Theo TS Lê Xuân Nghĩa- Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, mặt bằng lãi suất sẽ còn tiếp tục giảm với biên độ giảm thêm ít nhất 0,5%/năm trong tháng 5 này và sẽ giữ ở mức ổn định từ 12-13,5% đối với các doanh nghiệp.
Giảm lãi suất cho vay là tất yếu
Thời gian trước, Công ty CP Thép Việt chủ yếu vay vốn ngân hàng bằng USD, vì lãi suất cho vay thỏa thuận bằng VND cao hơn nhiều so với lãi suất cho vay USD. Theo ông Đỗ Duy Thái - Chủ tịch HĐQT, công ty của ông chỉ tính đến việc vay vốn VND khi lãi suất thỏa thuận bằng VND giảm.
Thực tế từ đầu năm, một số doanh nghiệp cần tiền đã phải vay VND với lãi suất lên tới 18%, thậm chí 20%, thông qua các hình thức thu phí hoặc qua hợp đồng quản lý tài sản... Tăng trưởng tín dụng nội tệ đạt thấp do nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chuyển sang vay USD rồi bán lấy VND, tính ra vẫn còn rẻ hơn vay trực tiếp bằng VND.
Cũng vì thế trong 4 tháng đầu năm nay, tín dụng ngoại tệ tăng rất nhanh. Chỉ trong 4 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của hệ thống NHTM vào khoảng 4%, trong đó tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tiếp tục tăng nhanh từ 14% trong tháng 3 tăng lên 17%, trong khi tăng trưởng tín dụng nội tệ chỉ ở mức 0,9%. Theo TS Lê Xuân Nghĩa - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tăng trưởng tín dụng nội tệ chưa mạnh vì doanh nghiệp vẫn chê lãi suất cho vay nội tệ còn cao, họ vẫn chuộng vay ngoại tệ hơn.
Giờ đây, các ngân hàng lại đang rơi vào tình trạng "ứ đọng" vốn, do lượng tiền gửi vào ngân hàng đang có xu hướng tăng trở lại, đặc biệt là tiền gửi thanh toán của các tổ chức kinh tế. Vì vậy, các NHTM tìm cách tiêu vốn nội tệ bằng cách mua trái phiếu của Chính phủ, hoặc của các công ty phát hành, và chủ động giảm lãi suất cho vay thỏa thuận. Mặt khác, chỉ số lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát nên Ngân hàng Nhà nước cũng mạnh tay can thiệp để dòng vốn được “hanh thông”, thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.
Như vậy, các ngân hàng thương mại và Ngân hàng nhà nước cùng có chung mục tiêu, nên các chuyên gia kinh tế đều cho rằng “giảm lãi suất cho vay là tất yếu”.
Đồng thuận giảm
Tại buổi làm việc với Thống đốc Nguyễn Văn Giàu ngày 27/4, các ngân hàng thương mại nhà nước đã đồng thuận từ ngày 1/5 giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1%/năm, đồng thời áp dụng mức lãi suất cho vay VND tối đa là 13%/năm đối với khoản vay để sản xuất nông-lâm-ngư-diêm nghiệp; doanh nghiệp xuất khẩu và của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các ngân hàng cũng nhất trí thực hiện giảm mặt bằng lãi suất huy động VND trên cơ sở thực hiện các biện pháp: áp dụng lãi suất huy động theo đồng thuận giữa các thành viên của Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) xoay quanh mức 11,5%/năm, và cam kết không thực hiện các hình thức khuyến mãi thiếu minh bạch, để cạnh tranh lành mạnh.
Thực tế những ngày gần đây hàng loạt các NHTM đã công bố giảm lãi suất cho vay thỏa thuận với mức giảm khá lớn. Tuy nhiên, lãi suất vẫn còn khá cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp, vì vậy nhiều doanh nghiệp tiếp tục chờ đợi lãi suất tiếp tục giảm.
Theo nhiều chuyên gia, sự kỳ vọng lãi suất tiếp tục giảm là hoàn toàn có cơ sở, vì đến nay nguồn thu nhập chính của các ngân hàng vẫn là tín dụng, nhất là khi các mảng kinh doanh vàng, ngoại tệ không còn cơ hội kiếm lời lớn. Vì vậy, muốn tăng nguồn thu từ hoạt động tín dụng đòi hỏi các ngân hàng sẽ phải giảm lãi suất cho vay hơn nữa để thu hút khách hàng vay vốn. Hiện nay, một số ngân hàng cho biết sẽ tiếp tục giảm lãi suất đối với khối khách hàng doanh nghiệp.
Ngày 6/5, NHTMCP An Bình cho biết, đang triển khai cho vay doanh nghiệp ở mức lãi suất chỉ còn từ 13,5 - 14,5%/năm. Đối với khách hàng tốt, lãi suất có thể còn 13%/năm.
