21 nền kinh tế thành viên APEC (Diễn đàn hợp tác châu Á – Thái Bình Dương) có tổng số dân 2,7 tỷ người, chiếm gần 54% GDP; tổng GDP đạt trên 19 ngàn tỷ USD, xấp xỉ 60% GDP toàn cầu và tổng giá trị giao dịch thương mại đạt 5,5 ngàn tỷ USD, chiếm hơn 57% thương mại thế giới. APEC đã đi được một chặng đường 20 năm. Được thành lập từ tháng 11- 1989, APEC đã là một khu vực kinh tế đóng vai trò đầu tàu trong quá trình ổn định và phát triển của thương mại quốc tế.
Tuổi 20
Ở tuổi 20, APEC đã trải qua 3 giai đoạn thăng trầm trong 2 thập kỷ tồn tại:
Những năm hình thành từ năm 1989 đến năm 1992, APEC thực chất chỉ là một diễn đàn đối thoại khu vực về hợp tác thương mại và đầu tư, dựa trên các nguyên tắc cơ bản là tự nguyện, linh hoạt, không ràng buộc và đồng thuận.
![]() |
Giới thiệu trang phục của lãnh đạo các nền kinh tế dự APEC tại Singapore. |
Những năm APEC hoạt động khá năng động là từ 1993 đến 1997, chủ yếu do Indonesia và Mỹ đỡ đầu, với các mục tiêu Bogor đầy tham vọng được đề ra nhằm đạt được “thương mại và đầu tư tự do và cởi mở trong khu vực”, đi đầu trong việc đàm phán Hiệp định công nghệ thông tin (ITA) có ý nghĩa lớn và đẩy nhanh đà tự do hóa thương mại toàn cầu bằng việc chấp thuận đưa ra chương trình sớm tự nguyện tự do hóa khu vực. Trong những năm này, các nền kinh tế thành viên APEC đã tạo ra xấp xỉ 70% tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Khu vực APEC đã liên tục có sự phát triển kinh tế vượt trội so với các khu vực khác .
Từ 1998 đến 2008, có thể nói APEC bị mất vai trò quan trọng; những sáng kiến ban đầu đã trở nên chệch choạc. APEC đã thất bại trong việc thông qua các quan điểm lãnh đạo về bất cứ vấn đề chủ chốt nào mà nền kinh tế thế giới và khu vực đang đối mặt.
Tuy nhiên nhìn chung, qua 20 năm, APEC đã tạo ra được những thành tựu nổi bật: GDP và thương mại của các nền kinh tế thuộc APEC tăng trưởng ổn định: tổng kim ngạch thương mại của các nền kinh tế APEC tăng 395%, vượt đáng kể so với các nước còn lại trên thế giới và GDP (tính theo sức mua ngang giá) tăng gấp 3, so với mức tăng chưa đến 2 lần của các nước khác.
Năm 1989, các rào cản thương mại trung bình của các nền kinh tế trong khu vực ở mức 16,9% và giảm gần 70% vào năm 2004, xuống còn 5,5%. Nhờ đó, thương mại nội khối (xuất khẩu và nhập khẩu) tăng từ 1.700 tỷ USD năm 1989 lên 8.440 tỷ USD năm 2007, tăng trung bình 8,5% mỗi năm và trong năm này, thương mại nội khối chiếm 67% tổng giá trị thương mại của khối. Trong khi đó, thương mại với bên ngoài tăng từ 3.000 tỷ USD lên 15.000 tỷ USD, tăng trung bình 8,3% mỗi năm, so với mức tăng 7,6% của các nước còn lại trên thế giới.
Hơn 30 hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) đã được ký kết giữa các nền kinh tế thành viên. APEC đang thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư thông qua chương trình nghị sự hội nhập kinh tế khu vực.
Sự đảo chiều
Trong 20 năm qua kể từ khi thành lập, APEC đã chứng kiến sự đảo chiều ngoạn mục giữa Trung Quốc (TQ) và Mỹ với sự thăng trầm trong vị trí của từng bên.
