Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Các giải pháp “cứu” nông nghiệp Việt Nam trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới

- Hệ thống tài chính ngân hàng Hoa Kỳ lâm vào tình trạng khủng hoảng từ giữa năm 2007 và đỉnh điểm là tháng 9 năm 2008 sau đó lan sang các nước ở châu Âu, châu Á, đặc biệt là các nước có nền kinh tế lớn như: Anh, Đức, Nga, Nhật…kéo theo những hệ lụy lớn cho nền kinh tế thế giới.

 Đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung, trong đó lĩnh vực nông, lâm, thủy sản nói riêng cũng chịu những tác động không nhỏ. Có thể nói, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính đến nông nghiệp Việt Nam thể hiện trên nhiều phương diện, rõ rệt nhất là ảnh hưởng đến xuất khẩu nông, lâm sản, kế đến là sản xuất, đầu tư và hệ lụy tất yếu là việc làm, thu nhập của người nông dân bị suy giảm.

 Nhằm tìm các biện pháp vượt khó, đảm bảo phát triển nông nghiệp ổn định, ngày 25-11, Bộ Nông nghiệp&PTNT đã tổ chức Hội nghị “Đánh giá tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đến nông nghiệp-nông thôn Việt Nam”.

 Tác động trên nhiều phương diện

Những tác động đến xuất khẩu nông sản bắt đầu bộc lộ từ giữa tháng 9-2008 khiến hầu hết các mặt hàng đều có số lượng và kim ngạch xuất khẩu giảm so với các tháng trước đó. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp&PTNT cho biết: Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 10-2008 đạt trên 1,3 tỷ USD, giảm 7,4% so với tháng 9 và ước tháng 11 đạt 1,2 tỷ USD, giảm 12% so với tháng 10. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu của tháng 11 đã giảm gần 32% so với tháng 7 (tháng đạt kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 1,75 tỷ USD).

 Theo ông Trang Hiếu Dũng, Trung tâm tư vấn chính sách thì xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi một số nguyên nhân là do sức cầu tại các thị trường tiêu thụ lớn nhất nông, lâm, thủy sản của Việt Nam bị suy giảm như: Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản; do khả năng thanh toán quốc tế bị hạn chế; do suy giảm đầu cơ của các quỹ. Mặc khác, trong thời gian qua, các nước xuất khẩu nông sản lớn trên thị trường thế giới có các mặt hàng nông sản mũi nhọn là gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu, đều cạnh tranh trực tiếp với nước ta như: Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Braxin, Colombia…đều đã giảm giá mạnh đồng tiền so với đồng USD từ mức 13% đến 33%, trong khi đó con số này ở Việt Nam chỉ ở mức 5% đã đẩy xuất khẩu nông sản của nước ta vào thế khó cạnh tranh hơn.

 Việc giảm giá một số vật tư nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp là một tín hiệu đáng mừng cho nông dân nhưng việc giảm giá quá nhanh làm cho một số doanh nghiệp đã nhập hoặc ký hợp đồng nhập một khối lượng lớn vật tư, phân bón trước đó bị lỗ nặng nề.

 Khủng hoảng kinh tế cũng đã làm cho cầu giảm, thị trường tiêu thụ bị co hẹp, nông sản ứ đọng, giá hầu hết các nông sản (lúa gạo, cà phê, cao su) giảm không kích thích nông dân sản xuất. Hơn thế do hàng hóa không tiêu thụ được, doanh nghiệp và nông dân thiếu vốn sản xuất. Đặc biệt là nông dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, hiện vẫn còn tồn kho một lượng khá lớn lúa hàng hóa trong khi nhu cầu nhập khẩu của các khách hàng truyền thống như Philipine, Inđonesia bị giảm do các nước này tăng cường sản xuất nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

 Ngoài ra, các mặt hàng cao su, cà phê cũng trong tình trạng tương tự, hiện nay đang là vụ thu hoạch mủ cao su và cà phê, lượng hàng hóa nhiều trong khi nhu cầu tiêu thụ giảm nên giá trong nước cũng giảm mạnh. Nhiều hộ trồng cao su tiểu điền, nuôi cá tra, nuôi tôm đang rất khó khăn do không thể trả nợ ngân hàng, thiếu vốn để tiếp tục duy trì sản xuất.

Không những vậy, hiện nay trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản có khoảng 954 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (824 dự án nông, lâm nghiệp và 130 dự án thủy sản) với nguồn vốn đầu tư khoảng 4.654 triệu USD. Tuy nhiên việc đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp đang bị suy giảm do các nhà đầu tư nước ngoài thiếu hụt nguồn tài chính để thực hiện dự án. Tuy vốn cam kết lớn nhưng lượng vốn thực hiện giảm do ngân hàng thắt chặt cho vay và khó huy động được các nguồn vốn khác. Không chỉ đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm mà đầu tư trong nước cũng sụt giảm do các nhà đầu tư có xu hướng rút vốn hoặc chờ đợi tình hình.

 Các hiệp hội, tập đoàn đang "gồng mình chống đỡ"

Trong vài tháng qua, trùng lặp với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là sự sụt giảm mạnh mẽ của giá nông sản thế giới. Các ngành hàng của Việt Nam, từ gạo, cà phê, đến cao su, điều… đồng loạt rơi vào cảnh điêu đứng.

 Ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hộ Gỗ cho biết: Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã ảnh hưởng tới sản phẩm gỗ ở 4 lĩnh vực. Nếu như mọi năm, các đơn đặt hàng tính đến thời điểm tháng 9 hoặc tháng 10 đã đạt khoảng 70-80% cho năm sau, nhưng năm 2008 chưa đạt được 30%. Bên cạnh đó, do thị hiếu người tiêu dùng cũng đã bị giảm vì giá sản phẩm gỗ cao khiến nhiều làng nghề gặp khó khăn trong sản xuất. Ngoài ra, các mặt hàng nội thất xuất khẩu cũng đang bị giảm dần do thị trường lớn là Hoa Kỳ đang hạn chế nhập khẩu. Cũng do cuộc khủng hoảng tài chính khiến nhiều doanh nghiệp trong nước hiện nay không đầu tư hoặc đầu tư ít cho sản xuất do sản phẩm không bán được. Vì vậy, việc sản xuất của những doanh nghiệp này chủ yếu nhằm mục đích duy trì và bảo toàn vốn. Cũng theo ông Quyền thì hiện nay các doanh nghiệp gỗ đang phải xác định lại kế hoạch và định hướng sản xuất mặt hàng nào là chủ yếu để đưa ra tỷ lệ phát triển phù hợp. Đồng thời các doanh nghiệp phải liên kết lại để nhận đơn hàng mới nhằm tránh rủi ro.

 Có lẽ mặt hàng chịu tác động mạnh chính là cao su khi theo dự báo của các chuyên gia kinh tế giá dầu thô có khả năng tiếp tục giảm sẽ kéo theo giá cao su xuống mức rất thấp. Theo Tập đoàn Cao su Việt Nam thì cuộc khủng hoảng tài chính thế giới có tác động rất lớn đối với ngành cao su. Mặc dù doanh thu năm nay tăng nhưng lợi nhuận lại giảm ảnh hưởng đến đời sống của công nhân. Để khắc phục tình trạng khủng hoảng, Tập đoàn đang hạn chế tối đa các mức đầu tư, tiết kiệm mọi chi phí để đảm bảo vốn.

 Các giải pháp khắc phục

Theo Vụ Kế hoạch thì có 3 phương án để khắc phục cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu với các mức độ phục hồi nhanh trong quý I/2009. Tuy nhiên do mức tăng giá của các mặt hàng nông sản trong 10 tháng đầu năm 2008 là rất cao, đạt mức kỷ lục từ trước đến nay kéo theo giá trung bình cả năm cũng ở mức cao. Vì vậy, cho dù kinh tế thế giới và thương mại hàng nông sản có phục hồi nhanh cũng không kỳ vọng đạt được mức giá bình quân của năm 2008 ngay trong năm 2009, khối lượng hàng xuất khẩu cũng không có điều kiện tăng nhiều do đã qua một vụ sản xuất đông xuân. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu của phương án này là 15,3 tỷ USD, bằng 95% kim ngạch năm 2008, nhưng tăng 21% so với năm 2007. Đây là phương án lạc quan mặc dù nông sản xuất khẩu tuy không đạt được mức giá cao như 10 tháng đầu năm 2008 nhưng vẫn là mức giá cao, có lợi cho người sản xuất và doanh nghiệp trong bối cảnh giá vật tư và đầu vào đã xuống thấp.

 

Cũng theo Vụ Kế hoạch thì một trong những giải pháp để giữ ổn định sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi... là ngành lương thực, phải giữ vững sản lượng để đảm bảo an ninh lương thực, phục vụ xuất khẩu 4,5 đến 5 triệu tấn gạo; ngành chăn nuôi, thủy sản cần tận dụng cơ hội giá nguyên liệu đầu vào giảm để thúc đẩy sản xuất, chiếm lĩnh thị trường trước khả năng thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam sẽ nhiều với giá rẻ. Công tác thông tin, dự báo thị trường phải được cải thiện mạnh mẽ để có thể tận dụng những cơ hội thuận lợi trên thị trường đảm bảo người nông dân có thể ứng phó linh hoạt hơn.

 

Ông Trang Hiếu Dũng, Trung tâm tư vấn chính sách cho rằng, thị trường trong nước vẫn chưa được chú ý đến khi các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của chúng ta như cà phê, hạt điều, chè đều hướng ngoại tới 80-90% sản lượng. Vì vậy cần phải chiếm lĩnh lại thị trường này bằng nâng cao chất lượng, công nghệ chế biến, tăng kích cầu nội địa, đồng thời xây dựng hàng rào kỹ thuật quản lý chất lượng nông sản nhập khẩu, cải thiện hệ thống lưu kho, phân phối nông sản trong nước. Về an sinh xã hội, giải pháp được đề xuất là tập trung hỗ trợ vốn cho các hộ nghèo, tăng dự trữ quốc gia để có thế cung cấp cho người dân phục hồi sản xuất khi bị thiên tai, dịch bệnh.

 

(Theo báo Hà nội mới )

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi