Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Gánh nặng của nền kinh tế gia công

Cần nhìn nhận lại thực chất của nền kinh tế tăng trưởng nhờ xuất khẩu của ta. Cái đạt được hiện nay có thể gọi là một nền kinh tế gia công, khác hẳn nền kinh tế công xưởng của Trung Quốc. Và cần phải thoát khỏi nó - Ts.Vũ Quang Việt.


Tăng trưởng tùy thuộc xuất khẩu

Trong một bài viết ngày 8/2/2009, tôi cho rằng GDP Việt Nam năm 2009 chắc chỉ tăng 3-4%. Đấy là dựa trên dự đoán về xuất khẩu giảm 15%, sau khi theo dõi tỷ suất xuất khẩu giảm mạnh khoảng 25% cho toàn khu vực châu Á. Sau đó đầu tháng tư Tổng cục Thống kê công bố GDP quí I chỉ tăng 3,1%. Điều này phù hợp với cái nhìn của tôi. 

Thống kê xuất khẩu quí I, sau khi loại giá trị xuất khẩu vàng, cũng cho thấy xuất khẩu Việt Nam giảm 15%. Khi tính lại tương đối cẩn thận hơn trong bài viết mới đăng trên Kinh tế Sài Gòn, nếu xuất khẩu giảm 15% (tính theo giá cố định) cả năm, thì GDP Việt Nam khó tăng hơn 3-4%. 

Nhóm kinh tế gia của Thời báo Economist cho rằng GDP không tăng năm 2009 vì họ dự đoán xuất khẩu giảm 30%. IMF dự báo GDP Việt Nam tăng 4,8% vì cho rằng xuất khẩu giảm 15% (tính theo giá hiện tại), tức là giảm ít hơn 15% tính theo giá cố định. Điều này nói lên rằng dự báo tăng trưởng tùy thuộc rất nhiều vào dự báo xuất khẩu.

 

Khả năng tăng xuất khẩu là yếu tố quyết định tốc độ tăng GDP.

 

Do nền kinh tế quá phụ thuộc vào xuất khẩu, (xuất khẩu bằng 70% GDP), tệ hơn nó còn phụ thuộc vào nhập khẩu ở mức độ cao hơn, lên tới hơn 90% GDP, nên khả năng tăng xuất khẩu là yếu tố quyết định tốc độ tăng GDP.

 

Điều đáng quan tâm không chỉ là tỷ lệ tăng GDP, thậm chí nó chưa phải là điều đáng lo bằng tỷ lệ nhập siêu ngày càng tăng “chóng mặt”. Đây chính là một trong những chỉ số nói lên rằng nền kinh tế ta hoàn toàn không bền vững. Tỷ lệ nhập siêu ở mức trên 5% đã là tỷ lệ báo động. Nhưng ở Việt Nam tỷ lệ này đã ở mức 25%. 

Tỷ lệ nhập siêu so với GDP

2000

2001

2002

2003

2004

2005

2006

2007

2008

-2%

-2%

-5%

-8%

-8%

-5%

-5%

-13%

-25%

 

Chạy theo tăng trưởng 

Cái may là cuộc khủng hoảng năm 2008 do chính sách chạy theo chỉ số tăng GDP tạo ra và bây giờ là khủng hoảng kinh tế thế giới đã khiến chính phủ phải tạm đình lại chính sách chạy theo chỉ tiêu này. 

Đình lại để đánh giá một cách rốt ráo về chính sách trong quá khứ, để xem xét thấu đáo về chính sách cho tương lai có phải là điều đang được thực hiện không thì tôi không thể biết. Rõ ràng, ít nhất từ năm 2002 ta sống khá vì dòng vốn nước ngoài đổ vào. Càng quyết chạy theo chỉ tiêu tăng GDP cao càng đẩy nền kinh tế lún vào nhập siêu. 

May mắn là dòng vốn mới chỉ đổ vào Việt Nam có mức độ. Nếu đổ vào nhiều và kéo dài thì vừa qua khó tránh được cuộc khủng hoảng lớn và sâu rộng hơn nhiều.

 

Chúng ta cần nhìn nhận lại thực chất của nền kinh tế tăng trưởng nhờ xuất khẩu của ta.

 

Nếu các nhà làm chính sách chỉ thấy màu hồng của dòng vốn nước ngoài và không thấy nguy cơ vừa nói này thì đó là điều đáng trách.

Làm sao thoát khỏi tình trạng các con số nhập siêu ngày càng tăng lên như trên là điều mà các nhà chính sách cần tự hỏi? 

Thoát khỏi kinh tế gia công 

Chúng ta cần nhìn nhận lại thực chất của nền kinh tế tăng trưởng nhờ xuất khẩu của ta. Lúc đầu vì quá lạc hậu và ở mức thiếu đói nên mở ra được là tốt. Nhưng tính từ ngày Đổi mới thực sự từ năm 1989, chính sách kiểu này đã kéo dài 20 năm rồi. 

Cái đạt được hiện nay có thể gọi là một nền kinh tế gia công, khác hẳn nền kinh tế công xưởng của Trung Quốc. Và cần phải thoát khỏi nó. 

Nền kinh tế công xưởng là nền kinh tế dựa vào xuất khẩu, nhưng là điểm tựa để phát triển là cái mà ta gọi là công nghệ phụ trợ. Từ nhu cầu của nước ngoài, nông nghiệp và công nghiệp nội địa phát triển nhằm sản xuất ra vật tư, kể cả máy móc để phục vụ công xưởng xuất khẩu. 

Nó là đầu tàu tạo phát triển công nghiệp và công nghệ nội địa, và tạo công ăn việc làm. Nền kinh tế đó có xuất khẩu lớn hơn nhập khẩu, do đó tạo thêm vốn và dự trữ ngoại tệ lớn. Dự trữ ngoại tệ của nền kinh tế công xưởng Trung Quốc hiện nay lên tới khoảng 2000 ngàn tỷ USD. 

Nền kinh tế gia công như của ta hiện nay thì khác hẳn. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài và tổ chức nhằm phục vụ nhu cầu của nước ngoài. Nó không những phải nhập khẩu nguyên vật liệu mà còn có thể lại phải mượn tiền để xây dựng nhà máy, bằng cách bán khoáng sản và vay mượn để có ngoại tệ. 

Do dựa vào dòng vốn nước ngoài, lại cố chạy theo tốc độ, nó dễ trở thành bãi rác công nghiệp, nhập công nghệ lạc hậu ô nhiễm môi trường mà nước khác thải ra. Nhưng vì phải phục vụ dòng vốn đó, ta phải xây hạ tầng cơ sở: giao thông vận tải, điện nước, vì thế, suất đầu tư cho một đơn vị sản phẩm rất cao. 

Hệ quả của nền kinh tế gia công 

Xin nói rõ thêm:

 Thứ nhất, nền kinh tế gia công dễ trở thành bãi rác cho công nghệ lạc hậu. Nó nhập khẩu máy móc lạc hậu nước khác thải ra, và tự trả giá cho ô nhiễm và phá hoại môi trường mà những công nghiệp lạc hậu này gây ra. 

Tình hình này đã đến mức báo động ở Việt Nam. Cho đến nay có nhiều người đặt vấn đề phải tính để trừ đi khỏi GDP chi phí bỏ ra để xử lý những tiêu cực này. Nhưng thật ra, hầu hết các nước kể cả các nước giàu chỉ nói về GDP xanh cho vui là chính, vì đo đạc chúng không đơn giản chút nào.

Có lần Hàn Quốc muốn cộng tác với văn phòng Liên Hợp Quốc dựa vào mô hình tôi phát triển để tính ảnh hưởng môi trường, nhưng rồi bỏ cuộc vì không có đủ số liệu và quá tốn kém cho một cục Thống kê bỏ tiền thu thập số liệu cần thiết. 

Vấn đề chỉ có thể giải quyết khi chính quyền có ý thức cao về ô nhiễm, về tàn phá môi trường, và sẵn sàng áp dụng luật xử lý những người vi phạm.

Đòi hỏi chính quyền có ý thức cao cũng chẳng khác gì nằm chờ sung rụng vào miệng. Nếu vẫn để các nhóm lợp ích gây áp lực, mua chuộc chính quyền hoặc vẫn vin cớ tránh tăng giá thành, giảm lợi nhuận do đó, làm giảm sức hút đầu tư, tạo công ăn việc làm ở địa phương thì mục tiêu đó không thể đạt.

Đã đến lúc cộng đồng nhân dân bị ảnh hưởng phải dùng luật pháp để hành động bảo vệ mình.

Vấn đề ô nhiễm do công ty Vedan gây ra và hàng loạt các vụ việc khác vẫn chưa được giải quyết. Chắc dân hai thành phố Hà Nội và Tp. HCM bị một tổ chức quốc tế đánh giá là 2 trong 20 thành phố tệ nhất thế giới về môi trường sống phải nghĩ gì chứ?

 

Nền kinh tế gia công dễ trở thành bãi rác cho công nghệ lạc hậu.

 

Thứ hai, nền kinh tế gia công lại đòi hỏi đầu tư về hạ tầng cơ sở rất lớn. Để phục vụ nền kinh tế gia công hay nền kinh tế công xưởng, thì ngoài đầu tư về máy móc, nhà xưởng, nền kinh tế, dù loại nào, cũng lại phải tự bỏ tiền rất lớn như nhau đầu tư vào hạ tầng để phục vụ việc sản xuất và phân phối ra cùng một sản phẩm.

Do đó mà nền kinh tế gia công đòi hỏi quá nhiều đầu tư cho một giá trị gia tăng - cái tạo thành GDP (vì cùng một giá trị sản phẩm thì giá trị gia tăng của sản phẩm gia công rất thấp, nhiều trường hợp chỉ bằng 5-10% giá trị sản phẩm). 

Điều này cũng giải thích là tại sao tỷ số phát tán ảnh hưởng (multiplier) khi tăng cầu trong nền kinh tế Việt Nam chỉ có 1,07 (tức là bỏ ra đầu tư 1 đồng thì chỉ tạo ra được 1,07 đồng) so với các nước khác có thể tạo ra đến 1,50 đồng. Tính phát tán ít như vậy vì cái gì cũng phải nhập khẩu. 

Đây cũng là lý do mà tỷ lệ ICOR, tức là tỷ lệ đầu tư trên tỷ lệ tăng GDP (tính theo giá cố định), ở Việt Nam có vẻ ngày càng tăng, và vượt hẳn các nước khác. Nếu so với tỷ lệ 3,9 ở Trung Quốc hay 3,0 ở Hàn Quốc, thì để làm ra một đồng sản phẩm, Việt Nam phải đầu tư hơn 80% so với Hàn Quốc và hơn 40% so với Trung Quốc. 

Chỉ số ICOR chỉ là một cách tính, chính xác và tốt hơn là phải đo lường xem tốc độ phát triển có nguồn gốc từ yếu tố sản xuất nào. 

Chỉ số ICOR của Việt Nam, 2001-2007

 

2005

2006

2007

ICOR ratios

4.85

5.04

5.38

Nguồn: Dựa vào số liệu của Tổng cục Thống kê 

Có một anh bạn vừa tính đại khái (vì số liệu của Việt Nam không được xây dựng đầy đủ) là phát triển của Việt Nam là do đầu tư xây dựng tràn lan, chứ không phải vì năng suất. Năng suất từ công nghệ và quản lý gần như không đóng góp gì cho phát triển. 77% của tốc độ tăng GDP là vì do tăng đầu tư, và 19% là do tăng lao động. Tức là một nền kinh tế tăng trưởng kiểu “lấy thịt đè người”.

Chính vì thế mà tỷ lệ tích lũy của Việt Nam đã lên đến 41,6% GDP, một tỷ lệ cao nhất thế giới. Cần phải thấy là giới nghiên cứu lịch sử phát triển kinh tế thế giới đã cho là nền kinh tế có thể đi vào cất cánh nếu như tỷ lệ tích lũy là 25% GDP.

( Theo vietnamshippe )

  • Tìm cách cạnh tranh trên "sân nhà"
  • Công nghệ Trung Quốc!
  • Áp dụng giá điện giờ cao điểm : Những bức xúc chưa được giải đáp
  • Dấu hiệu bất ổn từ các “lỗ hổng” của kinh tế Việt Nam
  • "Điểm mặt" lực cản liên kết phát triển kinh tế các tỉnh Miền trung
  • Việc làm và ngân sách
  • Lựa chọn chính sách: Cái giá của những bài học
  • Tập đoàn và chuyện minh bạch thông tin
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi