Theo một số chuyên gia, tính công khai, minh bạch là yếu tố cơ bản cho chiến lược quản lý nợ công.
![]() |
Ảnh minh họa |
Tại hội thảo “Quản lý và giám sát tài chính công trước những vấn đề về nợ công ở châu Âu và những hàm ý đối với Việt Nam” do Ủy ban Giám sát tài chính tiền tệ quốc gia (GSTCQG), Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Đại sứ quán Ireland tổ chức ngày 2/7, một số vấn đề vận dụng kinh nghiệm quản lý nợ công của các nước và những giải pháp đặt ra cho quản lý nợ công ở Việt Nam đã được nêu ra.
Theo ông Nguyễn Thành Đô, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), năm 2009, tỷ lệ nợ Chính phủ so với GDP, các chỉ tiêu nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia đều trong giới hạn an toàn.
Phần lớn các khoản vay nước ngoài của Chính phủ có kỳ hạn dài, lãi suất ưu đãi. Mức lãi vay trung bình nợ nước ngoài của Chính phủ năm 2009 là 1,9%/năm, năm 2010 là 2,1%/năm.
Hình thức huy động vốn ngày càng đa dạng và linh hoạt, công tác quản lý nợ ngày càng tốt hơn, dần tiếp cận thông lệ quốc tế.
Ông Nguyễn Thành Đô cho rằng, giới hạn an toàn nợ quốc gia ở mỗi nước khác nhau, chẳng hạn với Nhật Bản trên 100% GDP vẫn có thể ở mức an toàn, các nước khác có thể 60% là rơi vào tình trạng khủng hoảng nợ công. Việc đánh giá nợ công cần phải căn cứ vào dự trữ ngoại hối, tính linh hoạt thị trường, hiệu quả đầu tư (hệ số ICOR)….
Góp ý định hướng quản lý nợ công thời gian tới, theo ông Nguyễn Thành Đô, cần hoàn thiện khung pháp lý về quản lý nợ công, kiểm soát nợ quốc gia ở ngưỡng an toàn bằng việc tiếp tục hoàn thiện chính sách quản lý vốn ODA, vay ưu đãi, phát hành trái phiếu, quản lý phòng ngừa rủi ro…; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay; thu thập, báo cáo, công khai các chỉ tiêu giám sát an toàn nợ; xây dựng quy chế quản lý rủi ro.
Đặc biệt, cần công khai, minh bạch hóa thông tin danh mục nợ Chính phủ và nợ nước ngoài quốc gia, các chỉ tiêu giám sát nợ, các chiến lược nợ, và các báo cáo đánh giá an toàn, bền vững nợ trên website của Bộ Tài chính về thông tin nợ quốc gia.
Ông Seth Bleiweis, Chuyên gia Bộ Tài chính Mỹ, cũng cho rằng một trong những yếu tố cơ bản cho chiến lược quản lý nợ công là tính minh bạch. Ví dụ, khi thực hiện đấu giá trái phiếu Chính phủ, lịch đấu giá được công bố hàng quý cho những nhà đầu tư để họ có thể phân tích dự báo, cân nhắc các ý tưởng đầu tư.
Ông Seth Bleiweis cho biết, những thông tin liên quan đến nợ công từ Văn phòng quản lý nợ, Cơ quan nợ công, Thông tin Cục dự trữ liên bang Mỹ đều được cập nhật trên mạng internet.
Ở góc độ tài chính tiền tệ, ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Uỷ ban GSTCTTQG nhận xét, khủng hoảng nợ châu Âu có ảnh hưởng đến tình hình phát triển và tăng trưởng của Việt Nam, lãi suất thấp ở các nước trong khi cao ở Việt Nam sẽ là bất lợi về chi phí cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Nghĩa cho rằng, Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ nợ công thông qua kiểm soát thâm hụt ngân sách, có chiến lược về huy động sử dụng hiệu quả nợ công trong trung và dài hạn.
(Theo Huy Thắng // Tin Chính phủ)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com