Là doanh nghiệp xuất khẩu lao động duy nhất niêm yết trên sàn chứng khoán hiện nay với mã SDA, Công ty cổ phần SIMO Sông Đà luôn được xem như một thương hiệu tin cậy trong giới xuất khẩu lao động
“Thuật” chăm sóc đối tác
Trung tuần tháng 11 vừa qua, Công ty SIMCO vừa tiễn đoàn 48 lao động sang Nga làm việc, chỉ 2 ngày sau khi Hiệp định hợp tác về lao động được hai nước ký kết nhân chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Nga không phải là thị trường lao động mới đối với Việt Nam, nhưng chọn cách đưa lao động đi ngay sau khi một sự kiện lớn là Hiệp định hợp tác về lao động được ký kết thì không phải doanh nghiệp nào cũng làm được. Hơn nữa, đây lại là một hợp đồng cung ứng rất tốt đối với người lao động, với mức chi phí trước khi đi thấp (1.200 đô-la Mỹ/người) và chủ sử dụng lao động thậm chí còn chi trả toàn bộ tiền vé máy bay cho người lao động.
Cách đây 3 năm, khi được biết mình sẽ được trao bằng khen “Vì thế hệ trẻ” của Trung ương Đoàn thanh niên, ông Park Seung Jung - Giám đốc Công ty HanSoo, công ty môi giới “ruột” của SIMCO, đã vui mừng đến nỗi mời rất nhiều bạn bè đang làm ăn tại Việt Nam đến chứng kiến buổi lễ trao tặng bằng khen này.
Đằng sau câu chuyện trao bằng khen cho ông Park là cái khéo của Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc SIMCO. Ông Park là người mang đến rất nhiều cơ hội cung ứng lao động ngành xây dựng sang Hàn Quốc cho SIMCO. Bởi vậy, ngoài chuyện tiền bạc sòng phẳng như trong thỏa thuận, đây là cách động viên tinh thần đối tác rất khéo, tới nỗi sau đó hầu như các hợp đồng từ ông Park đều được ông này ứng trước tiền để lo thủ tục. Chỉ khi nào lao động có visa SIMCO mới phải chuyển tiền trả. Thông thường, để có được một hợp đồng cung ứng lao động các công ty xuất khẩu lao động của Việt Nam phải trả tiền cho công ty môi giới theo 3 bước. Đầu tiên là một số tiền nhất định “làm tin” để triển khai hợp đồng, tránh việc công ty môi giới đem hợp đồng đó đi “chào” với công ty xuất khẩu lao động khác. Tiếp đến, công ty phải trả khoảng 20 - 30% phí môi giới khi người lao động có được giấy phép làm việc- điều kiện để xin visa lao động. Cuối cùng, doanh nghiệp phải hoàn nốt số phí môi giới như thỏa thuận khi người lao động có được visa và chuẩn bị xuất cảnh. Có những khi người lao động có được giấy phép lao động nhưng chưa chắc đã được cấp visa, nhất là ở một số thị trường như Séc, Mỹ, Canada, Nhật, Hàn Quốc… Bởi vậy, cách làm “nắm đằng chuôi” như SIMCO không dễ được chấp nhận nếu công ty không tạo được sự tin tưởng đối với đối tác là ông Park.
Luôn là người thứ hai
Trong câu chuyện vui với phóng viên, ông Chu Minh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị SIMCO luôn nhấn mạnh đến định hướng cho con đường xuất khẩu lao động của công ty. Đó là: công ty không quá ham vào việc đầu tư mở các thị trường mới. “Các thị trường mới chưa có doanh nghiệp nào đặt chân vào có rất nhiều rủi ro về cả cách làm và các cơ chế chung. SIMCO không là doanh nghiệp mở thị trường nhưng SIMCO đảm bảo sẽ là doanh nghiệp thứ 2, hoặc trong tốp doanh nghiệp thứ 2 đặt chân vào thị trường đó” - ông Tuấn chia sẻ.
Điều này có vẻ “cơ hội”, nhưng trên thực tế nó đã hạn chế được rất nhiều rủi ro cho công ty ông. Còn nhớ thời điểm cuối năm 2006 và năm 2007 không ít doanh nghiệp công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc đã đặt chân vào được thị trường lao động Mỹ. Thậm chí có doanh nghiệp còn đưa các hợp đồng cung ứng lao động cho phóng viên xem để chứng tỏ họ là những người tiên phong vào thị trường này. Nhưng không lâu sau, việc lấy được visa lao động vào Mỹ trở nên rất khó khăn. Hầu hết doanh nghiệp đã phải bỏ cuộc. Sau thời điểm đó, chính ông Park cũng mang về cho SIMCO một hợp đồng cung ứng lao động vào Mỹ nhưng ông Tuấn đã giao kèo phía môi giới phải ứng trước tiền để làm các thủ tục, nếu lao động có được visa thì SIMCO sẽ trả tiền mà không nợ một xu! Hiện SIMCO đã tuyển được 50 lao động theo hợp đồng cung ứng của ông Park và đang đào tạo họ mà chưa phải trả cho đối tác một đồng phí nào.
Thị trường Canada cũng là một ví dụ. Khi được biết đã có doanh nghiệp khai thông được thị trường này, người lao động xin visa tuy có khó khăn nhưng nếu tìm ra “chìa khoá” thì “cánh cửa” của thị trường này sẽ được mở ra đối với SIMCO. Cuối cùng, ông Tuấn cũng có được hợp đồng cung ứng lao động cho ngành xây dựng ở Canada. “Chìa khoá” ở đây chính là trình độ của người lao động. Sẵn có Trường Trung cấp nghề SIMCO Sông Đà do công ty đầu tư, ông Tuấn chi tiền mua một chương trình đào tạo tiêu chuẩn quốc tế để về đào tạo cho người lao động. Tới nay, số lao động được công ty tuyển dụng cho thị trường Mỹ đang học và chờ ngày phỏng vấn xin visa.
Tương tự đối với trường hợp 48 lao động mới được đưa sang Nga làm việc. Thực tế có không ít doanh nghiệp đã khởi động các chương trình đưa lao động sang Nga làm việc trong vài năm trở lại đây. Nhưng SIMCO lại lựa chọn một hợp đồng cung ứng với chủ sử dụng lao động là người Nga. “Vì vậy mới có chuyện ông chủ mua toàn bộ tiền vé máy bay cho người lao động, đỡ hẳn chi phí trước khi đi cho người lao động” - ông Tuấn giải thích.
Phải có tâm mới đứng được trong nghề
Trong giới xuất khẩu lao động, vị trí của các doanh nghiệp không hoàn toàn được khẳng định bởi số lượng lao động mà công ty đưa đi được hàng năm hay quy mô của doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp luôn đứng ở top 5 trong số hơn 140 doanh nghiệp đưa được nhiều lao động ra nước ngoài làm việc, nhưng những người trong nghề đều hiểu doanh nghiệp đó có được thành tích đó là nhờ “cho thuê giấy phép”. 1.200 lao động mà SIMCO đưa đi được trong năm nay cũng chỉ đủ để đưa họ vào top 15 nếu xét về tiêu chí số lượng lao động.
Ông Tuấn luôn quan niệm, đối với một doanh nghiệp xuất khẩu lao động, để xây dựng được thương hiệu có uy tín cần có 2 điều mấu chốt nhất là sự trung thực của nhân viên và cái tâm của người làm nghề.
Đối với doanh nghiệp xuất khẩu lao động thì tiêu chí sự trung thực của đội ngũ nhân viên được đặt lên rất cao. Thậm chí nó quyết định sự thành bại của mỗi doanh nghiệp. Nhân viên trung thực đồng nghĩa với phí môi giới thực không bị đẩy lên cao; người lao động không bị thu thêm tiền ngoài quy định của công ty. Đây là một trong những điểm mấu chốt để giải quyết nếu có rủi ro sau này. Suy cho cùng sự trung thực đó cũng xuất phát từ cái tâm với nghề, với người lao động. Quan điểm của ông Tuấn và SIMCO rất rõ ràng khi giải quyết các rủi ro nếu người lao động phải về nước trước hạn hay có bất cứ chuyện gì xảy ra với họ. Đó là cách chia sẻ rủi ro của doanh nghiệp với người lao động. “Doanh nghiệp chấp nhận bớt lãi một chút để hỗ trợ người lao động khi họ gặp phải rủi ro. Đối với người lao động, chỉ chục triệu đồng cũng đã là cả một gia tài” - ông Tuấn chia sẻ.
Đương nhiên khi được hỗ trợ ở mức chấp nhận được sẽ hạn chế được chuyện người lao động kiện cáo. Chính những nguyên tắc ứng xử xem ra có vẻ đơn giản như vậy đã giúp SIMCO đứng vững trong nghề và có được tiềm lực tài chính mạnh để nghĩ tới phương án phát triển sang các lĩnh vực kinh doanh khác, trong đó có lĩnh vực xây dựng, kinh doanh các khu công nghiệp.
(Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com