Tại sàn giao dịch việc làm Đồng Nai tháng 5, nhiều DN bắt đầu than khó khi tuyển dụng lao động. Nhu cầu cần đến 3.400 lao động nhưng các DN chỉ tuyển dụng được 316 lao động, chiếm chưa tới 10% so với nhu cầu. Dự báo, trong tháng 6 này, các DN sẽ “khát” hơn khi nhu cầu lao động lên tới 30.000 người.
Việc nhiều DN tại Đồng Nai hồi phục sản xuất trong thời điểm hiện nay và tình trạng người lao động "nhảy cóc" từ nơi này sang nơi khác là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chung là các DN thiếu lao động, đặc biệt là các ngành may mặc, giày da.
Cung phải hiểu cầu
Nếu tính về số lượng thì 66 cơ sở đào tạo nghề và gần chục trường cao đẳng, đại học đào tạo nhân lực theo hệ chính quy ở Đồng Nai đã đáp ứng khá đầy đủ nhu cầu lao động tại chỗ của địa phương. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo chưa thực sự thỏa mãn nhu cầu của DN và một nguyên nhân dẫn đến cung thừa nhưng cầu vẫn thiếu là do các đơn vị đào tạo đã đào tạo các ngành mà DN không cần, trong khi DN cần lao động ở một số ngành như cơ khí, hàn, đúc... thì các trường lại không đào tạo hoặc không có người học.
Theo bà Lê Thị Mỹ Phượng - Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội Đồng Nai thì các đơn vị đào tạo nên “bán cái khách hàng cần, thay vì bán cái mình có”. Phương châm này rất quen thuộc và tưởng như đơn giản nhưng không dễ thực hiện. Các đơn vị đào tạo phải tìm hiểu nhu cầu của khách hàng trước khi bắt tay vào “sản xuất”. Hiện nay, công tác định hướng khách hàng của các đơn vị đào tạo chưa tốt nên “sản phẩm” của họ chưa thỏa mãn đầy đủ nhu cầu của DN. Có một “sản phẩm” mà các DN Đồng Nai rất cần là các khóa đào tạo nhân viên quản lý cấp trung và cấp cao như giám đốc marketing, giám đốc nhân sự hay ngành dịch vụ thương mại du lịch... nhưng ngoài những khóa đào tạo ngắn hạn ở một vài địa chỉ thì Đồng Nai vẫn chưa có hẳn một trường chuyên về việc nâng cao trình độ cho đối tượng này.
Để cung tiệm cận với cầu, nhiều đơn vị đào tạo đã gắn đào tạo với nhu cầu thực tế của DN, gắn lý thuyết với thực hành tại các DN và tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường – DN. Các thương hiệu tên tuổi như Cao đẳng nghề Lilama, Cao đẳng nghề số 8, Đại học dân lập Lạc Hồng, Cao đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi... là những đơn vị thực hiện rất tốt mô hình đào tạo gắn với DN và là những địa chỉ đặt hàng được DN ưu tiên hàng đầu khi có nhu cầu.
DN vào cuộc
Bài toán cân bằng cung cầu khá cũ vì tình trạng lệch pha giữa hai phía tồn tại từ nhiều năm truớc và kéo dài đến tận bây giờ. Điều đó thực sự gây ra một sự lãng phí lớn nhất là trên một địa bàn có tới 29 KCN được quy hoạch cùng nhu cầu lao động khổng lồ như Đồng Nai. Những năm gần đây, đã có một số DN tự bỏ tiền lập trường để đào tạo sản phẩm cho riêng mình và phục vụ nhu cầu của các DN trên địa bàn như Cty cổ phần Tập đoàn Giấy Tân Mai, Cty Phát triển KCN Biên Hòa (Soandezi)... Có trường đã đi vào hoạt động, có trường còn đang trong thời gian chờ giới thiệu địa điểm nhưng đây là những tín hiệu đáng mừng.
Chia sẻ về kết quả 97% trong số 300 sinh viên khoá đầu tiên tốt nghiệp (năm 2008) thuộc các ngành Công nghệ May, Công nghệ Giày và khối ngành Kinh tế - Tài chính đã có việc làm đúng với chuyên môn được đào tạo, được các DN đánh giá cao, ông Lưu Phước Dũng – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sonadezi cho biết: “Một trong những lợi thế của trường là đã thực sự kết nối với cộng đồng DN trong việc xây dựng và giảng dạy chương trình đào tạo ngắn hạn, dài hạn; kêu gọi hỗ trợ học bổng và phương tiện giảng dạy cũng như tiếp nhận thực tập sinh và tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp của trường”.
Hoạt động nổi bật và tác động lớn đến kết quả đào tạo của Trường Cao đẳng Sonadezi là việc thiết lập được mối quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế và nhận được nhiều sự tài trợ từ Vùng Rhône Alpes - Pháp (hỗ trợ cho ngành Công nghệ May và Giày), Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại VN, Viện dệt và hoá học, Trung tâm Kỹ thuật Giày da tại Pháp, Viện dệt may Pháp...
Cao đẳng Sonadezi cũng khẳng định sự nhanh nhạy với nhu cầu thị trường thông qua việc mở các khóa đào tạo theo đơn đặt hàng của DN như: Liên kết với Viện Kinh tế phát triển (Trường Đại học Kinh tế TP HCM) tổ chức lớp “Giám đốc điều hành”; phối hợp với Business Edge tổ chức các lớp khóa học: Kiểm soát chi phí, Lập và sử dụng ngân sách, Chăm sóc khách hàng; tổ chức lớp “Quản lý DN” tại Cty Cấp nước Đồng Nai... Đồng thời trường cũng liên kết đào tạo với các đơn vị, tổ chức nước ngoài. Từ năm 2006 trường đã ký kết với Viện Công nghệ Châu Á tại VN (AIT-VN) về chương trình hợp tác đào tạo sau đại học chủ yếu về các lĩnh vực như: Quản trị Kinh doanh, Xây dựng và Quản lý cơ sở hạ tầng, Kỹ thuật và Quản lý môi trường. Ngoài ra, chương trình cũng cung cấp các khóa học tiếng Anh cơ bản. Đến nay, Trường CĐ Sonadezi và AIT- VN đang hợp tác đào tạo chương trình cao học EMBA khóa 1 và khóa 2, hiện khóa 1 đã gần hoàn tất với 29/tổng số 31 học viên đã hoàn thành bảo vệ luận văn tốt nghiệp loại khá và giỏi tại Thái Lan.
Hiện nay, quy mô đào tạo của Cao đẳng Sonadezi mới gồm 13 chuyên ngành học và hơn 1.300 sinh viên, học sinh nhưng tiềm năng để phát triển mô hình đào tạo gắn với DN của trường là rất lớn... Vì thế, Cao đẳng Sonadezi đang tiếp tục mở rộng ngành nghề đào tạo trong những năm tiếp theo và dự kiến sẽ trở thành trường đại học với quy mô khoảng 5.000 sinh viên trước năm 2015.
Theo lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đồng Nai, tình trạng khan hiếm lao động trên địa bàn hiện nay không thể giải quyết trong một sớm một chiều, nhưng việc thay đổi mô hình đào tạo cho phù hợp với nhu cầu thị trường là việc cần làm ngay và nỗ lực đáng trân trọng từ phía các DN đang góp tay vào công cuộc xã hội hóa đào tạo nhân lực cần được nhân rộng hơn nữa.
(Theo Kim Huệ/dddn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com