Hiệu quả đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) bằng nguồn vốn nhà nước được tăng lên, do các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này không còn tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, nội dung quản lý.Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư XDCB sử dụng vốn nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương từ năm 2005 đến năm 2007 trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Võ Hồng Phúc cho biết, thực hiện
Nghị quyết 36/2004 của Quốc hội về công tác đầu tư XDCB sử dụng vốn nhà nước, từ năm 2005 đến nay, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, chống lãng phí, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, nợ tồn đọng trong đầu tư XDCB.
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng, các luật liên quan đến nội dung này như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn mặc dù mới được ban hành, nhưng đã nhanh chóng đi vào cuộc sống.
“Hoạt động đầu tư trong nước và nước ngoài đã có những chuyển biến; hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp đã được điều chỉnh bởi cùng một luật; công tác đấu thầu được quản lý bằng luật thay vì quản lý bằng văn bản ở dạng Nghị định, nên đã hạn chế dần tính khép kín trong hoạt động đầu tư, tính công khai, minh bạch được thể hiện đầy đủ hơn”, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nhấn mạnh.
Kết quả của việc xây dựng, ban hành đầy đủ, đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật trong 3 năm qua là đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước, đã phát huy vai trò rất quan trọng. Mặc dù nguồn vốn ngân sách chỉ chiếm khoảng 20 - 22% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, nhưng đã đóng góp vai trò quan trọng nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn ODA, vốn dân cư và tư nhân.
“Nhờ thu hút được các nguồn vốn ngoài xã hội, nên việc bố trí vốn ngân sách trong những năm qua đã được đầu tư theo hướng tập trung hơn cho các công trình trọng điểm, công trình có sức lan toả cao, khắc phục từng bước tình trạng đầu tư dàn đều, phân tán nguồn lực”, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định.
Theo số liệu của Bộ KHĐT, nếu như năm 2005, vốn bình quân của một dự án nhóm A mới đạt 97 tỷ đồng, thì đến năm 2007 đã lên đến 207 tỷ đồng, chưa kể 741 dự án nhóm B và 1.523 dự án nhóm C cũng được phân bổ vốn tập trung với số tiền lên tới trên 14.377 tỷ đồng.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong 3 năm qua tỷ lệ giải ngân vốn XDCB đạt 121% kế hoạch vốn do nguồn vốn nước ngoài giải ngân vượt kế hoạch, hiện đã có 200/307 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động.
Còn theo số liệu của Bộ Giao thông - Vận tải, mặc dù hầu hết các dự án đều chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân đạt thấp, nhưng nhờ được tập trung nguồn vốn nên năng lực của ngành giao thông đã được nâng lên đáng kể; nhiều dự án giao thông quan trọng đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng, trong đó có Dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 góp phần nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế.
Còn tại các địa phương, theo Báo cáo tổng hợp của Bộ KHĐT, việc bố trí vốn đầu tư XDCB đã được tập trung cho các mục tiêu quan trọng; tỷ trọng và cơ cấu vốn đầu tư bố trí cho các dự án ở nhiều tỉnh gần đây có xu hướng tăng lên. “Năm 2008 các địa phương tiếp tục dành trên 3.900 tỷ đồng, chiếm 6,4% lượng vốn để thanh toán nợ cho hơn 1.450 công trình XDCB đã hoàn thành. Đây là một cố gắng rất lớn của các địa phương, nhờ đó, tình hình nợ đọng XDCB đã bớt căng thẳng”, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nhấn mạnh.
Mặc dù công tác quản lý hoạt động đầu tư XDCB bằng nguồn vốn nhà nước thời gian qua đã có chuyển biến đáng kể, tuy nhiên theo Bộ trường Võ Hồng Phúc công tác này vẫn còn những yếu kém làm giảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Trong đó nổi bật nhất là thủ tục đầu tư vẫn còn rườm rà, phức tạp, mất nhiều thời gian làm chậm tiến độ thực hiện dự án; thất thoát, lãng phí chưa được khắc phục triệt để; đầu tư thiếu đồng bộ, tiến độ kéo dài nên dự án phải điều chỉnh nhiều lần làm tăng tổng mức đầu tư và gây bị động trong khâu cân đối kế hoạch hàng năm…
Để nâng cao hiệu quả đầu tư XDCB, Bộ KHĐT đã đề xuất 7 giải pháp, trong đó có việc nghiên cứu xây dựng pháp luật về tham gia của khu vực kinh tế tư nhân vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hình thức kết hợp giữa Nhà nước và tư nhân; đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp trong ngành xây dựng; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng đối với các công trình mang tính dịch vụ xã hội…
( Cổng thông tin kinh tế )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com