Từ đầu tháng 5 đến nay, cùng với một số thay đổi trong chính sách về tiền lương cũng như những “chuyển động” của giá các nguyên liệu đầu vào như giá xăng, giá điện... đã khiến thị trường giá cả có nhiều biến động. Việc các nhà cung cấp, nhà sản xuất tìm cách “té nước theo... giá” đã được các chuyên gia dự đoán từ trước. Do vậy, việc hình thành một mặt bằng giá mới là điều khó tránh khỏi.
Từ chợ cóc đến siêu thị đều rục rịch “cải tiến” giá
“Đi chợ bây giờ là phải mua đồ theo bữa chứ không mua theo ngày, bởi vì cầm 100 ngàn đồng ra chợ chỉ mua được một bữa trưa là cùng. 130.000 đồng/kg thịt lợn thăn, mua 5 lạng đã hết veo 70.000 đồng, rau củ quả vào nữa là đi tong 100.000 đồng. Muốn mua thêm cho bữa tối nữa thì phải mang ít nhất 200.000 đồng ra chợ” – đó là tâm sự của chị Tú Anh, ở phố Hoa Bằng, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Nhẩm tính thêm tiền gas, tiền điện, tiền nước, tiền xăng xe, chị Tú Anh kết luận, một ngày gia đình chị tiêu hết khoảng 230.000 đồng.
Giờ, hầu hết các mặt hàng lương thực, thực phẩm cho đến giá sữa, giá gas... đều đã thiết lập một mặt bằng giá mới. Các loại thực phẩm giá đã leo thang từ 10 – 20%. Cụ thể, giá thịt lợn hơi móc hàm tại các lò mổ đã tăng từ 73.000đồng/kg lên 76.000 – 78.000đồng/kg, đẩy giá thịt lợn bán lẻ tại các chợ phổ biến ở mức 100.000 – 130.000đồng/kg. Giá các loại gia cầm như gà, vịt, ngan trung bình tăng khoảng 5%. Mức tăng cao nhất phải kể đến các loại thủy hải sản như tôm, cua... với mức tăng xấp xỉ 10%.
Những ngày đầu tháng 5, giá gas cũng đã được các hãng gas thông báo điều chỉnh giá mới với mức tăng 28.000 - 30.000 đồng/bình 12kg. Sữa là mặt hàng thường xuyên đi tiên phong trong vấn đề đẩy giá. Khảo sát một số đại lý bán sữa tại Hà Nội, có thể thấy nhiều sản phẩm sữa của các hãng Enfagrow, Nestle, Abbott... đã tăng trung bình 5-7%. Trong khi cách đây khoảng 1 tháng (thời điểm đầu tháng 4), các đại lý bán sữa cũng đã từng tăng giá nhiều sản phẩm.
Giá cả ở các chợ, các đại lý bên ngoài tăng nên các bà nội trợ rủ nhau vào siêu thị mua hàng bình ổn. Tuy nhiên, không phải mặt hàng ở các siêu thị cũng được giữ giá. Hệ thống siêu thị Citimart và Maximark cho biết, bên cạnh việc tăng giá nhiều mặt hàng trong tháng 3, 4 thì tháng 5 này, sẽ có nhiều mặt hàng tiếp tục điều chỉnh giá bán theo hướng tăng. Các mặt hàng đồ dùng gia đình bằng nhôm, nhựa sẽ tăng 10 - 15% do một số nhà cung cấp đã báo trước từ giữa tháng 3. Một số mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt gà, lợn hơi đã điều chỉnh tăng 5 - 10%.
Tuy nhiên, nhiều hệ thống siêu thị như Big C Thăng Long, Fivimart, Hapro vẫn đang giữ giá mặc dù các hệ thống phân phối đòi tăng giá một số sản phẩm. Ông Vương Thái Dũng, Phó Giám đốc Hệ thống siêu thị Big C Thăng Long cho biết: Các nhà phân phối đã yêu cầu tăng giá sản phẩm. Tuy nhiên, BigC vẫn đang tiếp tục đàm phán giá với các nhà cung cấp để đi đến một mức giá hợp lý. Đây là lý do khiến trong siêu thị có nhiều ô hàng để trống vì chưa thương thuyết được giá với nhà phân phối.
Tương tự, Hapro cũng đang đàm phán với nhà phân phối để giá đến tay người tiêu dùng không “sốc”. Giám đốc đối ngoại Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) – bà Lê Thiên Nga cho biết: Hapro đấu tranh với nhà cung cấp để duy trì mức giá ổn định. Tuy vậy, cũng chỉ một số các nhà cung cấp chấp nhận được còn một số vẫn đòi tăng giá. Bởi vậy, Hapro đang cố gắng kìm giá bằng cách bớt phần lợi nhuận của mình để giữ mức giá chấp nhận được trên thị trường, chia sẻ nỗi lo với người tiêu dùng.
Chấp nhận mặt bằng giá mới?
Những diễn biến nói trên cho thấy, một mặt bằng giá mới đã và đang hình thành. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh giá những mặt hàng không thể tiếp tục duy trì đã quá lâu như điện, xăng dầu chính là nguyên nhân góp thêm lực đẩy giá thị trường lên cao. Ngoài ra, còn có ảnh hưởng do việc điều chỉnh tỷ giá, tăng lương của khối doanh nghiệp từ đầu năm, cùng với đợt tăng lương tối thiểu vừa qua... chính là những yếu tố tác động dây chuyền.
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Không thể hy vọng giá cả quay lại mặt bằng như trước đây nhưng phải sớm thiết lập được mặt bằng giá mới để người dân ổn định cuộc sống. Còn Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cũng thừa nhận: Việc giá cả các mặt hàng liên tục đẩy giá như hiện nay, vừa do tác động bên ngoài (giá cả trên thế giới tăng – PV), vừa do không thể tiếp tục kìm hãm giá trong nước theo cơ chế cũ. Không còn cách nào khác, người dân sẽ phải chấp nhận một mặt bằng giá mới (?)
Các chính sách tài khóa và tiền tệ hiện nay nếu tiếp tục kiên trì giữ vững, lạm phát sẽ giảm dần. Như vậy, mặt bằng giá mới sẽ được hình thành hết quý 2. Mặt bằng mới này chắc chắn sẽ cao hơn so với dự kiến ban đầu nhưng hy vọng xu hướng sẽ giảm trong những tháng cuối năm.
(Báo Đại Đoàn Kết)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com