Hiện tại, Ngân hàng BIDV công bố lãi suất cho vay thoả thuận ngắn hạn đối với các khoản vay hay dự án phục vụ sản xuất kinh doanh chỉ còn tối đa 13%/năm. Riêng cho vay tài trợ hàng xuất khẩu, phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn, và thu mua chế biến nông - thuỷ sản, gỗ, cà phê, cao su với kỳ hạn đến 6 tháng đối với các khách hàng nhóm A trở lên, lãi suất tối đa giảm thêm 0,5%/năm xuống còn 12,5%/năm.
Sẽ tiếp tục giảm
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, mặt bằng lãi suất sẽ còn tiếp tục giảm với biên độ giảm thêm ít nhất 0,5%/năm trong tháng 5 này và sẽ giữ ở mức ổn định từ 12-13,5% đối với các doanh nghiệp.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho rằng, nếu so sánh với mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 7% thì lãi suất huy động hiện nay vẫn còn ở mức cao và có thể giảm tiếp trong thời gian tới.
Hiện nay, bình quân 1 tháng tăng trưởng tín dụng khoảng 1% nhưng trong tháng 5 khả năng tăng trưởng tín dụng nhanh hơn, có thể tăng 2%. Bởi lẽ, tháng 5 bao giờ cũng là tháng hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng nhiều hơn, nhu cầu vay tín dụng của doanh nghiệp sẽ cao hơn.
Thực tế, nền kinh tế đang cần nhiều vốn giá rẻ và hiện nay còn nhiều doanh nghiệp vẫn đang thiếu vốn.
Thêm vào đó, ngày 7/5 vừa qua, Chính phủ tiếp tục yêu cầu “Ngân hàng nhà nước có biện pháp phù hợp để khẩn trương hạ lãi suất huy động xuống khoảng 10% và lãi suất cho vay khoảng 12% và điều hành tỷ giá ở mức hợp lý. Tăng tính thanh khoản cho nền kinh tế thông qua việc tăng tổng phương tiện thanh toán và tổng dư nợ tín dụng”.
Như vậy, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể kỳ vọng lãi suất huy động và cho vay VND có thể tiếp tục giảm thêm trong thời gian tới.
Những tín hiệu tích cực
Trả lời báo chí mới đây, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến khẳng định sự đồng thuận, nhất trí của các ngân hàng thương mại trong việc giảm mặt bằng lãi suất xuống đã giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận được nguồn vốn dễ dàng và với chi phí thấp hơn, qua đó đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh.
Phó Thống đốc nhận định: “Hiện lãi suất được kéo giảm xuống là điều đáng mừng, làm giảm chi phí vay vốn, giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận được vốn dễ dàng hơn, đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh. Lãi suất đối với một số lĩnh vực ưu tiên đã được giảm. Đây là một nỗ lực lớn của ngành Ngân hàng trong thời gian qua. Các NHTM đã đạt được sự thống nhất, tuân thủ sự điều hành của Chính phủ và sự chỉ đạo của NHNN. Nỗ lực của ngành Ngân hàng là yếu tố tích cực cho tăng trưởng kinh tế”.
Trước những động thái, trên thị trường chứng khoán - thước đo sức khoẻ nền kinh tế, cũng đã có ngay những phản ứng tích cực. Lượng tiền lưu chuyển trên cả hai sàn trong tuần qua đạt bình quân trên 5.000 tỷ đồng. Không sợ hãi hay do dự trước làn sóng xả hàng ào ạt cũng như sự chao đảo từ thị trường thế giới, nhà đầu tư tiếp tục đổ xô đi mua chứng khoán khiến thanh khoản tuần đầu tiên tháng 5 ấn tượng nhất từ trước đến nay.
Trước đó trong suốt tháng 4, giao dịch trên HOSE nhiều nhất cũng chỉ hơn 70 triệu cổ phiếu, còn phần lớn dao động 40-60 triệu một phiên. Diễn biến hai tháng đầu năm càng hiu hắt hơn, khi cả người mua lẫn bán đều không thiết tha giao dịch. Bước sang tháng 5 này, giao dịch bắt đầu tăng ổn định ở mức 80 triệu chứng khoán trong ba ngày đầu tuần, và sàn HOSE đạt đỉnh điểm trong ngày 7/5 khi đạt trên 112,4 triệu chứng khoán, phá vỡ kỷ lục xác lập hồi tháng 10 năm ngoái. Một số mã có giá trị vốn hóa lớn hồi phục, nhất là cổ phiếu tài chính ngân hàng, bởi thanh khoản trong hệ thống ngân hàng ổn định trở lại.
Có lẽ những doanh nghiệp có nhu cầu vay tiền VND như Công ty CP Thép Việt của ông Thái sẽ không còn phải chờ lâu nữa để thỏa mãn cơn khát vốn cho sản xuất./.
(VOV)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com