Kinh doanh trên sàn vàng là xu hướng tất yếu, nếu quản lý tốt sẽ mang lại nhiều lợi ích. Ở nước ta, hoạt động và tổ chức của một số sàn vàng hiện còn có điểm chưa hoàn thiện, nhưng đó không phải là lý do để cấm đoán.
Hoạt động kinh doanh luôn song hành với rủi ro, đặc biệt là kinh doanh trên sàn vàng, khi sử dụng đòn bẩy tài chính lên tới gấp hơn 14 lần số vốn tự có. Xuất phát từ thực tế có một bộ phận nhà đầu tư bị thua lỗ, do nhiều nguyên nhân khác nhau đã xuất hiện một số quan điểm tiêu cực về vai trò của sàn vàng.
Những người tiêu cực nhất coi hoạt động của sàn vàng là không hợp pháp, hoạt động đầu tư trên sàn vàng mang tính chất cờ bạc và kiến nghị Nhà nước cần đóng cửa các sàn vàng. Những người ôn hoà hơn đánh giá các sàn vàng hiện nay hoạt động không minh bạch và kiến nghị Nhà nước cần siết chặt quản lý.
Nguyên lý hoạt động của sàn vàng
Có thể hình dung sàn giao dịch vàng là một cái chợ, thông qua đó người mua và người bán, hay nói cách khác cung và cầu về vàng gặp gỡ nhau và quyết định mức giá cũng như khối lượng giao dịch. Giống như giao dịch chứng khoán, người mua đưa ra khối lượng vàng cùng với mức giá muốn mua, trong khi người bán đưa ra khối lượng vàng cùng mức giá muốn bán. Lệnh của bên mua sẽ được khớp với lệnh của bên bán theo thứ tự ưu tiên giống như khớp lệnh chứng khoán: giá, thời gian, khối lượng.
Mỗi sàn vàng có những ngân hàng phục vụ, thực hiện việc quản lý tiền, vàng của nhà đầu tư, đồng thời cung cấp tín dụng bằng tiền/vàng cho nhà đầu tư. Ở tỷ lệ ký quỹ 7% được phần lớn các sàn vàng áp dụng hiện nay, để mua vàng nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra 7% số tiền, còn ngân hàng phục vụ cho vay 93% số tiền cần thiết. Tương tự để bán vàng, nhà đầu tư chỉ cần có 7% số vàng, còn ngân hàng phục vụ cho vay 93% số vàng cần thiết để bán. Số vàng nhà đầu tư có được sau khi mua/hay số tiền nhà đầu tư có được sau khi bán vàng sẽ bị ngân hàng phục vụ phong toả để bảo lãnh cho khoản vay, và chỉ được giải ngân khi nhà đầu tư đã hoàn trả nợ gốc, lãi và các khoản phí (nếu có) cho ngân hàng.
Lợi ích của nhà đầu tư
Cách nhìn nhận lợi ích của sàn vàng đối với nhà đầu tư đôi khi còn khá nhạy cảm. Không thể phủ nhận thực tế có một số sàn còn có những điểm chưa được hoàn toàn minh bạch, cơ sở vật chất nhất là về công nghệ chưa hoàn thiện... dẫn tới thua thiệt cho một số nhà đầu tư. Nhưng nếu lấy khiếm khuyết của một số sàn vàng này để nhận định hoạt động đầu tư trên sàn vàng mang tính cờ bạc và cần cấm loại hình kinh doanh sàn vàng thì đây là một cách nhìn chưa toàn diện.
Nhìn tổng thể, giống như bất kỳ một ngành nghề kinh doanh nào khác, nếu nhà đầu tư có khả năng tốt trong việc phán đoán xu hướng biến động của giá vàng thì có thể kinh doanh có lãi trên sàn vàng, và tại sao chúng ta lại có quyền tước đoạt cơ hội kinh doanh này của họ?
Với đòn bẩy tài chính thông qua vay nợ tín dụng 93% từ ngân hàng, nhà đầu tư có cơ hội nhân lãi đầu tư lên gấp hơn 14 lần so với phương pháp đầu tư thông thường, và điều này thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Hơn nữa, vàng là mặt hàng có tính quốc tế hoá rất cao, di chuyển nhanh chóng từ nước này sang nước khác nếu có sự khác biệt đáng kể về giá.
Chính sự di chuyển nhanh chóng này mang lại khả năng cả người mua và người bán vàng trong nước đều ở trong thế “win-win”, chứ không nhất thiết là có người thắng thì phải có người khác thua. Hiện nay, Sàn vàng của Công ty cổ phần Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam (VGB) đã đi đầu, và một số sàn khác đang hướng tới việc thực hiện giao dịch hợp đồng kỳ hạn và tương lai.
Nghiệp vụ này giúp cho nhiều người, không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp, bảo hiểm rủi ro do giá vàng dao động gây ra, và đây là một lợi ích hết sức to lớn. Ví dụ, một người biết một tuần sau sẽ cần giao 100 lượng vàng để mua nhà, người này có thể mua kỳ hạn 7 ngày ngay hôm nay số vàng này, để tránh rủi ro sau một tuần nữa giá vàng sẽ tăng lên rất cao. Ngược lại, người bán nhà biết rằng, sau một tuần sẽ nhận được 100 lượng vàng bán nhà, người này có thể bán kỳ hạn 7 ngày ngay hôm nay, tránh rủi ro sau một tuần nữa giá vàng sẽ sụt giảm mạnh. Mua và bán kỳ hạn như vậy là một nhu cầu chính đáng và thiết thực đối với bất kể ai vốn không yêu thích rủi ro (risk averse).
