Ông Hồ Quang Minh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, cải tiến quy trình thủ tục, gắn với hoàn thiện các thủ tục đầu tư, xây dựng... và thực hiện rốt ráo cơ chế giám sát, điều phối tốt là những giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn ODA cam kết trong năm 2010.
Thưa ông, hơn 8 tỷ USD mà các nhà tài trợ cam kết cho Việt Nam thực sự là một con số lớn. Ông bình luận gì về con số này?
Đây là một con số lớn, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, bản thân các nhà tài trợ cũng đang trong quá trình phục hồi kinh tế và quy mô ODA toàn cầu đang có xu hướng giảm.
Con số này nói lên hai điểm. Thứ nhất, các nhà tài trợ tin tưởng vào chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ Việt Nam, tin tưởng vào sự quyết tâm, sự điều hành linh hoạt của Chính phủ và sự đồng thuận của nhân dân Việt Nam trong phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai là giải ngân ODA, vấn đề các nhà tài trợ phàn nàn khá nhiều, đã tiến bộ rõ rệt. Nếu so với kế hoạch năm, thời gian gần đây, Việt Nam luôn vượt kế hoạch giải ngân ODA.
Riêng năm 2009, kế hoạch giải ngân là 1,9 tỷ USD, nhưng hiện đã có thể nói tới con số 3 tỷ USD giải ngân. So với mức 2,2 tỷ USD của năm 2008, đây cũng là một nỗ lực lớn trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế.
Tuy vậy, cũng phải thẳng thắn rằng, so với mức giải ngân trung bình của các nhà tài trợ toàn cầu và khu vực, tốc độ giải ngân của Việt Nam vẫn thấp.
Cho dù kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ khởi sắc hơn trong năm 2010, nhưng việc giải ngân hơn 8 tỷ USD chắc không đơn giản?
Tôi nghĩ, cần một nhóm biện pháp cho kế hoạch giải ngân năm tới. Trước mắt, phải giải toả những vướng mắc về thủ tục. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát lại các thủ tục, quy định liên quan đến triển khai các dự án ODA, nhằm cải tiến và cắt giảm thủ tục. Đây cũng là các thủ tục sẽ được cắt giảm trong thực hiện Đề án 30 về cải cách hành chính của Nhà nước.
Trong vấn đề thủ tục có yêu cầu về hài hoà hoá thủ tục, hài hoà trong nội bộ quy định của Việt Nam và với các nhà tài trợ. Ở đây, phải đặc biệt kể đến vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Đây là nguyên nhân khiến nhiều dự án triển khai chậm, trong đó có cả các dự án ODA. Việc hoàn thiện quy trình ODA tới đây phải gắn với hoàn thiện về các quy trình giải phóng mặt bằng, các quy trình đầu tư, xây dựng liên quan… Tiếp theo là nâng cao năng lực của các cấp địa phương, quản lý dự án…
Điểm đặc biệt quan trọng là cơ chế điều hành và điều phối. Chính phủ đã lập Tổ công tác điều phối ODA, nhằm giải quyết những khó khăn trong thực hiện các dự án, cũng như nâng cao hiệu quả công tác tài trợ.
Tổ công tác đã họp với nhóm 6 ngân hàng để xem xét chu trình các dự án và đã đưa ra 12 giải pháp nóng cần giải quyết ngay, như đề cương dự án, thủ tục đấu thầu, báo cáo, giải phóng đất đai, xử lý hợp đồng…
Hướng giám sát, điều phối theo chuyên đề, địa phương mà Ngân hàng Thế giới, Nhật Bản đã thực hiện trong năm 2009 cũng là một giải pháp sẽ được tiếp tục.
Với các biện pháp quyết liệt trên, hy vọng năm 2010, tỷ lệ giải ngân sẽ đạt mức cao hơn năm 2009.
Các nhà tài trợ đã nhắc tới khả năng xoá nhoà sự khác biệt giữa các thủ tục, để thực hiện một thủ tục thống nhất như một giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án ODA?
Thực ra, vấn đề này đã được cam kết tại Cam kết Hà Nội, trong nội dung về quyền tự chủ của nước nhận tài trợ và quy định về tuân thủ thủ tục của nước chủ nhà từ phía nhà tài trợ. Tuy nhiên, hiện giữa các nhà tài trợ chưa có sự thống nhất về thủ tục. Hơn nữa, nhiều điều kiện cụ thể của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí nếu các nhà tài trợ yêu cầu.
Vì vậy, cam kết thống nhất thủ tục sẽ tiếp tục được thực hiện, nhằm đạt mức tối đa có thể được.
Xin cảm ơn ông !
(Đầu Tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com