Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chất lượng lao động, yếu tố quyết định mở rộng thị trường lao động xuất khẩu

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết những nét chính trong thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam trong thời gian qua, và mục tiêu trong năm 2009.

Những năm gần đây, sự nghiệp xuất khẩu lao động (XKLÐ) của nước ta đạt được những kết quả đáng mừng: Số lượng người đi XKLÐ mỗi năm đều tăng, chất lượng lao động được cải thiện, góp phần xóa đói, giảm nghèo (XÐGN) và tạo việc làm ở trong nước.

Mỗi năm, lao động ta ở nước ngoài gửi về gia đình và đất nước khoảng 1,7 tỷ USD.

Nhân dịp Hội nghị toàn quốc về XKLÐ họp tại Hà Nội đánh giá những mặt làm được, những việc còn bất cập, đồng thời đưa ra các giải pháp để hoàn thành mục tiêu năm 2009 đưa 90 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Báo Nhân Dân đã phỏng vấn bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bộ trưởng LÐ - TB và XH chung quanh vấn đề kể trên.

PV: Thưa Bộ trưởng, sự nghiệp XKLÐ thời gian qua gắn liền việc thực hiện những quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2007. Ðề nghị Bộ trưởng đánh giá những mặt làm được, và một số điểm còn bất cập khi thực hiện những quy định của luật?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân: Trước hết, tôi xin cảm ơn Báo Nhân Dân đã quan tâm đến một lĩnh vực quan trọng ngành đang quản lý: Xuất khẩu lao động. Cái được lớn nhất, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng mang lại là tính công khai và minh bạch được quy định rất rõ trong luật như: Các doanh nghiệp XKLÐ phải công khai các điều kiện làm việc, giờ làm thêm, bảo hiểm, điều kiện ăn, ở, thu nhập, các mức phí phải đóng, đặc biệt là phí môi giới ở từng thị trường... Người lao động nắm chắc và có đầy đủ các thông tin cần thiết về hợp đồng lao động, sẽ có cơ hội lựa chọn những doanh nghiệp, những việc làm tốt và phù hợp, tăng khả năng thực hiện thành công các hợp đồng làm việc ở nước ngoài, tạo sự tin cậy giữa lao động, doanh nghiệp XKLÐ Việt Nam với các đối tác sử dụng lao động Việt Nam và quốc gia mà lao động Việt Nam đến làm việc. Theo nhận xét của chúng tôi, cùng với sự tiến bộ về tay nghề, lao động Việt Nam ở nước ngoài đã có bước cải thiện đáng kể về ý thức tổ chức kỷ luật, tình trạng lao động bỏ hợp đồng đã giảm hẳn. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là mọi việc đều đã được làm tốt. Vẫn còn những bất cập trong việc tuyển chọn, đào tạo, giáo dục định hướng và công tác quản lý lao động đang làm việc ở nước ngoài. Ở một số thị trường, nhất là ở Malaysia và Qatar, tình trạng lao động Việt Nam vi phạm pháp luật như nấu rượu lậu, chơi cờ bạc, đánh nhau, thậm chí ăn cắp vẫn còn xảy ra, gây mất trật tự xã hội, sụt giảm lòng tin của các đối tác đối với lao động Việt Nam. Chúng tôi thường xuyên chỉ đạo các doanh nghiệp tăng cường làm tốt khâu tuyển chọn và giáo dục định hướng trước khi đưa lao động đi. Cùng với việc thực hiện các chế tài xử lý vi phạm được quy định trong Luật Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để hạn chế, đi tới chấm dứt tình trạng kể trên.

PV: Thưa Bộ trưởng, nói XKLÐ là phải có thị trường lao động ngoài nước. Mặc dù, mở được một số thị trường mới, thu nhập cao, nhưng năm 2008, thị trường XKLÐ của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Mở được thị trường đã khó, nhưng việc giữ được thị trường còn khó khăn hơn nhiều. Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân: Ðúng vậy, muốn tạo ra nhiều việc làm và thu nhập tốt cho người lao động, thì phải có thị trường lao động trong nước, ngoài nước với nhu cầu đa dạng thu hút được nhiều lao động thuộc nhiều trình độ đến làm việc. Việt Nam đang có gần 500 nghìn lao động và chuyên gia làm việc ở gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

 Quan điểm của chúng ta là giữ, tăng thị phần ở các thị trường lao động truyền thống như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Ðài Loan, Malaysia, UAE; khôi phục một số thị trường ở châu Âu như: Nga, Séc, Slovakia, Bulgaria, Ba Lan... mở một số thị trường mới có thu nhập cao như: Australia, Canada, Italia, Bắc Âu, Israel...

