Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) vừa công bố một số dự báo về tình hình giá cả tháng 5/2011.
Theo Cục Quản lý giá, những nhân tố tác động gây áp lực tăng giá trong tháng 5 bao gồm:
Thứ nhất, giá cả một số hàng hoá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là giá xăng dầu dao động ở mức cao và vẫn có xu hướng tăng trong tháng 5/2011 gây sức ép tăng giá trong nước.
Thứ hai, tác động theo độ trễ và yếu tố tâm lý của việc điều chỉnh giá điện (kể cả tâm lý giá điện sẽ tăng khi QĐ số 24/2011/QĐ-TTG ngày 15/4/2011 của TTCP về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường có hiệu lực từ 1/6/2011), giá xăng dầu, lương tối thiểu (từ 1/1/2011 đối với doanh nghiệp và từ 1/5/2011 đối với người hưởng lương từ NSNN)…
Thứ ba, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa dịch vụ, du lịch tăng cao do số ngày nghỉ kéo dài dịp Lễ 30/4 và 1/5 có thể tác động làm tăng giá nhóm hàng đi lại, vận tải hành khách, ăn uống ngoài gia đình, dịch vụ vui chơi giải trí, trông giữ xe ô tô, xe máy... Đồng thời nhu cầu tiêu dùng một số hàng may mặc, mũ nón, giày dép và đồ dùng gia đình phục vụ mùa hè của người dân tăng.
Thứ tư, tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm chưa được khống chế hoàn toàn và vẫn diễn ra trên diện rộng khiến người chăn nuôi chưa dám tái đàn mạnh, tác động đến nguồn cung thực phẩm trong nước.
Ở chiều ngược lại, những yếu tố giảm áp lực tăng giá gồm:
Một là, tình hình cung cầu hàng hoá cơ bản được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng.
Hai là, một số mặt hàng thiết yếu được dự báo có xu hướng ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ như: thóc gạo, đường, xi măng, thép, phân bón...
Ba là, tỷ giá USD/VNĐ ổn định và đang có xu hướng giảm.
Bốn là, một số chương trình khuyến mãi, giảm giá trong đợt lễ 30/4, 1/5 sẽ được các doanh nghiệp tổ chức thực hiện nhằm khuyến khích tiêu dùng… cũng sẽ góp phần tăng cường lưu thông, giảm giá bán hàng hoá…
Về dự báo diễn biến giá cả một số mặt hàng, Cục Quản lý dự báo nhìn chung giá một số mặt hàng thiết yếu sẽ ổn định trong tháng 5 này.
Giá gạo
Hiện nay, dự trữ gạo của Ấn Độ và Trung Quốc rất cao, trong khi Philipinese, Indonesia, Bangladesh đã nhập khẩu gần đủ lượng dự trữ; nguồn cung gạo từ Thái Lan và Việt Nam khá lớn (Thái Lan đang trữ trong kho khoảng 7 triệu tấn gạo; Việt Nam sau khi kết thúc đợt 1 mua tạm trữ trong tháng 4, hiện lượng gạo tạm trữ của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam khoảng 1,2 triệu tấn và lượng thu hoạch tại các tỉnh phía Nam khá dồi dào).
Dự báo giá gạo thế giới và trong nước sẽ ổn định trong tháng 5.
Giá đường
Thế giới: Do những triển vọng lớn về sản lượng tại các nước xuất khẩu đường lớn như Braxin, Thái Lan và Ấn Độ trong thời gian tới, dự báo giá đường thế giới tháng 5/2011 tiếp tục giảm nhẹ.
Trong nước: Tháng 5/2011 còn 09 nhà máy đường tiếp tục sản xuất (có khả năng kết thúc vào cuối tháng). Dự báo cả vụ ép khoảng 12,2 triệu tấn mía, sản xuất khoảng 1,146 triệu tấn đường, cao hơn vụ trước 200.000 tấn, cộng thêm lượng đường nhập lậu từ biên giới Tây Nam tràn sang và lượng đường nhập khẩu về (cho các nhu cầu không phải là nhu cầu thương mại) tạo sức ép đẩy giá đường trong nước tiếp tục giảm xuống.
Thức ăn chăn nuôi
Giá thức ăn chăn nuôi thế giới tháng 5/2011 có khả năng tăng do nhu cầu về các mặt hàng này sẽ tăng trong thời gian tới, đồng thời do ảnh hưởng của tình hình chiến sự tại Libya, giá dầu thô dao động bất thường.
Trong nước, giá thức ăn chăn nuôi tháng 5/2011 tiếp tục có xu hướng tăng do ảnh hưởng của giá thế giới tăng và chi phí đầu vào sản xuất tăng.
Xi măng
Theo Bộ Xây dựng và Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng trong tháng 4/2011 sản lượng sản xuất xi măng ước đạt 4,879 triệu tấn, tăng so cùng kỳ tháng trước 318.000 tấn; sản lượng tiêu thụ ước đạt 5,052 triệu tấn, giảm 578.000 tấn so cùng kỳ tháng trước.
Dự báo giá xi măng tháng 5 ổn định so với tháng 4/2011.
Thép xây dựng
Về giá thép thành phẩm trong tháng 4/2011, các doanh nghiệp sản xuất thép vẫn giữ ổn định giá bán so với tháng 3/2011. Tuy nhiên, trên thực tế do tình hình tiêu thụ hàng trong tháng chậm buộc các đơn vị sản xuất thép tiếp tục giảm giá bán thông qua việc tăng chiết khấu bán hàng (từ 500-900 đồng/kg) và áp dụng chế độ hỗ trợ vận chuyển cho khách hàng. Tại các địa phương giá thép ở mức 18.000-19.000 đồng/kg.
Dự báo giá phôi thép thế giới giữ như mức tháng 4, giá thép thành phẩm trong nước tháng 5/2011 có thể chững lại hoặc giảm nhẹ do nhu cầu thép giảm.
(NDHMoney)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com