Một số nhận định cho rằng, hoạt động của các sàn vàng là không hợp pháp vì tất cả các sàn vàng này đều ra đời mà chưa có giấy phép và luật pháp Việt Nam, chưa có bất cứ hoạt động nào cho phép bán khống. Hai lý do này không đủ sức thuyết phục, vì pháp luật thừa nhận quyền tự do làm những việc mà pháp luật không cấm. Hiện nay, Nhà nước chưa có quy định hay hướng dẫn nào liên quan tới thủ tục thành lập sàn vàng. Liên quan tới khái niệm “bán khống” trên sàn vàng cũng cần xem xét lại.
Theo Bộ luật Dân sự, một người có quyền định đoạt một tài sản nào đó khi họ có quyền sở hữu đối với tài sản đó. Nếu vậy, một nhà đầu tư có 7 lượng vàng, sau khi vay thêm ngân hàng phục vụ 93 lượng, nhà đầu tư đã sở hữu đủ để bán 100 lượng vàng trên sàn vàng. Như vậy, nếu hoạt động tín dụng vàng đã được luật pháp thừa nhận, thì không nhất thiết phải hiểu là nhà đầu tư đã “bán khống” trong trường hợp này.
Sự can thiệp của Nhà nước
Vàng là mặt hàng đặc biệt. Giao dịch vàng thường có giá trị rất cao, trực tiếp ảnh hưởng mạnh tới kinh tế của các nhà đầu tư, qua đó ảnh hưởng tới sự ổn định xã hội nói chung, nên sự can thiệp của Nhà nước là cần thiết. Hiện trạng tổ chức của các sàn vàng hiện nay gợi ý một số định hướng can thiệp phù hợp của Nhà nước.
Có sàn vàng không chỉ thực hiện môi giới, mà còn trực tiếp giao dịch kinh doanh trên chính sàn vàng của mình. Khi có lệnh tốt, đó là những lệnh mua với giá cao hay lệnh bán với giá thấp của nhà đầu tư, sàn vàng chủ động khớp với lệnh của mình trước, và chỉ dành những lệnh còn lại kém hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư khác.
Với việc tham gia kinh doanh kiểu này, sàn vàng đã tước mất nhiều cơ hội kiếm lãi của các nhà đầu tư khác mà các nhà đầu tư không nhìn thấy được. Đây là kiểu kinh doanh vừa đá bóng, vừa thổi còi, không sòng phẳng, và rõ ràng Nhà nước cần nghiêm cấm.
Phần lớn các sàn vàng có tư cách pháp nhân riêng, hoàn toàn độc lập với ngân hàng phục vụ. Tuy nhiên, cũng có sàn vàng do chính ngân hàng (phục vụ) đứng ra tổ chức, đẩy khách hàng vào thế yếu. Ví dụ, đối với các sàn vàng có tư cách pháp nhân riêng, khi có tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư thì có thể hoà giải, nếu không được thì phải xử lý theo quy định của hợp đồng ký giữa sàn vàng và nhà đầu tư.
Nhưng đối với các sàn “hai trong một” do chính các ngân hàng lập ra, khi có phát sinh mâu thuẫn như vậy, ngân hàng là người lưu ký tiền và vàng của khách hàng, nên có thể trực tiếp xử lý tiền và vàng của nhà đầu tư dù nhà đầu tư không muốn. Không nhất thiết và không hợp lý nếu cấm các ngân hàng trực tiếp mở sàn vàng, nhưng Nhà nước cần nghiên cứu biện pháp để bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư trong trường hợp này. Ít nhất cũng cần tuyên truyền để nhà đầu tư nhận biết rủi ro khi kinh doanh trên những sàn vàng như vậy trước khi quyết định có tham gia hay không.
Nhiều trường hợp khi giá vàng đang dao động mạnh thì xảy ra hiện tượng “sập sàn”, dù với lý do khách quan hay chủ quan thì cũng gây tổn thất to lớn cho nhà đầu tư. Vì vậy, kiểm soát của nhà nước đối với độ tin cậy của công nghệ là cần thiết. Một số sàn vàng hiện chủ động “cài” trong hợp đồng mẫu rằng sẽ không chịu trách nhiệm đối với tổn thất của nhà đầu tư khi xảy ra hiện tượng sập sàn.
Vẫn biết rằng, không có gì là hoàn hảo, tuy nhiên phủi sạch trách nhiệm như thế là chưa sòng phẳng trong kinh doanh. Nhà nước cần quy định để giám sát chặt chẽ hiện tượng “sập sàn”, đặc biệt là “sập sàn” có ý, để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Với số lượng nhiều nhà đầu tư trên mỗi sàn vàng, khi xảy ra sự cố, tranh chấp giữa sàn vàng với tập hợp các nhà đầu tư có thể lên tới một số tiền rất lớn, lớn gấp nhiều lần số vốn cần có để đầu tư xây dựng một sàn vàng. Vì vậy, quy định về vốn pháp định đối với sàn vàng, đảm bảo sàn vàng có đủ năng lực tài chính để xử lý các tranh chấp, là một vấn đề nữa mà pháp luật cần quan tâm.
(Theo Đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com