Mỹ - một thành viên sáng lập – giữ vai trò “lãnh đạo” tại khu vực và đang là thị trường hàng hóa xuất khẩu lớn nhất đối với các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương hiện đã bị tụt lại phía sau. Khủng hoảng khu vực tài chính đã kéo nền kinh tế thế giới tụt lại, làm mất tính đáng tin cậy và năng lực của Mỹ với tư cách một nhà lãnh đạo toàn cầu. Mỹ hiện đang trong thế “suy yếu” với nền kinh tế hồi phục khá chậm, đồng USD cũng đã suy yếu.
Gia nhập APEC sau Mỹ 2 năm (11-1991), TQ lúc đó đang trong quá trình chuyển từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường. Đến nay, TQ đang có cuộc bứt phá ngoạn mục và là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, đang gia tăng ảnh hưởng khắp nơi.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn đóng một vai trò “không thể thay thế” tại châu Á trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, chiến lược, an ninh. Hiện Mỹ chiếm hơn 20% lượng xuất khẩu hàng hóa từ châu Á, trong khi TQ chỉ chiếm 6%.
Dù ở bất cứ vị trí nào, TQ và Mỹ cũng là hai nền kinh tế lớn nhất. Họ cũng là những nước gây ô nhiễm nhiều nhất và sẽ quyết định phần lớn những hậu quả của sự thay đổi khí hậu. Họ chi phối hai nhóm thành viên, phát triển và đang phát triển, mà mỗi nhóm chiếm khoảng 1/2 sản lượng của thế giới. Họ ở hai phía của sự mất cân bằng toàn cầu với tư cách là những nước chủ nợ/thặng dư và con nợ/thâm hụt lớn nhất trên thế giới. Do đó, TQ và Mỹ có vai trò lớn đối với sự thành công và ổn định không chỉ của riêng APEC mà còn của nền kinh tế thế giới.
Cơ cấu mới cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương?
Australia và Nhật Bản - hai nước sáng lập APEC - gần đây có sáng kiến xây dựng cơ cấu mới cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đề xuất “Cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương (APC)” của Thủ tướng Australia Kevin Rudd và một bên là ý tưởng “Cộng đồng Đông Á (EAC)” của tân Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama.
Cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương của ông Rudd được mô tả là “một thể chế khu vực trải dài khắp châu Á - Thái Bình Dương’’, bao gồm cả Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, New Zeland và tất cả các nước Đông Nam Á, theo cơ cấu của châu Âu. Mỹ là một thành viên trung tâm của Cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương.
Tân Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama đề xuất một tổ chức khu vực mới, theo mô hình Liên minh châu Âu, thành lập một cộng đồng Đông Á bằng cách vượt qua những bất đồng. Cộng đồng Đông Á của ông Hatoyama lại loại trừ Mỹ. Kế hoạch của ông Hatoyama về một Cộng đồng Đông Á bao gồm cả một liên minh tiền tệ, một thách thức đối với đồng USD.
Kế hoạch của Thủ tướng Kevin Rudd sẽ phải cạnh tranh với của Thủ tướng Yukio Hatoyama. Cho dù ý tưởng nào thành hiện thực, nó cũng sẽ có ảnh hưởng rất quan trọng đến tương lai của APEC.
Khởi đầu của một thập kỷ mới, APEC sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức: Tình trạng mất cân bằng trong nền kinh tế thế giới, nảy sinh từ cuộc khủng hoảng tài chính; tác động nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu mà châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành nạn nhân lớn nhất với gần 70% số thảm họa thiên tai được cho là do sự ấm lên toàn cầu.
Nhiệm vụ cấp bách trước mắt của APEC là đẩy mạnh sự phục hồi kinh tế, đảm bảo phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo và đảm bảo tăng trưởng kinh tế, tránh những cuộc phá giá cạnh tranh và chống chủ nghĩa bảo hộ, tăng cường sự tin cậy nhiều hơn giữa các nền kinh tế thành viên trong APEC, đẩy mạnh hành động quốc tế đối với sự biến đổi khí hậu…
(Theo SGGP Online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com