Nhưng, chúng ta cần phải thấy rằng: Muốn đưa được lao động Việt Nam vào thị trường thu nhập cao, điều kiện tiên quyết là chất lượng lao động phải thật tốt (tay nghề, ngoại ngữ, tính kỷ luật). Ðã có nhiều doanh nghiệp XKLÐ và người lao động đã ý thức được vấn đề này, đang nỗ lực nâng cao chất lượng của lao động. Doanh nghiệp XKLÐ thì đầu tư vào công tác đào tạo, luyện nghề, giáo dục định hướng; người lao động và gia đình họ cũng đầu tư một phần nâng cao tay nghề, khả năng ngoại ngữ và rèn luyện ý thức chấp hành kỷ luật.

Doanh nghiệp XKLÐ hoạt động ngày càng mang tính chuyên nghiệp, người lao động ngày càng ý thức rõ hơn về quyền lợi và trách nhiệm của mình, đó là những yếu tố cơ bản để mở, ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước.

Năm 2008, trong điều kiện khủng hoảng tài chính trên toàn cầu, việc các doanh nghiệp XKLÐ Việt Nam gặp khó khăn về thị trường lao động ngoài nước là không thể tránh khỏi. Bộ LÐ-TB và XH trong khả năng và trách nhiệm của mình, phối hợp các cơ quan có thẩm quyền đang cố gắng đàm phán, đi tới thoả thuận, hoặc ký kết Hiệp định Hợp tác lao động với một số quốc gia, như: CHLB Nga, Slovakia, Qatar, Hàn Quốc, IMM (Nhật Bản)... Chúng ta tin rằng, khi thế giới vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính, thị trường lao động ngoài nước của Việt Nam sẽ ổn định trở lại và phát triển.

PV: Thưa Bộ trưởng, các doanh nghiệp XKLÐ đều mong muốn, bên cạnh việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước (thông qua cấp giấy phép XKLÐ và thẩm định hợp đồng), Bộ LÐ-TB và XH cần tạo điều kiện thuận lợi phục vụ doanh nghiệp làm đúng, hiệu quả hơn trong XKLÐ. Bộ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân: Trách nhiệm của Bộ LÐ-TB và XH là thông qua chức năng quản lý Nhà nước của mình để phục vụ doanh nghiệp và người lao động tham gia hoạt động XKLÐ.

Ở ngoài nước, chúng tôi đang kiện toàn bộ máy và nhân sự các Ban quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài nằm trong biên chế của cơ quan đại diện ngoại giao; tổ chức Ban quản lý lao động ở một số thị trường lao động mới, nhất là ở khu vực Trung Ðông.

Ở trong nước, Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LÐ-TB và XH) tập trung sức giúp các doanh nghiệp XKLÐ làm việc theo quy định của pháp luật, thông qua tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, phương thức làm việc cho cán bộ, nhân viên; phối hợp các Sở LÐ - TB và XH giúp doanh nghiệp trong công tác chuẩn bị nguồn lao động, tuyển chọn, đào tạo và giáo dục định hướng.

Chúng tôi cũng sẽ từng bước làm tốt công tác nghiên cứu, hướng dẫn doanh nghiệp phát triển thị trường lao động ngoài nước để làm sao thị trường mở ra đến đâu, giữ và phát triển được đến đấy, kiên quyết không để tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp gây ra những khó khăn không đáng có khi đưa lao động ra nước ngoài làm việc.

PV: Chính phủ chỉ đạo, trong XKLÐ phải tăng dần tỷ lệ lao động có nghề, giảm dần lao động phổ thông. Việc này đang được thực hiện như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân: Hiện nay, tỷ lệ lao động có nghề đưa đi làm việc ở nước ngoài mới đạt 50%, còn lại là lao động phổ thông. Chúng tôi đang hướng các doanh nghiệp XKLÐ quan tâm đầu tư mạnh hơn vào công tác đào tạo nghề, tăng dần tỷ lệ lao động có nghề và lao động lành nghề đi làm việc ở nước ngoài. Bộ LÐ - TB và XH cũng đã giao cho Tổng cục Dạy nghề thực hiện việc đào tạo nghề theo nhu cầu XKLÐ; thực hiện Ðề án hỗ trợ đào tạo nghề cho XKLÐ, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng lao động Việt Nam.

Một số doanh nghiệp XKLÐ đang chuyển mạnh từ cung ứng lao động phổ thông sang cung ứng lao động có nghề, trong đó, Công ty LOD (Bộ Giao thông vận tải) đang làm rất tốt công việc này, họ chấp nhận cạnh tranh trên thị trường lao động bằng chất lượng cao của lao động, chứ không phải từ giá của dịch vụ.

