tới 25 tỉ USD. Tuy nhiên, nếu như trong 10 năm đầu kể từ 1991, trong buôn bán hai nước, Việt Nam luôn là nước xuất siêu. Mức xuất siêu trung bình là 63 triệu USD/ năm, thì từ năm 2001, Việt Nam đã chuyển sang nhập siêu. Trong 9 năm đầu, xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ còn duy trì mức tăng trưởng 8,5%/ năm và đạt khoảng 4,9 tỉ USD, thì nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng 35%/ năm, đạt tới 16,4 tỉ USD. Năm 2005, nhập siêu từ Trung Quốc mới có 2,672 tỉ USD, chiếm 61,9% tổng mức nhập siêu của nước ta. Năm 2009 đã tăng lên 11,53 tỉ USD, chiếm 89,7% tổng mức nhập siêu. Trong 8 tháng đầu năm 2010, nhập siêu là 7,53 tỉ USD, thì nhập siêu từ Trung Quốc lên tới xấp xỉ 8,5 tỉ USD, tăng 21,2% so cùng kì năm 2009 và bằng 111,5% tổng mức nhập siêu của cả nước. Nhiều chuyên gia kinh tế ước tính, năm nay (2010) nhập siêu từ Trung Quốc sẽ tới 12 tỉ USD. Mặt hàng nhập từ Trung Quốc, nhỏ như tăm, các loại rau, củ, quả, trái cây đến quần áo, giày dép, đồ gia dụng, hàng điện tử, đồ chơi trẻ em... Những mặt hàng này chỉ chiếm 30% trong số hàng hóa vật tư nhập từ Trung Quốc. Trên 70% trong cơ cấu hàng nhập từ Trung Quốc là nguyên vật liệu, phụ liệu, máy móc thiếu bị, xăng dầu, phân bón, hóa chất... Nhập siêu từ Trung Quốc tăng nhanh chính là bởi tính cạnh tranh cao với giá rẻ, chủng loại phong phú, phù hợp với thị trường Việt Nam. Nhà thầu Trung Quốc đang ồ ạt vào nước ta Ngoài yếu tố cạnh tranh về giá rẻ, công nghệ phù hợp, thì một nguyên nhân quan trọng khiến máy móc, phụ tùng, thiết bị nhập từ Trung Quốc mỗi năm mỗi tăng chính là do ngày càng nhiều công trình, dự án của Việt Nam rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc, ông "vua giá rẻ, chất lượng thấp, kém an toàn". Theo ước tính, tỉ lệ trúng thầu EPC của các nhà thầu Trung Quốc chiếm tới 90% các công trình điện, khai khoáng, dầu khí, luyện kim, hóa chất… ở Việt Nam. Khi trúng thầu, các nhà thầu Trung Quốc nhập máy móc thiết bị, mặt hàng tiêu dùng thông thường phục vụ lao động Trung Quốc, mặc dù những mặt hàng tiêu dùng này tại Việt Nam sẵn có. Chỉ tính riêng 3 ngành điện, xi măng, alumin trong giai đoạn từ nay đến 2025 đã cần tới 107 tỉ USD để đầu tư máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, với ngành Xây dựng mỗi năm cần đầu tư 10-12 tỉ USD cho trang bị máy móc. Nếu vẫn đấu thầu theo cung cách hiện nay, thì chắc chắn nhà thầu Trung Quốc sẽ trúng thầu và khả năng nhập siêu từ Trung Quốc sẽ còn tăng mạnh. Nhiều chuyên gia cảnh báo: máy móc, thiết bị, công nghệ từ Trung Quốc hầu hết đều lạc hậu, cũ kĩ so châu Âu, châu Mỹ. Vì thế, nhập máy móc thiết bị công nghệ từ Trung Quốc sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường cho nền kinh tế. Việc kéo dài thời gian thi công ở các nhà máy nhiệt điện do Trung Quốc trúng thầu làm gia tăng tình trạng thiếu điện ở Việt Nam, phải mua nhiều điện giá cao của Trung Quốc là một dẫn chứng điển hình. Bằng cách nào để thoát cảnh nhập siêu Trong buôn bán với Trung Quốc, đã có lúc chúng ta đẩy lùi được sự bành trướng của hàng hóa Trung Quốc trên thị trường Việt Nam. Đầu năm 1990, bia Vạn Lực đã từng làm mưa làm gió thị trường nội địa. Nhưng sau đó, do có chính sách phát triển ngành hàng này ở Việt Nam hợp lí, các doanh nghiệp nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm nên chỉ vài năm sau, không chỉ bia Vạn Lực mà các loại bia lon khác của Trung Quốc cũng khó chen chân vào nước ta. Các năm 1998-1999, xe máy Trung Quốc gần như chiếm lĩnh thị trường Việt Nam và góp phần thỏa mãn nhu cầu của người nông dân Việt Nam. Giá xe máy Trung Quốc chỉ 360-400 USD vào năm 2000, trong khi giá xe máy Nhật ít nhất 1200-1500 USD. Nhờ có chính sách phát triển sản xuất xe máy trong nước và cách tiếp cận thị trường hợp lí của doanh nghiệp nên xe máy nội dần dần lấy lại thị trường. Năm 2001, lượng xe máy nhập từ Trung Quốc lên tới gần 2 triệu chiếc, nhưng sang năm 2002 giảm tới 80%. Cho tới nay, xe máy trong nước chiếm 97% thị trường, xe nhập từ Trung Quốc chỉ còn 1%, từ các nước khác còn 2%... Vấn đề trong hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc chính là việc nâng cao kim ngạch xuất khẩu trong giao thương hai nước, như Phi-líp-pin đã làm thành công năm 1990, từ đó khiến tỉ trọng kim ngạch xuất tăng lên và nhập siêu giảm. Phạm Việt Tường/ theo Nguoicaotuoi Nhập khẩu hàng hóa Ảnh:IT
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com