Để có thể khởi công Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai vào cuối quý IV/2008, Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) phải lựa chọn được các nhà thầu có đủ năng lực để trao thầu và phải cơ bản hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng trước ngày khởi công.
Lựa chọn nhà thầu tốt nhất để trao thầuTheo các chuyên gia, dễ dàng nhận ra 2 điểm khác biệt trong phương thức huy động vốn tại Dự án xây dựng Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai so với tất cả các dự án xây dựng hạ tầng khác đã từng triển khai tại Việt Nam.
Thứ nhất, tại dự án này, 100% vốn do VEC tự huy động, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Tất cả vốn của Dự án dù được huy động dưới hình thức phát hành trái phiếu hay vay lại vốn tín dụng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), VEC đều phải có trách nhiệm hoàn trả đầy đủ cho Chính phủ và các nhà đầu tư tài chính.
Thứ hai, trong số 1.249 triệu USD tổng vốn đầu tư của Dự án, ngoại trừ khoản vay ưu đãi trị giá 200 triệu USD dự kiến được ADB cho vay, với lãi suất 1%/năm trong 8 năm đầu và 1,5%/năm cho 24 năm tiếp theo, tất cả các khoản vay còn lại VEC đều phải trả với mức lãi suất vay thương mại. Trong đó, 896 triệu USD sẽ được Chính phủ cho vay lại từ ADB, với lãi suất 5,83%/năm; 153 triệu USD còn lại sẽ được huy động bằng hình thức phát hành trái phiếu công trình có bảo lãnh của Chính phủ, với lãi suất 16%/năm.
Với phương thức huy động vốn và mức lãi suất kể trên, sức ép đối với VEC trong việc giảm thiểu rủi ro trong quá trình triển khai để đảm bảo hiệu quả kinh tế cho Dự án là rất lớn. Được biết, sau khi có được cam kết tài trợ vốn của ADB và việc phát hành thành công 500 tỷ đồng trái phiếu công trình phục vụ công tác giải phóng mặt bằng hồi cuối tháng 8/2008, hai thách thức lớn nhất đối với VEC là việc phải tìm được các nhà thầu có đủ năng lực để trao thầu và phải cơ bản hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng trước khi khởi công Dự án.
Sau khi được Bộ Giao thông - Vận tải và ADB chấp thuận đề xuất phương thức lựa chọn nhà thầu theo hình thức cạnh tranh quốc tế có vòng sơ tuyển (ICB) và kế hoạch đấu thầu, giữa tháng 8/2008, VEC đã hoàn tất quá trình sơ tuyển nhà thầu cho cả 8 gói thầu xây lắp của Dự án. Với 20 - 25 nhà thầu và liên danh nhà thầu lọt qua vòng sơ tuyển cho mỗi gói, Dự án xây dựng Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là dự án có số lượng nhà thầu tham gia dự thầu đông đảo nhất từ trước đến nay trong ngành giao thông - vận tải.
Theo ông Trần Xuân Sanh, Tổng giám đốc VEC, đây là những nhà thầu quốc tế hàng đầu của Hàn Quốc, Trung Quốc, Italy, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ trong lĩnh vực xây dựng đường cao tốc và đã đáp ứng các tiêu chí sơ tuyển do chủ đầu tư đề ra.
Theo đó, ngoài việc thoả mãn tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ dự thầu theo hướng dẫn của ADB, có một nền tài chính ổn định (tổng tài sản phải lớn hơn tổng nợ), các ứng viên dự sơ tuyển với tư cách nhà thầu độc lập hoặc liên danh phải đạt doanh thu xây lắp trung bình hàng năm tối thiểu là 100 triệu USD; từng thực hiện thành công các gói thầu có giá trị từ 50 triệu đến 80 triệu USD; đã thi công các công trình tương tự với tiêu chuẩn kỹ thuật của gói thầu tham gia dự thầu... Những tiêu chí đánh giá này được xây dựng theo Hướng dẫn mua sắm của ADB, thông lệ đấu thầu quốc tế và được công bố công khai, rộng rãi theo đúng quy định.
Được biết, các nhà thầu sau khi lọt qua vòng sơ tuyển sẽ được mời tham gia đấu thầu 8 gói thầu xây lắp theo hình thức đấu thầu cạnh tranh quốc tế do VEC dự kiến tổ chức vào đầu tháng 10 tới.
“Là những người bỏ vốn đầu tư, chúng tôi nhận thức được rằng, việc tìm được các nhà thầu có năng lực tài chính và thi công tốt nhất có ý nghĩa quyết định tới tiến độ, chất lượng của công trình. Bên cạnh đó, không chỉ Dự án Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, mà tất cả các dự án đưòng cao tốc do VEC đã và đang triển khai, quá trình đấu thầu đều thực hiện trên nguyên tắc: minh bạch - công bằng - cạnh tranh, theo đúng quy định về đấu thầu của Chính phủ và nhà tài trợ”, ông Sanh khẳng định.
Ì ạch công tác giải phóng mặt bằng
Theo các chuyên gia tài chính, mặc dù VEC đã thuyết phục được nhà tài trợ - ADB - cho phép ký hiệp định vay vốn sau khi đã tuyển chọn được nhà thầu xây lắp để giảm phí cam kết, công tác chuẩn bị dự án diễn ra tích cực và chuyên nghiệp..., song vẫn còn một nhân tố nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà đầu tư và có thể làm đảo lộn “bài toán” tài chính ban đầu, đó là giải phóng mặt bằng.
Được biết, công tác giải phóng mặt bằng tại Dự án được tách thành tiểu dự án riêng giao cho UBND các tỉnh có tuyến đi qua thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1665/TTg-CN ngày 17/10/2006. Giống như các dự án hạ tầng giao thông đã và đang triển khai, tiến độ xây lắp sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào công tác giải phóng mặt bằng. Với diện tích đất chiếm dụng khoảng 2.467 ha, thuộc 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, dù đã cố gắng tránh các khu dân cư đông đúc, song đây vẫn là một công việc phức tạp, bởi thời gian tính từ lúc VEC bàn giao các tiểu dự án giải phóng mặt bằng cho địa phương tới khi dự án chính được khởi công chỉ vỏn vẹn 8 tháng.
Mặc dù chủ đầu tư đã hết sức chủ động, đồng thời nhận được sự quan tâm đặc biệt của Bộ Giao thông - Vận tải và lãnh đạo các địa phương, song ngoại trừ các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lào Cai, tiến độ giải phóng mặt bằng của các tỉnh, thành phố còn lại đang diễn ra khá chậm. Tính đến ngày 18/9, các địa phương mới giải ngân được khoảng 3,4% (55,4/1.629 tỷ đồng) so với số vốn phục vụ công tác giải phóng mặt bằng đã đăng ký với Chủ đầu tư.
“Nếu lãnh đạo các địa phương nơi dự án triển khai không tích cực, không tạo được một bước đột phá về giải phóng mặt bằng, thì rất có thể dự án sẽ lại sa lầy vì chậm tiến độ như rất nhiều dự án giao thông khác ở Việt Nam. Và đó sẽ là một đòn mạnh vào tính khả thi của dự án khi mà mỗi ngày, siêu dự án phải trả cả hàng chục ngàn USD lãi suất”, một chuyên gia bình luận.
( Cổng thông tin kinh tế )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com