Hội nghị thượng đỉnh LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 15 (COP 15) đã tránh được sự đổ vỡ "trong gang tấc" khi Hiệp ước Côpenhaghen về biến đổi khí hậu vừa được tất cả 193 quốc gia tham dự thông qua vào phút cuối trước khi hội nghị kết thúc ngày 19-12 - chậm hơn 1 ngày so với dự kiến, tại thủ đô của Vương quốc Đan Mạch.
Quyết tâm chính trị chưa từng thấy của cộng đồng quốc tế dù chưa đủ mạnh để ngay lập tức ngăn chặn Trái đất nóng lên, song Hiệp ước Côpenhaghen được thông qua là bước đột phá quan trọng trên con đường còn rất dài nhằm đối phó với sự tăng nhiệt của hành tinh.
Trong khi cả châu Âu, trong đó có Côpenhaghen đang chìm trong mùa đông lạnh giá thì suốt gần 2 tuần qua (kể từ khi COP 15 khai mạc vào ngày 7-12), sức nóng của hội nghị đã không ngừng tăng lên qua mỗi phiên thảo luận. Sự nóng bỏng ấy không chỉ thể hiện ở những khác biệt giữa các nước phát triển và đang phát triển, giữa các nước đang phát triển với nhau liên quan đến nghĩa vụ cắt giảm khí thải, thời gian, đường lối, việc chia sẻ gánh nặng và ngân quỹ... mà còn ở những dòng người biểu tình khắp đường phố Côpenhaghen, thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới đưa ra cam kết mạnh mẽ tại hội nghị lớn nhất của LHQ từ trước tới nay về biến đổi khí hậu. Điều đó càng cho thấy ý nghĩa của việc đại diện các nước đã gạt bỏ những lập trường riêng để có được một tiếng nói chung cho nỗ lực cứu Trái đất khỏi những tác động khôn lường của biến đổi khí hậu, đặc biệt khi Nghị định thư Kiôtô, công cụ hiện có để bảo vệ Trái đất đang ấm lên từng ngày, sẽ hết hạn vào năm 2012.
Sự hội tụ của đại diện 193 quốc gia thành viên LHQ, trong đó có khoảng 130 nguyên thủ các nước trong suốt 2 tuần qua tại Côpenhaghen cho thấy cả thế giới đã nhận rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ bầu khí quyển đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia và mong muốn hành động cho mục tiêu chung này.
Sự thỏa hiệp thể hiện rõ khi Hiệp ước Côpenhaghen được thống nhất trong các cuộc đàm phán ngoài dự kiến đầy căng thẳng trong cả kỳ nghỉ cuối tuần giữa lãnh đạo hơn 20 nước có nhiều ảnh hưởng trong nỗ lực chống sự ấm lên của Trái đất như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Braxin, Nam Phi cùng một số nước châu Âu. Bản hiệp ước đã đặt hạn mức tăng nhiệt độ Trái đất không quá 2oC (cao hơn đề xuất ban đầu là 1,5oC), quy định cơ chế giám sát cam kết của các nước giàu trong khi các nước đang phát triển sẽ đưa ra những cam kết về cắt giảm khí thải trên tinh thần "tôn trọng chủ quyền quốc gia".
Hiệp ước Côpenhaghen thể hiện những tiến bộ chưa từng có trong nhiều năm đàm phán về khí hậu, khi các nước giàu cam kết đóng góp 30 tỷ USD trong giai đoạn 2010-2012 cho các nước nghèo ứng phó với những nguy cơ do biến đổi khí hậu gây ra; đồng thời đặt mục tiêu đến năm 2020 tăng quỹ lên 100 tỷ USD. Tuy nhiên, bản hiệp ước được xem là chưa toàn diện khi mục tiêu giảm một nửa khí thải điôxít cácbon (CO2) toàn cầu vào năm 2050 chưa thể thực hiện và thời hạn chót biến thỏa thuận thành một hiệp ước mang tính ràng buộc về pháp lý cũng chưa được ấn định. Song, lần đầu tiên trong lịch sử, tất cả các nền kinh tế lớn đã ngồi lại với nhau để chấp nhận trách nhiệm phải hành động chống biến đổi khí hậu, đánh dấu một khởi đầu quan trọng cho nỗ lực cứu Trái đất đang ấm lên từng ngày.
Sự kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự và có bài phát biểu tại Côpenhaghen thể hiện rõ quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Là một trong số 5 quốc gia trên thế giới chịu tác động nặng nề nhất từ sự biến đổi khí hậu của Trái đất do có bờ biển dài cùng nhiều khu kinh tế, dân cư tập trung ở vùng duyên hải và đồng bằng ven biển, song lại không phải là nước có lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn, Việt Nam đánh giá cao các sáng kiến nhằm bảo vệ hệ thống khí hậu Trái đất. Đồng thời, Việt Nam cũng ủng hộ quan điểm các nước phát triển và những nước có lượng phát thải khí CO2 lớn phải có nghĩa vụ tiên phong trong việc đưa ra các cam kết mạnh mẽ và mục tiêu giảm khí phát thải, có trách nhiệm hỗ trợ cho các nước đang phát triển và các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, những nước đang phát triển cần tích cực đóng góp vào nỗ lực toàn cầu thông qua việc xây dựng và thực hiện các chương trình hành động giảm tối đa khí CO2 phù hợp với điều kiện của từng quốc gia.
Cũng không thể phủ nhận một thực tế là, việc giải quyết một vấn đề như biến đổi khí hậu thật không dễ dàng khi các giải pháp của nó liên quan đến lợi ích sát sườn của mỗi quốc gia, do việc cắt giảm lượng khí CO2 phát thải gắn liền với việc sử dụng năng lượng và tăng trưởng kinh tế.
COP 15 vừa khép lại, cho dù các nước chưa đạt được một thỏa thuận chính trị toàn diện; nhưng, với cuộc tập hợp chưa từng có tại Côpenhaghen về khí hậu, nhân loại có cơ sở để tin tưởng rằng, sự khác biệt trong vấn đề biến đổi khí hậu giữa các quốc gia sẽ tiếp tục được thu hẹp trong tương lai gần. Thông qua đối thoại và đàm phán, chúng ta hy vọng có thể bảo vệ hành tinh xanh như một di sản tốt đẹp cho các thế hệ tương lai.
(Theo Vân Khanh // Hanoimoi Online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com