![]() |
LTS: Tiếp nối ý kiến phân tích tác động của tỷ giá lên ngoại thương trong bài “Tại sao người Việt chưa dùng hàng Việt”, tuần này tác giả tiếp tục phân tích những tác động tương tự lên sản xuất và tiêu dùng trong nước.
Thường thì mạnh sẽ tốt hơn yếu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, điều ngược lại sẽ đem lại nhiều điểm tích cực hơn. Đồng tiền trong nước yếu so với đồng tiền bên ngoài là một ví dụ. Chúng ta biết rằng hàng hóa dịch vụ các doanh nghiệp sản xuất ra sẽ hoặc tiêu thụ ở thị trường trong nước, hoặc là xuất khẩu. Đối với một nền kinh tế nhỏ như Việt Nam thì giá của gần như tất cả các mặt hàng đều phải theo giá thế giới. Điều gì sẽ xảy ra khi tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng tăng lên, ví dụ là 20.000 hay nói cách khác là đồng Việt Nam mất giá khoảng 12%? Xin được bắt đầu từ ngành sản xuất phân bón, sản phẩm mà Việt Nam đang phải nhập khẩu rất nhiều. Thông tin ngày 23-10 trên website của Đạm Phú Mỹ cho biết giá nhập khẩu một tấn phân urê Trung Đông là 260 đô la Mỹ. Với tỷ giá là 17.856 đồng, tính ra giá nhập khẩu sẽ là 4.642 đồng/ki lô gam. Cộng thêm thuế nhập khẩu, các chi phí vận chuyển, bảo hiểm, lợi nhuận của nhà nhập khẩu và các nhà phân phối thì giá bán ra giả sử sẽ bằng với giá bán của Đạm Phú Mỹ ở mức 6.200 đồng/ki lô gam. Khi tỷ giá lên đến 20.000 thì giá nhập khẩu (chưa tính các chi phí khác) sẽ là 5.200 đồng/ki lô gam, tăng 557 đồng. Để giữ mức lợi nhuận hiện tại cho các nhà nhập khẩu và phân phối, giá bán trong nước sẽ vào khoảng 6.800 đồng, tăng 10% so với giá ban đầu. Lúc này các nhà sản xuất phân trong nước sẽ có thêm lợi nhuận và sẽ mở rộng sản xuất cho dù mức lợi nhuận tăng thêm có thấp hơn một chút do các yếu tố đầu vào khác cũng gia tăng chút đỉnh. Kết quả là lượng sản xuất trong nước tăng, nhập khẩu giảm dẫn đến thâm hụt cán cân thương mại giảm theo và tình hình kinh tế vĩ mô được cải thiện. Sẽ có người lập luận rằng, tăng giá như vậy sẽ chết những người sản xuất nông nghiệp như cây lúa chẳng hạn vì phân bón chiếm đến 40% giá thành sản xuất. Điều này sẽ không xảy ra vì giá phân bón tăng 10% sẽ làm giá thành 1 ki lô gam gạo chỉ tăng khoảng 4% trong khi do giá gạo xuất khẩu tính bằng đồng đô la sẽ không thay đổi (giả sử ở mức 400 đô la Mỹ/tấn), nên tính ra tiền đồng, giá gạo lúc này sẽ tăng 857.600 đồng/tấn hay 12%. Như vậy, mỗi ký gạo sẽ cho thêm vài ba trăm đồng lợi nhuận sau khi trừ các yếu tố tăng giá đầu vào khác.Kết quả hiển nhiên của việc định giá đồng tiền có giá trị thấp sẽ giúp cho hầu như tất cả mọi người trong xã hội khấm khá hơn, trừ những nhà nhập khẩu và phân phối hàng nhập khẩu. Nhưng đây chính là mục tiêu của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Lúc này ngành lúa gạo nói riêng, các ngành xuất khẩu nói chung sẽ hưởng lợi từ việc đồng tiền trong nước bị mất giá nên sẽ gia tăng sản xuất, gia tăng xuất khẩu làm thâm hụt ngoại thương được giảm thiểu và tình hình kinh tế vĩ mô được cải thiện.