Tuy nhiên, giữa doanh nghiệp XKLÐ và người lao động cũng nên thỏa thuận về thời gian đào tạo nghề sao cho hợp lý. Nếu thời gian đào tạo ngắn quá, chất lượng lao động sẽ không cao, nếu dài quá, doanh nghiệp XKLÐ và người lao động đều gặp khó khăn về kinh phí. Bộ đang nghiên cứu trình Chính phủ ban hành chính sách, chế độ hỗ trợ người lao động học nghề để XKLÐ, tập trung cho đối tượng nghèo.

PV: Thưa Bộ trưởng, QH đã giao chỉ tiêu đưa 90 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2009. Trong điều kiện thị trường khó khăn, làm thế nào để thực hiện được chỉ tiêu QH giao?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân: Khủng hoảng kinh tế thế giới dẫn đến mất việc làm, cơ hội việc làm trên thị trường lao động thế giới trong năm 2009 là không nhiều. Ở thời điểm này, chúng ta đã đưa được 80 nghìn/85 nghìn chỉ tiêu lao động đi làm việc ở nước ngoài được giao trong năm 2008.

Chúng tôi đã bàn nhiều giải pháp để thực hiện nhiệm vụ năm 2009 mà QH giao là đưa 90 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thông qua các thị trường truyền thống của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ðài Loan (Trung Quốc), khuyến khích lao động vào Malaysia với những hợp đồng và công việc tốt, các quốc gia vùng Trung Ðông như UAE, Qatar, Kuwait, A-rập Xê-út, các thị trường truyền thống ở các quốc gia Ðông Âu, một số thị trường mới, có thu nhập cao.

Bên cạnh đó, Nhà nước và các ngân hàng cần tiếp tục chính sách cho người lao động vay vốn đi XKLÐ, hỗ trợ đào tạo nghề. Tiếp tục thông tin đầy đủ và thường xuyên hơn đến người lao động, bảo đảm cho họ tránh bị một số tổ chức, cá nhân xấu lừa đảo.

Năm 2009, chúng tôi cũng bắt đầu thực hiện một số chế độ, chính sách đặc thù hỗ trợ người lao động ở 61 huyện nghèo đi XKLÐ để xóa đói, giảm nghèo. Dù khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của toàn ngành LÐ - TB và XH, sự cố gắng của các doanh nghiệp và các địa phương cùng với sự chỉ đạo, điều hành năng động, sát sao của Chính phủ, sự nghiệp XKLÐ sẽ ngày càng phát triển, đóng góp vào thành công nhiệm vụ kinh tế - xã hội đất nước năm 2009.

(Theo báo Nhân Dân )

  • Bơ vơ 4,5 vạn người Việt: Mong Angola sớm ký hiệp định
  • “Gần một nửa số người thất nghiệp từ 15 đến 24 tuổi”
  • Lao động Việt Nam rẻ hay đắt?
  • Kế toán trưởng thất nghiệp hàng loạt
  • “Tìm cửa” sang Angola mưu sinh
  • Nh­ững điều cần biết khi xin lưu trú lao động tại Kuwait ( Visa lưu trú )
  • Doanh nghiệp cần biết: Năm 2009, người nước ngoài vào Nga lao động sẽ bị giảm một nửa.
  • Suy giảm kinh tế tác động đến xuất khẩu lao động
  • TP Hồ Chí Minh: Hơn 12.000 lao động tìm được việc làm tại các sàn giao dịch
  • Hạn chế người lao động nước ngoài tại Nga chỉ là tạm thời
  • Qatar ngừng gia hạn visa cho lao động Việt Nam
  • Lao động phổ thông nước ngoài đang vào Việt Nam
  • Xây dựng quan hệ lao động: Kinh nghiệm của Nauy
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Từ 1-7: Lao động tu nghiệp tại Nhật được làm 120 loại việc
  • Có nên nhập khẩu lao động phổ thông?
  • Xu hướng việc làm năm 2010: Vẫn thiếu tính bền vững
  • Việt Nam đứng trước nguy cơ thiếu việc làm bền vững?
  • Năm 2010, Hàn Quốc sẽ tiếp nhận 12.500 lao động Việt Nam
  • Sử dụng nhân lực cao cấp nước ngoài: Có phải đáp án hay ?
  • Hơn 41.000 tỷ đồng cho dạy nghề từ nay đến năm 2020
  • 4,3 triệu việc làm do doanh nghiệp tư nhân tạo ra
  • Lao động tại doanh nghiệp tư nhân tăng hơn 20% mỗi năm
  • Thị trường lao động Canada: Cửa vào không dễ!
  • Năm 2010 sẽ đào tạo nghề cho gần 2 triệu lao động
  • 1,6 triệu việc làm mới trong năm 2010
  • Xuất khẩu lao động: Tiếp tục thời của thị trường “vàng”?
  • Cung - cầu lao động đang mất cân đối nghiêm trọng
  • Xuất khẩu lao động 2010: "Khai phá" thị trường nào?
  • Nhân sự Việt Nam: Vừa thiếu vừa yếu