Dự thảo bộ luật Lao động sửa đổi đang lấy ý kiến các tổ chức, đoàn thể về một số điểm mới. Sài Gòn Tiếp Thị trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Cường (ảnh), vụ trưởng, giám đốc trung tâm Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động về một số điểm mới gây tranh cãi. Ông Cường cho biết:
Tôi có tham gia vào cuộc họp gần đây nhất về dự thảo bộ luật Lao động sửa đổi bổ sung, trong đó có đưa ra 11 điểm mới trong lần dự thảo này. Hiện nay những điểm mới vẫn còn đang trong quá trình tranh luận, chưa có kết luận cụ thể. Tất cả những điểm mới này hiện mới là gợi mở, nhưng quan điểm của tôi nên có quy định cụ thể rõ ràng ngay từ đầu để sau này tránh tình trạng lách luật.
Có ý kiến cho rằng việc nâng thời giờ làm thêm từ 200 giờ như hiện nay lên 300 giờ sẽ tạo điều kiện cho chủ sử dụng ép lao động làm quá sức?
Về nội dung tăng thời gian làm thêm giờ, tôi cho rằng có hai câu hỏi phải trả lời, thứ nhất đó là mức 300 giờ làm thêm là bắt buộc đối với người lao động hay đó chỉ là mức trần, người lao động thích làm thêm thì làm. Thứ hai, đây có phải chỉ là quy định mức trần không được vượt qua, giống như quy định mức lương tối thiểu. Còn làm thêm giờ bao nhiêu chỉ cần dưới 300 giờ tuỳ thuộc vào thoả thuận giữa người lao động và chủ sử dụng. Thậm chí tập thể của người lao động có quyền đứng ra đàm phán về số giờ làm thêm, ví dụ người lao động chỉ đồng ý làm thêm 100 giờ/năm, chưa đến mức 300 giờ/năm.
Theo ông việc tăng giờ làm thêm có thật sự cần thiết bởi nó sẽ gây nhiều phức tạp trong quan hệ lao động?
Vấn đề có cần thiết nâng mức thời giờ làm thêm lên hay không cần được trả lời từ một cuộc điều tra xã hội học, không cần quy mô điều tra phải lớn quá. Ví dụ như trong thực tế những doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động như ngành dệt may, da giày có sử dụng hết 200 giờ làm thêm trong một năm hay không. Nên có ý kiến trực tiếp của người lao động về chuyện này. Trên cơ sở đó mới quyết định có nên mở mức trần ra hay không. Bởi thực tế, việc tác động để nâng cao khả năng thương lượng của người lao động phải là một quá trình.
Như ông nói, đàm phán với chủ không dễ, bởi hiện tại thị trường lao động nước ta cung vẫn vượt cầu và tổ chức đại diện cho người lao động chưa nhiều và đủ mạnh?
Chính vì vậy tôi nghĩ, để người lao động không bị xử ép có thể nâng trần thời giờ làm thêm lên 300 giờ cũng sẽ không vấn đề gì nếu có thể tác động mạnh vào khả năng đàm phán của người lao động và tổ chức đại diện cho người lao động. Tuy nhiên, tăng mức thời giờ làm thêm, cần đưa ra các điều kiện đi kèm rõ ràng. Ví dụ như mức thời giờ làm thêm phụ thuộc vào thoả thuận của người lao động và chủ trong từng thời kỳ. Khi người lao động không đồng ý với mức thời giờ làm thêm đó, chủ sử dụng cũng không được phép sa thải. Nếu chủ sử dụng nhất quyết sa thải lao động thì đại diện tổ chức công đoàn có ý kiến như thế nào với việc sa thải đó…
Vấn đề gây tranh cãi nhất hiện nay là việc người lao động được quyền bầu ra người đại diện cho mình ở những doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?
Nếu đưa ra một hình thức đại diện mới cho người lao động thì phải đưa ra một cơ chế chặt chẽ, người chịu trách nhiệm là ai, cá nhân hay tập thể? Nếu đạt được thoả thuận với chủ sử dụng lao động thì ai là người sẽ thực hiện? Tôi cho rằng trong trường hợp có tranh chấp lao động, một tập thể được thành lập ngay lập tức, có người đại diện trong những doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn cơ sở cũng có thể được phép nhưng phải có điều kiện, đó là sự bảo lãnh của công đoàn cấp trên. Tất cả các điều khoản mới được sửa đổi trong bộ luật Lao động có đưa ra cũng nên đi kèm với các điều kiện và các phương án giải quyết cụ thể, không thể nói chung chung.
( Theo Tây Giang // SGTT Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com