Thi sĩ Tản Đà từng viết: “Bao nhiêu củi nước mới thành văn/Được bán văn ra chết mấy lần”. Với cái nghề được ví “mất nhiều, được ít” này, cái nhìn của người trong nghề thế nào? Sự tiếp nối thế hệ đang diễn biến ra sao? “Nghề Văn” chính là chủ đề của chương trình Khi người ta trẻ tháng 5, THTT lúc 20h ngày 21/5/2009 trên VTV6.
Cho dù có ánh hào quang lấp lánh, trong góc nhìn của người trẻ hôm nay, nghề văn không phải là một lĩnh vực có nhiều sức hút. Một nghề quá đỗi nhọc nhằn khi phải đối diện trước những con chữ nhỏ. Một nghề quá đỗi gian truân mà không thể chắc chắn về một tác phẩm hay sau nhiều nỗ lực. Một nghề thực sự bấp bênh nếu xét dưới góc độ kinh doanh vì hầu như chẳng có nhà văn nào sống nổi bằng nghề. Một nghề có quá nhiều hệ lụy bởi nhà văn vốn dễ mất thăng bằng, không tránh khỏi ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
Vậy điều gì khiến bao thế hệ nhà văn vẫn gắn trọn đời với một nghề không mang lại nhiều tiền bạc cũng như danh lợi, khổ nhiều hơn sướng? Can cớ gì khiến các tác giả vắt kiệt mình vào dòng thời gian đổi lấy những đứa con tinh thần thường rất chật vật trên con đường chinh phục độc giả? Niềm vui trong văn chương có sức nặng thế nào để hối thúc, giục giã nhà văn thầm lặng và kiên trì đeo đuổi?
Cây bút trẻ Dương Bình Nguyên.
Nhà văn với hành trình dấn thân vì niềm đam mê tự thân, nhà văn với những câu chuyện hậu trường sáng tác, nhà văn với con đường tìm đến độc giả - sẽ là những nội dung trong chương trình Khi người ta trẻ tháng 5 – Nghề văn.
Khách mời của chương trình là 2 nhà văn thuộc hai thế hệ: Nhà văn Nguyễn Quang Sáng (SN 1932) và nhà văn trẻ Dương Bình Nguyên (SN 1979).
Khán giả có thể tham gia trực tiếp vào chương trình bằng cách trả lời câu hỏi tương tác: “Văn chương mang lại điều gì cho bạn?”, gửi về địa chỉ khinguoitatre@vtv.org.vn, hoặc nhắn tin tới tổng đài 8242 khi chương trình phát sóng. Khi người ta trẻ có 5 phần quà dành cho những tin nhắn thú vị nhất.
Khi người ta trẻ tháng 5 và những câu chuyện về Nghề văn sẽ được THTT lúc 20h ngày 21/5/2009 trên VTV6, phát lại trên VTV3. Chương trình do Ban Thanh thiếu niên thực hiện.
Trích ngang nhân vật tham gia chương trình:
Dương Bình Nguyên
Sinh năm 1979. Quê quán: Vô Tranh, Phú Lương, Thái Nguyên.
Tốt nghiệp Học viện An ninh năm 2001.
Anh viết văn từ năm 1997, bắt đầu với những sáng tác đăng trên Hoa Học Trò, được giới trẻ đón nhận.
Hiện đang là phóng viên Chuyên đề ANTG Cuối tháng, Báo Công an Nhân dân.
Tác phẩm:
- "Làng nhan sắc" - Tập truyện ngắn (NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh - 2001)
- "Về lại thiên đường" - Tập truyện ngắn (NXB Công an nhân dân – 2003)
- “Hoa ẩn hương” – Tập truyện ngắn (NXB Hội Nhà văn – 2005)
- “Giày đỏ” – Tập truyện ngắn (NXB Hội Nhà văn – 2007)
-Hiện đang viết truyện dài Thành phố bốc cháy, đề tài về những đổ vỡ trong giới trẻ đương đại
Giải thưởng:
- Giải 3 cuộc thi truyện ngắn Báo Hoa học trò - 2000
- Giải nhì Cuộc thi Truyện và ký “Cây bút vàng” - Tạp chí Văn hoá – Văn nghệ CAND và ANTG tổ chức – 2001
- Tặng thưởng truyện ngắn Cuộc thi sáng tác “Tầm nhìn thế kỷ” – Báo Tiền Phong – 2002
- Giải A Truyện ngắn hay – Báo Người lao động TP Hồ Chí Minh – 2003
- Giải nhất cuộc thi truyện ngắn Áo trắng 2002- 2005.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng:
Tên thật: Nguyễn Quang Sáng.
Sinh năm: 1932
Nơi sinh: Chợ Mới- Long Xuyên, nay là tỉnh An Giang.
Bút danh: Nguyễn Quang Sáng.
Thể loại: truyện ngắn, ký, tiểu thuyết.
Bắt đầu cầm bút năm 20 tuổi, nhưng tới năm 1956 mới có truyện ngắn “Con chim vàng” đăng trên báo Văn nghệ. tính đến nay nhà văn Nguyễn Quang Sáng có hơn 50 năm sáng tác. Ông luôn luôn tự hỏi: “Tôi đã thật sự là nhà văn hay chưa? Đó là lời tự vấn nghiêm túc và khắc nghiệt - Tôi đã trả lời, đang trả lời và sẽ trả lời trên trang viết (trích Nhà văn Việt Nam hiện đại - Hội Nhà Văn VN 2007)"
Tác phẩm:
Người quê hương (1960)
Nhật ký người ở lại (1962)
Đất lửa (1962)
Nó và tôi
Truyện ngắn chọn lọc
Chiếc lược ngà (1969)
Bông cẩm thạch (1971)
Mùa gió chướng (1975)
Dòng sông thơ ấu (1985)
Tôi thích làm vua (1988)
Con mèo Fujita (1991) …
Nhà văn về làng (2008)
Hiện đang viết một truyện vừa về miền Tây Nam bộ
Giải thưởng:
Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II năm 2000 và nhiều giải thưởng khác.
Kịch bản phim Cánh đồng hoang đoạt giải thưởng về kịch bản, tại Việt Nam năm 1980, tại Maxcơva năm 1981.
(Theo TL // VTV Đài truyền hình Việt Nam)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |