Trong khi nhiều nước châu Âu và cả Chủ tịch EU muốn cứu Hy Lạp thì Đức tiếp tục đơn phương phản đối, khiến thị trường tiền tệ, vàng và dầu lo lắng.
Đức một mình một phe chống lại áp lực cần phải giúp đỡ Hy Lạp của tất cả các thành viên còn lại trong khối EU. Thủ tướng Đức Angela Merkel kiên quyết khẳng định rằng tại Hội nghị Brussels vào thứ 5 và thứ 6 tới, không nhất thiết phải đề cập đến vấn đề Hy Lạp. Trước đó, Thủ tướng Hy Lạp đã khẩn thiết kêu gọi và cảnh báo nếu EU không đưa ra được giải pháp trong tuần này, họ sẽ tìm đến IMF.
Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu và nước đang giữ ghế Chủ tịch EU là Tây Ban Nha vẫn một mực cho rằng sẽ đưa Hy Lạp ra bàn bạc tại Hội nghị. Pháp và Italy cũng ủng hộ lời kêu gọi cứu Hy Lạp của Ủy ban.
Cùng ngày, ngân hàng trung ương Hy Lạp đưa ra dự đoán nền kinh tế nước này sẽ suy giảm 2% trong năm nay, trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 3%. Việc nền kinh tế tiếp tục suy giảm khiến những áp lực nợ nần, thâm hụt càng trở nên trầm trọng.
Thị trường phản ứng khá dè dặt trước những thông tin này. Đồng euro tăng nhẹ vào cuối phiên giao dịch tại London hôm qua. Tuy nhiên, đến sáng nay, euro lại rơi xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 3 so với USD. Hiện 1 euro tương đương 1,396 USD, so với mức 1,3561 USD cuối phiên giao dịch London hôm qua. Mặc dù vậy, sau lời tuyên bố sẽ xem xét cứu Hy Lạp của Ủy ban châu Âu, sáng nay đồng euro lần đầu tiên tăng giá so với yen Nhật trong suốt 5 ngày vừa rồi.
Mối quan ngại của thị trường đối với vấn đề Hy Lạp khiến giá vàng giảm mạnh xuống mức kỷ lục 1.092,95 USD một ounce vào cuối phiên hôm qua, tuy nhiên lại tăng trở lại, đạt 1.097,1 USD một ounce vào thời điểm đóng cửa thị trường New York. Dầu giảm giá rơi xuống dưới 82 USD một thùng do đồng đôla Mỹ mạnh lên trong sáng nay.
Tại Mỹ, các chuyên gia cảnh báo cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ. Theo họ, khi hệ thống tài chính châu Âu gặp vấn đề vì khủng hoảng nợ Hy Lạp, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường lớn nhất của Mỹ là EU sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, khi euro mất giá, dòng tiền sẽ đổ về USD, gây ra sự tăng giá tờ bạc xanh và điều này ảnh hưởng đến tính cạnh tranh xuất khẩu của Mỹ.
Vẫn đang say sưa với chiến thắng của chương trình chăm sóc sức khỏe, Tổng thống Mỹ được đà tuyên bố sẽ cải tổ tất cả những ngân hàng có vấn đề, kể cả thuộc dạng "quá lớn không được sụp đổ" ở Phố Wall. Tại Thượng viện, Obama thúc giục đồng minh của mình là Thượng nghị sĩ Christopher Dodd vận động hành lang cho văn bản cải tổ tài chính dài 1.000 trang lên Ủy ban ngân hàng. Hôm qua, Ủy ban ngân hàng đã nhất trí bỏ phiếu cho kế hoạch này và Dodd hứa hẹn với Obama rằng Thượng viện sẽ thông qua gói cải tổ trước cuối năm.
Cùng lúc đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cũng đi vận động các nhóm tư vấn hàng đầu ủng hộ gói cải tổ. Tổng thống Mỹ hứa hẹn nếu gói cải tổ được thông qua, người dân Mỹ sẽ không bao giờ phải trả giá vì sai lầm và sự vô trách nhiệm của các tổ chức tài chính lớn như thời gian qua nữa.
Trung Quốc nhiều khả năng sẽ thâm hụt thương mại 8 tỷ USD trong tháng 3 và đây là lần đầu tiên thâm hụt kể từ tháng 4/2004. Việc thâm hụt này có thể khiến Trung Quốc chưa vội nâng giá đồng nhân dân tệ như lời kêu gọi của Mỹ.
Chính phủ Anh vừa công bố kế hoạch chi 2 tỷ bảng (khoảng 3 tỷ USD) để xây dựng một ngân hàng đầu tư cho các dự án “xanh” tại nước này, với mục đích biến Anh thành một nền kinh tế tiêu thụ ít carbon. Phát biểu trên kênh truyền hình BBC, Bộ trưởng Tài chính Anh Alistair Darling phủ nhận mọi tin đồn cho rằng đây thực chất là một hành động mang tính chính trị trước thềm cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng 5 này. Ông Darling cho biết việc đầu tư vào các dự án xanh là cần thiết sau khi Anh vừa thoát khỏi 18 tháng suy thoái và cần rất nhiều năng lượng cho tương lai.
(VnExpress)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com