Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có công văn hướng dẫn các ngân hàng thương mại (NHTM), quỹ tín dụng nhân dân và 9 công ty tài chính, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất.
Theo đó, để thống nhất quy trình xử lý và hạch toán hỗ trợ lãi suất, tạo điều kiện cho việc lập báo cáo, quyết toán và kiểm tra, kiểm toán đối với các khoản cho vay được hỗ trợ lãi suất, NHNN hướng dẫn các tổ chức tín dụng nêu trên được phép cho vay hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Thông tư 02/2009/TT-NHNN, Thông tư 05/2009/TT-NHNN và Thông tư 09/2009/TT-NHNN về nguyên tắc chung trong hạch toán hỗ trợ lãi suất.
Ngân hàng và các công ty tài chính thực hiện việc tính và hạch toán lãi cho vay đối với các khoản vay được hỗ trợ lãi suất theo quy định hiện hành về phương pháp tính và hạch toán thu, trả lãi của NHNN và các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, khi thu lãi cho vay, NHTM và công ty tài chính giảm trừ ngay số tiền lãi phải trả cho khách hàng vay bằng với số lãi tiền vay được hỗ trợ lãi suất theo quy định. Song NHTM và công ty tài chính phải có bảng kê hoặc cơ sở dữ liệu có thể in ra được, để phục vụ việc lập các mẫu biểu báo cáo theo quy định tại Thông tư 02/2009/TT-NHNN, Thông tư 05/2009/TT-NHNN và Thông tư 09/2009/TT-NHNN, quyết toán số tiền hỗ trợ lãi suất và kiểm tra, kiểm toán theo quy định.
Công văn trên cũng quy định chi tiết về tài khoản sử dụng và phương pháp hạch toán kế toán với nội dung hạch toán lãi cho vay phải thu của khách hàng, hạch toán khi thu lãi cho vay, hạch toán khi nhận được chuyển tiền hỗ trợ lãi suất, thu hồi và hoàn trả số tiền đã hỗ trợ lãi suất không đúng quy định của pháp luật, quyết toán số tiền hỗ trợ lãi suất.
Đối với VDB, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý chuyển cấp số tiền hỗ trợ lãi suất, quyết toán hỗ trợ lãi suất và kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan chức năng đối với việc hỗ trợ lãi suất do VDB thực hiện, NHNN yêu cầu VDB chủ động đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn hạch toán hỗ trợ lãi suất theo Thông tư số 05 hoặc tự ban hành hướng dẫn thực hiện.
Sau gần 6 tháng triển khai chương trình cho vay VND hỗ trợ lãi suất ngắn hạn, đến nay các ngân hàng cho biết, tốc độ dư nợ tăng trưởng rõ nét. Cụ thể, với ABbank, dư nợ tín dụng đạt 8.057 tỷ đồng sau 5 tháng hoạt động đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất ngắn hạn VND đạt 1.761 tỷ đồng và khoản vay trung, dài hạn đạt 32 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất của ABbank tăng thêm 24% so với đầu năm 2009.
Eximbank cho biết, so với cuối năm trước, tốc độ tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng 5 tháng đầu năm nay đạt 40% so với đầu năm. Trong 9.000 tỷ đồng dư nợ tăng trưởng trong 5 tháng đầu năm của Eximbank, có khoảng 6.000 tỷ đồng là vốn triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất.
Theo các ngân hàng, trong quá trình phát triển tín dụng 5 tháng đầu năm 2009, nguồn vốn cho vay chủ yếu rơi vào chương trình hỗ trợ lãi suất 4%/năm. Song theo ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank, Ngân hàng cũng rất thận trọng trong việc chọn lọc đối tượng để cung ứng vốn được hỗ trợ lãi suất, nhằm hạn chế rủi ro khi chọn nhầm đối tượng. Lý do là khi đến hạn hạch toán, nếu ngân hàng nào cho vay sai đối tượng và nguồn vốn hỗ trợ lãi suất không chảy vào đúng mục đích, trách nhiệm sẽ được quy về cho ngân hàng và và họ khó nhận được mức lãi suất hỗ trợ từ NHNN.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP.HCM cũng cho biết, các gói kích cầu dần phát huy tác dụng và nhu cầu doanh nghiệp vay vốn giá rẻ gia tăng, song không phải vì thế mà các ngân hàng ồ ạt cho vay. Ngược lại, quy trình kiểm soát, kiểm tra ngày một chặt chẽ hơn, đặc biệt là với gói vốn hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn. Đồng thời, các ngân hàng phải kiểm soát chặt mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp.
(Theo Vân Linh // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com