Tuy nhiên, một lần nữa sẽ có người lập luận rằng các ngành sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước sử dụng phân bón nhưng không xuất khẩu như ngành mía đường chẳng hạn sẽ thiệt hại. Cũng một lần nữa, câu trả lời là không vì tương tự như ngành phân bón, để đảm bảo lợi nhuận cho nhà nhập khẩu và nhà phân phối, giá đường bán trong nước sẽ tăng gần bằng mức đồng tiền giảm giá, trong khi giá thành sản xuất đường trong nước sẽ tăng thấp hơn mức này. Kết quả là các nhà sản xuất đường, những người trồng mía sẽ có lãi nhiều hơn và sẽ gia tăng sản xuất, lượng đường tiêu thụ trong nước có thể giảm một chút, nhưng lượng nhập khẩu sẽ giảm nhiều hơn dẫn đến thâm hụt ngoại thương được giảm thiểu và tình hình kinh tế vĩ mô được cải thiện. Như vậy, khi đồng tiền giảm giá tất cả các ngành sản xuất hàng xuất khẩu đều có lợi do giá bán sản phẩm đầu ra tăng cao hơn chi phí đầu vào. Kết quả là sản xuất được mở rộng để tạo ra nhiều hàng hóa và giá trị gia tăng hơn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là người tiêu dùng trong nước sẽ chịu ảnh hưởng do giá cả gia tăng. Thực ra, khi giá các hàng hóa ngoại thương gia tăng sẽ dẫn đến việc tăng giá ở khu vực phi ngoại thương. Khi đó lợi nhuận của khu vực ngoại thương sẽ giảm một chút và lợi nhuận của khu vực phi ngoại thương sẽ gia tăng. Đây chính là quá trình tái phân bổ lợi nhuận bên trong nền kinh tế. Thêm vào đó, trong một nền kinh tế, tất cả người lao động có việc làm chỉ làm hoặc là cho khu vực kinh doanh hoặc là khu vực không kinh doanh. Những người làm ở khu vực kinh doanh sẽ hưởng lợi trực tiếp như phân tích ở trên. Đối với những người làm hưởng lương từ ngân sách nhà nước, do kinh tế khấm khá hơn nên ngân sách sẽ thu được nhiều hơn làm cho việc tăng lương không phải là vấn đề lớn. Kết quả hiển nhiên của việc định giá đồng tiền có giá trị thấp sẽ giúp cho hầu như tất cả mọi người trong xã hội khấm khá hơn, trừ những nhà nhập khẩu và phân phối hàng nhập khẩu. Nhưng đây chính là mục tiêu của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tuy nhiên, mặt trái của chính sách này là áp lực tăng giá, áp lực lạm phát và có thể tạo ra tâm lý lo lắng. Nhưng nếu chính sách tiền tệ và chi tiêu ngân sách được thực hiện một cách hợp lý thì khả năng giữ lạm phát ở mức vừa phải là điều hoàn toàn nằm trong tầm tay. Hơn thế, nếu chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt được xác định một cách rõ ràng thì sự lo lắng của người dân sẽ giảm thiểu rất nhiều nếu không muốn nói những áp lực không đáng có lên đồng tiền có khả năng biến mất. Khi đó dòng chảy của tiền tệ sẽ trơn tru hơn và làm cho việc điều hành chính sách tiền tệ sẽ đơn giản hơn. Cứ nhìn sang người láng giềng Trung Quốc sẽ thấy rất rõ. Phép màu của sự tăng trưởng không ở đâu xa mà nó chính là kết quả từ việc nước này đã chủ ý giữ đồng nhân dân tệ có giá trị thấp hơn so với giá trị thực của nó trong một thời gian rất dài.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com