Phát triển công nghiệp khu vực nông thôn có vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung giai đoạn 2006-2010.
Đẩy mạnh các hoạt động khuyến công trong phạm vi cả nước là động lực khuyến khích các địa phương, tổ chức, cá nhân cùng tham gia phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT). Khuyến công đã và đang góp phần có hiệu quả trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động ở NT.
Tạo việc làm, tăng thu nhập
Cục Công nghiệp địa phương (CNĐP), Bộ Công thương cho biết, đến nay các tỉnh, thành phố trong cả nước đã thực hiện các hoạt động khuyến công, với nhiều nguồn vốn và hình thức tổ chức khác nhau. Kinh phí dành cho các hoạt động khuyến công ở TƯ và địa phương ngày một tăng. Năm 2008, đã có 63 tỉnh, thành phố thành lập trung tâm khuyến công, hoặc trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển CN. Đây là lực lượng nòng cốt của tổ chức dịch vụ khuyến công theo Nghị định 134/CP của Chính phủ. Được biết, năm 2009 kinh phí khuyến công quốc gia sẽ tăng 2 lần so với năm 2008.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, hoạt động khuyến công trong thời gian qua không những làm tăng giá trị sản xuất CN tại các địa phương, nhất là các tỉnh CN chưa phát triển mà còn thúc đẩy CN ngoài quốc doanh ngày càng chiếm tỷ trọng cao, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Hằng năm, hoạt động khuyến công quốc gia đã phối hợp với các địa phương đào tạo nghề, truyền nghề cho hàng vạn lao động, nâng cao tay nghề cho hàng nghìn lao động; hỗ trợ xây dựng hàng trăm mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới. Kinh phí khuyến công đã hỗ trợ tổ chức nhiều hội chợ triển lãm hàng CNNT ở các khu vực trong cả nước; đặc biệt tổ chức cho nhiều đoàn tham quan, khảo sát học tập kinh nghiệm khuyến công, tổ chức nhiều hội thảo giới thiệu kinh nghiệm quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh liên quan đến sản xuất CNNT trong cả nước... Ngoài ra, kinh phí khuyến công còn hỗ trợ một số hoạt động cụ thể như xét công nhận thợ giỏi, nhân cấy nghề, trang bị cơ sở vật chất cho các trung tâm khuyến công…
Mục tiêu của hoạt động khuyến công là giúp CNNT tiếp cận nhiều mô hình mới, tăng cường liên kết trong vùng và hạn chế tối đa các khâu trung gian. Do vậy, hoạt động này đã lồng ghép được nhiều nguồn lực của các tổ chức, các ngành tham gia vào sự nghiệp phát triển CNNT. Đặc biệt, việc đào tạo nghề tại một số địa phương đã chuyển dần sang tập trung cho các địa bàn có nhu cầu cấp thiết, sản phẩm có thị trường, gắn với doanh nghiệp hạt nhân; đào tạo cho một người để truyền nghề cho nhiều người... vì thế kinh phí khuyến công được sử dụng có hiệu quả. Số lao động có việc làm cao hơn số được đào tạo, nhất là từ các đề án đào tạo một số nghề đơn giản như dệt chiếu, sản xuất các sản phẩm từ xơ dừa, bẹ chuối, mây tre đan... Hằng năm, nguồn kinh phí khuyến công đã giúp nhiều địa phương xây dựng được các mô hình có mức đầu tư lớn, hiệu quả cao hơn, thu hút được vốn đầu tư của các cơ sở CNNT cao gấp nhiều lần so với năm trước.
Trên thực tế, nguồn kinh phí dành cho khuyến công còn ít so với nhu cầu. Trong khi đó, cơ chế chính sách quản lý, sử dụng kinh phí còn bất cập, thủ tục giải ngân còn nhiều vướng mắc, nên hoạt động đào tạo nghề nhất là ở vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn. Một số sở công thương còn chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động khuyến công tại địa phương để tháo gỡ khó khăn cho đơn vị khi thực hiện đề án khuyến công. Bên cạnh đó, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công còn hạn chế, nhất là năng lực tư vấn hướng dẫn xây dựng, lựa chọn, tổ chức và quản lý thực hiện đề án. Đây là một trong những lý do chính dẫn đến tỷ lệ thực hiện kế hoạch khuyến công địa phương thấp, số đề án khuyến công quốc gia sau khi giao kế hoạch phải điều chỉnh chiếm hơn 30%. Đó là chưa kể nhiều sở công thương, trung tâm khuyến công chưa thực hiện nghiêm chế độ báo cáo quý, năm về hoạt động khuyến công của địa phương, tiến độ các đề án khuyến công quốc gia trên địa bàn; sử dụng kinh phí khuyến công địa phương còn dàn trải, chưa tập trung vào những nội dung trọng tâm để thực hiện các mục tiêu, định hướng theo chương trình khuyến công quốc gia. Mặt khác, cán bộ làm công tác khuyến công còn thiếu, năng lực yếu, nên gặp khó khăn trong thanh quyết toán kinh phí. Cá biệt ở một số nơi, lãnh đạo địa phương chưa nhìn nhận đúng vai trò, tầm quan trọng của hoạt động khuyến công, nên chưa có sự ủng hộ, tạo điều kiện cần thiết cho hoạt động này.
Không chỉ trông chờ vào nguồn vốn khuyến công của Nhà nước, tới đây Cục CNĐP sẽ chủ động xây dựng những danh mục, dự án để "gọi" đầu tư nước ngoài nhằm hỗ trợ phát triển CN địa phương. Ngoài việc rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản liên quan đến hoạt động khuyến công, Bộ Công thương sẽ cùng với các địa phương xây dựng đề án thành lập 4 trung tâm khuyến công tại các vùng miền núi - Trung du Bắc bộ, miền Trung và Tây Nguyên, Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long để thực hiện đề án khuyến công quốc gia điểm trong vùng, trên cơ sở tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ khuyến công từ TƯ đến địa phương và xây dựng một số tỉnh điển hình, làm mẫu về công tác khuyến công, sau đó nhân rộng ra các tỉnh khác.
(theo báo Hà nội mới)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com