Thị trường Nga mới tiếp nhận trở lại lao động VN từ giữa năm 2008 nhưng gần đây, đã có nhiều lao động phải về nước trước hạn. Điều này đang gây nhiều bức xúc cho các lao động bởi cách làm việc của DN.
Phần nhiều trong số họ đều phải đối mặt với cuộc sống khác hẳn so với những gì DN cam kết trước khi xuất cảnh: cuộc sống bấp bênh, việc làm không có hoặc không ổn định, lương thấp...
Nhiều lao động xin về
Mới đây nhất, 36 lao động của Trung tâm hợp tác lao động với nước ngoài (TCty Thép VN) đưa sang Nga làm việc trong ngành xây dựng đã bị Cty tại Nga là Cty TNHH APC đơn phương chấm dứt hợp đồng. Cty lấy lý do là lao động không tuân thủ hợp đồng, còn đại điện cho 36 lao động - anh Nguyễn Hùng Vỹ cho biết: Sau 3 tháng làm việc cật lực (từ tháng 2 đến tháng 4) chúng tôi nhận được 1.500 USD tiền lương nhưng bị trừ tiền phạt tháng 1 theo đại diện APC, do chúng tôi đã làm hỏng công trình xây dựng biệt thự 5022 là 1.143 USD, nên sau 5 tháng tôi chỉ còn lại... 67 USD".
Lao động được nhận sang làm việc trong ngành xây dựng nhưng 36 lao động tại Nga đều không được đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ và kỹ năng sống trong môi trường nước ngoài. Ông Đặng Văn Việt - Giám đốc Trung tâm hợp tác lao động với nước ngoài (TCty Thép VN) cũng đã thừa nhận thiếu sót này. Chính những "thiếu sót" đã dẫn đến hậu quả 36 lao động bị Cty APC qua mặt và ép lao động vào đường cùng. Trong đó, theo đơn hồ sơ lao động gửi về nước có những biên bản xử phạt về các lỗi không đúng quy định như phân công dọn rác mà không thực hiện. Lỗi lớn hơn là khi tham gia làm việc tại công trường, cứ hoàn thành xong công việc là lao động về trước thời gian cho phép. Tất cả những sai phạm quy định này, phía APC đều lập biên bản, có một số lỗi bị phạt tiền khá nặng so với mức lương của công nhân. Trước đó không lâu, hơn 40 lao động VN hiện đang cư trú tại tỉnh Stavraponski (Liên bang Nga) do Cty Đào tạo và cung ứng nhân lực quốc tế Nosco - IMAST đưa đi từ tháng 2/2009 với hợp đồng lao động 3 năm với tổng chi phí trước khi đi là 3.000 USD. Tuy nhiên, trong lá đơn gửi về, anh Trịnh Văn Mão (Yên Thái, Yên Mô, Ninh Bình) viết: "Hợp đồng chúng tôi ký kết với Cty Nosco là làm việc trọng nhà máy nhưng khi sang chúng tôi phải đi hót rác, dọn vệ sinh, trồng nho... Hợp đồng giữa chúng tôi và Cty Hà Nội (chủ sử dụng lao động) cũng chưa được ký kết. Tiền lương chúng tôi cũng chưa được nhận mặc dù chúng tôi đã làm việc được 2 tháng".
Hiện nay, đại diện của Trung tâm hợp tác lao động với nước ngoài (TCty Thép VN) và Cty Nosco đang tìm hiểu và giải quyết vụ việc, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Đây cũng chỉ là hai trong nhiều câu chuyện tương tự đã xảy ra. Từ đầu năm 2009 đến nay, 67 lao động phải về trước hạn của Cty Sovilaco, 31 lao động của Cty Airseco, 5 lao động của Cty Viglacera, 16 lao động của Cty Vietcom, 7 lao động của Cty Vinatex-LC... Tất cả họ khi được đưa sang Nga làm việc đều đối mặt với thực tế: thiếu việc làm, không tiền lương, điều kiện sống tồi tệ và buộc phải về nước.
Cảnh báo rủi ro
Trên thực tế hầu hết các hợp đồng trên đều đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) thẩm định và đồng ý cho đưa lao động đi. Tuy nhiên, điều này cũng không có nghĩa là đã tránh được những vẫn rủi ro. Một môtíp chung được rút ra từ các trường hợp trên là lao động được đi với visa ngắn hạn, sang đến nơi trong điều kiện khủng hoảng kinh tế tác động nên thiếu việc làm hoặc phải làm những việc không đúng theo hợp đồng đã được ký kết, lương thấp hơn cam kết, điều kiện sống không đảm bảo khiến người lao động phải chấp nhận về nước trước thời hạn. Không nhiều DN chịu thiệt về mình, thanh lý với phương án có lợi cho người lao động.
Trả lời báo chí mới đây, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết từ cuối năm 2008 tới nay có những hợp đồng cung ứng lao động sang Nga đã được thẩm định nhưng vẫn rủi ro. "Tại thời điểm thẩm định thì hợp đồng đó vẫn có thể thực hiện được nhưng do khủng hoảng kinh tế, chỉ vài tháng sau đó lúc DN đưa lao động đi thì chủ sử dụng lao động đã rất khó khăn. Nếu DN không kiểm tra lại mà vẫn đưa lao động đi thì phải chịu trách nhiệm" - ông Quỳnh khẳng định.
Hiện tại tuy không ban hành văn bản nhưng Cục này đã tạm dừng thẩm định các hợp đồng cung ứng lao động sang Nga. Ngay cả những hợp đồng đã thẩm định từ cuối năm 2008 nhưng DN chưa đưa lao động đi thì cũng phải tạm dừng lại. "DN nào muốn thực hiện hợp đồng thì phải có ý kiến từ đại sứ quán nước ta tại Nga khẳng định hợp đồng vẫn ổn và điều kiện ăn ở của người lao động tốt mới được đưa lao động đi" - ông Quỳnh cho biết.
(Theo Việt Hải // Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com