Được cho là nhằm mục đích chống hàng gian, hàng giả, một vấn nạn trên thị trường gas, tuy nhiên, sự ra đời của Nghị định 107 đã làm xuất hiện 2 luồng ý kiến trái chiều và nhiều vướng mắc.
Khi một con đường mới hình thành, thời gian đầu sẽ có ít xe cộ qua lại, do đó chẳng có chuyện gì phải bàn. Nhưng thời gian trôi qua, đường có nhiều xe hơn, tai nạn cũng nhiều hơn. Lúc ấy, đèn giao thông sẽ giúp đường phố có trật tự, thông thoáng và có lợi cho người đi. Thị trường gas Việt Nam hiện nay cũng thế. Ông Lê Phúc Đại, Tổng Giám đốc Công ty Năng lượng Đại Việt (Vinagas), mở đầu câu chuyện.
Nghị định 107 (Nghị định) của Chính phủ ban hành hồi đầu năm chính là đèn giao thông nêu trên. Theo ông Đại, vì trước đây thị trường gas phát triển quá tự do nên mới xảy ra tình trạng không đồng bộ và tồn tại nhiều sai phạm. Nghị định này sẽ là hành lang pháp lý để thị trường phát triển minh bạch hơn. Tuy nhiên, ông cũng công nhận rằng, Nghị định vẫn còn những điểm thiếu thực tế đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vậy, những doanh nghiệp này phải làm gì để tiếp tục tồn tại?
Còn nhiều vướng mắc
Điểm thiếu thực tế đó là việc trong 9 tháng (từ tháng1-9.2010), các doanh nghiệp phải đáp ứng được 300.000 vỏ bình gas và bồn chứa 800 m3. Do thị trường có nhiều doanh nghiệp mang tính địa phương, chỉ hoạt động trong một quận hoặc một tỉnh, nên con số trên là không cần thiết. Thị trường của họ không đủ lớn để có thể tiếp nhận số vỏ và bồn chứa đó.
Tuy nhiên, theo ông Đại, trong những doanh nghiệp chưa thể đáp ứng được yêu cầu trên, có đến 90% doanh nghiệp có dấu hiệu làm hàng gian, hàng giả, đặc biệt là về vỏ bình. Do đó, khi Nghị định đi vào thực tế, sẽ làm thị trường gas phát triển minh bạch hơn.
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Bình Khí Đốt Hong Vina (TP.HCM), thì cho rằng, thời gian 9 tháng sẽ làm cho các doanh nghiệp không kịp trở tay. Ông ước tính, một doanh nghiệp sản xuất vỏ bình gas có công suất khá lớn chỉ sản xuất được khoảng 300.000 vỏ bình/năm. Như vậy, để một doanh nghiệp kinh doanh gas đáp ứng được 300.000 vỏ thì phải có một công ty sản xuất vỏ bình hoạt động hết công suất của 1 năm. Tuy nhiên, cả nước hiện nay chỉ có khoảng 14-15 công ty sản xuất vỏ bình gas, trong khi số lượng doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của Nghị định là gần 100. Do đó, dù có vốn, các công ty cũng khó lòng “lớn” ngay được trong 9 tháng.
Một vấn đề vướng mắc nữa là trong 10 năm qua, lượng vỏ bình gas của các công ty nhỏ tung ra thị trường rất nhiều, chiếm khoảng 70-80%. Những bình gas này sẽ được giải quyết như thế nào khi Nghị định đi vào thực tế? Tại Thái Lan, khi cải cách thị trường gas, Nhà nước đã trợ giá cho Công ty PTT (thuộc Ủy ban Dầu khí Quốc gia Thái Lan) mua lại toàn bộ để cải tạo hoặc tái chế. Còn tại Việt Nam, việc này chưa có hướng giải quyết.
Giám đốc Công ty Phân Phối Khí Đốt Gas Thủ Đức, ông Chu Văn Đức, cho rằng, Nghị định sẽ là con đường dẫn tới độc quyền và lũng đoạn giá bán, đặc biệt là tại các địa phương, khi đó sẽ chỉ có 1-2 doanh nghiệp kinh doanh gas. Hơn nữa, Nghị định cũng chặn luôn con đường tham gia thị trường gas của nhà đầu tư. “Bởi không có công ty nào mới tham gia mà đầu tư ngay 300.000 vỏ và bồn 800 m3 khi chưa bán được giọt gas nào”, ông Đức nhấn mạnh.
Hiện nay, Công ty Phân Phối Khí Đốt Gas Thủ Đức có khoảng 100.000 vỏ và bồn 100 m3, tức trong vòng 9 tháng, doanh nghiệp này phải tăng trưởng ít nhất vài trăm phần trăm mới đạt tiêu chuẩn. Ông Đức cho rằng đây không phải rào cản về kỹ thuật mà là về quy mô. Nghị định sẽ làm cho thị trường gas quay lại thời kỳ bao cấp, có quy mô rồi các công ty mới tìm thị trường chứ không phải từ nhu cầu thị trường các công ty mới phát triển quy mô để đáp ứng.
Đường nào cho doanh nghiệp?
Thời hạn áp dụng Nghị định chỉ còn khoảng hơn 1 tháng nữa, liệu có con đường nào cho các doanh nghiệp chưa đáp ứng được tiêu chuẩn?
Bà Lê Thị Anh Mẫn, Chi hội Trưởng Chi hội Gas miền Nam, cho rằng, có 2 con đường cho những doanh nghiệp vẫn muốn phát triển trong ngành này. Thứ nhất là phải đầu tư thỏa mãn điều kiện của Nghị định. Cách này đã có doanh nghiệp làm được như Công ty MTGas. Tuy nhiên, đại đa số các doanh nghiệp (quy mô nhỏ) sẽ không chọn cách này.
Con đường thứ hai, theo bà Mẫn, là hoàn toàn khả thi. Các doanh nghiệp sẽ sáp nhập lại, đăng ký nhiều nhãn hiệu và vẫn phát triển nhãn hiệu riêng như trước sáp nhập. Điều này có nghĩa, những doanh nghiệp này chỉ sáp nhập trên giấy tờ, còn về sản phẩm thì vẫn phát triển bình thường như trước. “Khi quy mô đủ lớn, họ lại tách ra riêng. Trong kinh doanh, đây là việc hoàn toàn bình thường”, bà nói.
Cả ông Đại (Vinagas) lẫn ông Quỳnh (Hong Vina) đều cho rằng, nếu là mình thì cũng sẽ chọn giải pháp sáp nhập. Tuy nhiên, ông Đức, Thủ Đức Gas, lại nói: “Chúng tôi không yêu nhau, sao lại bắt cưới nhau?”.
Theo ông, mỗi công ty có tiêu chí hoạt động, cách thức tổ chức khác nhau, phân khúc riêng và không dễ dàng gì để có thể hòa thuận ngồi chung trên một con thuyền. Hơn nữa, tại những tỉnh, vùng sâu vùng xa, có khi mỗi nơi chỉ có 1 công ty gas, vậy phải có ít nhất 2, 3 công ty thuộc 2, 3 tỉnh sáp nhập lại, đó là điều rất khó khăn. Do đó, ông cho rằng giải pháp sáp nhập là không khả thi.
Gas Thủ Đức cũng là doanh nghiệp chưa đáp ứng được tiêu chí của Nghị định. Và ông Đức khẳng định Công ty đã dự tính nhiều cách để tồn tại nhưng không phải bằng cách sáp nhập hay cổ phần hóa. Ông cho biết thêm, hiện tại, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục gửi đơn xin thay đổi Nghị định.
Có minh bạch hơn?
Ra đời từ những năm 1990, chỉ mới phát triển được khoảng 10 năm nhưng hiện nay, thị trường gas Việt Nam đã có khoảng 100 doanh nghiệp kinh doanh gas lớn nhỏ tham gia. Điều đáng nói là thị trường phát triển khá tự do, các doanh nghiệp không phải chịu sự điều chỉnh, quản lý của bất kỳ quy định nào, ngoài Thông tư 14 về thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Do đó, thời gian qua thị trường gas bị nhận định là phát triển rất bát nháo.
Tuy nhiên, ông Quỳnh, Hong Vina, cho rằng, Nghị định ra đời là một chuyện, việc triển khai thực hiện như thế nào mới là quan trọng. Không biết thị trường sẽ phát triển về đâu, chỉ có một điều nhãn tiền đó là nếu các công ty cố gắng đáp ứng tiêu chí của Nghị định thì sẽ xảy ra thừa cung, thừa rất nhiều. Bởi hiện nay, lượng vỏ trên thị trường đã thừa. Ông ước tính, thị trường đang thừa ít nhất 2 triệu vỏ bình.
Cùng chung nhận định này, bà Mẫn, Chi hội Gas miền Nam, cho rằng chính triển khai thực hiện mới quyết định thị trường có phát triển được đồng bộ và có giải quyết được tình trạng hàng gian, hàng giả hay không. Tuy nhiên, bà Mẫn lại cho rằng Nghị định ra đời là hoàn toàn hợp lý.
Trong khi đó, ông Đức, Gas Thủ Đức, nhận xét hiện tượng bát nháo trên thị trường thời gian qua không hẳn chỉ do tác động của các công ty nhỏ. Một số công ty lớn cũng làm hàng gian hàng giả và có nhiều vi phạm. Ông cho rằng những doanh nghiệp nhỏ làm ăn không đàng hoàng thì thường do các trạm chiết gas không có vỏ bình, sau đó nạp gas vào bình của doanh nghiệp khác bán kiếm lời. Còn những cách như cắt tai (bình gas), mài logo chữ nổi để chiếm dụng bình thì phải là những doanh nghiệp có quy mô khá lớn mới có điều kiện để làm, những doanh nghiệp nhỏ thì không có điều kiện để thực hiện.
Theo ông, sự quản lý hoạt động chưa tốt đã khiến cho thị trường bát nháo. “Nghị định ra đời sẽ không giải quyết được tình trạng vốn có trong thị trường mà chính là cách tiêu diệt những doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông nói
(Nhịp cầu đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com