Những ai đã từng sang Mỹ, đều không thể không gặp những người mập đến mức không đi được. Theo vài ước tính, các phí tổn mà nạn béo phì gây cho nước này có thể lên đến hàng trăm tỉ USD. Bây giờ đến lượt người Pháp béo.
![]() |
Có hãng hàng không của Pháp từng đề nghị người mập phải mua hai vé. Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ. Ảnh: TL |
Bị tổ chức Y tế thế giới xem như là một thứ bệnh dịch, hiện tượng béo phì tiếp tục tăng nhanh ở Pháp. Theo điều tra của ObEpi-Roche, được công bố vào cuối năm rồi, Pháp có 6,5 triệu người thành niên bị béo phì, tức tăng thêm 3 triệu so với năm 1997. Tuy lên đến 14,5% trong cư dân thành niên, tỷ lệ này vẫn thấp hơn rất nhiều so với Anh (27%) và nhất là so với Mỹ (30%).
Trọng lượng trung bình của người Pháp hiện nay là 72kg, tức tăng 3,1kg trong vòng 12 năm, trong khi chiều cao trung bình tăng 0,5cm (168,7cm). Chỉ số khối lượng thân thể (BMI: Body mass index tính bằng cách chia trọng lượng thân thể với bình phương của chiều cao) tăng từ 24,3 vào năm 1997 lên 25,3 năm 2009. Như ta biết, một người bị xem là béo phì khi có chỉ số từ 30 trở lên; trên 35 là béo phì nặng. Vòng bụng trung bình của dân Pháp đã tăng 4,7cm (89,9cm).
Bệnh béo phì dao động tuỳ theo vùng: Bắc (20,5%), Đông (17%), vùng Paris (16,6%)... Tỷ lệ béo phì tăng theo thành phần xã hội: những người không hoạt động (tăng 106,6% từ 1997), nông dân (94,6%), viên chức (88,5%), công nhân (82%,) cán bộ (37,9%). Nó cũng tăng theo giới tính: phái nữ (15,1%) cao hơn so với phái nam (13,9%). Nó luôn tỷ lệ nghịch với mức thu nhập: thấp nhất (6%) nơi những hộ gia đình có thu nhập cao hơn 5301 euro mỗi tháng, và cao nhất (22%) nơi những người có thu nhập thấp hơn 900 euro mỗi tháng. Tỷ lệ béo phì nặng vọt từ 1,5% lên đến 3,9%.
Được thực hiện ba năm một lần từ 1997, cuộc điều tra của ObEpi-Roche vào năm rồi là do nữ bác sĩ Marie-Aline Charles, giám đốc nghiên cứu ở trung tâm Y tế và nghiên cứu quốc gia (Inserm) và giáo sư Arnaud Basdevant, trách nhiệm khoa dinh dưỡng ở bệnh viện Pitié-Salpêtrière (Paris) phối hợp, được thực hiện trên 25.286 từ 18 tuổi.
Một số nghiên cứu khác cho biết tỷ lệ béo phì nơi trẻ em Pháp hiện nay ổn định ở mức 3,5%.
Là bệnh mãn tính khó chữa lành hoàn toàn, bệnh béo phì thường gây ra một số bệnh khác như chứng tăng huyết áp động mạch (cao gấp 2,5 lần nơi người mập – chỉ số BMI từ 25 đến 30 – và gấp bốn lần nơi người bị béo phì ) và bệnh tiểu đường loại hai (cao gấp ba lần nơi người mập và gấp bảy lần nơi người béo phì).
Từ những năm 1960, nhiều sản phẩm đã được chế ra để chống lại bệnh béo phì. Nhưng theo giáo sư Marian Apfelbaum, chuyên gia về dinh dưỡng, thì không nên dùng chúng. Theo bà, loại thuốc Alli là hoàn toàn không hiệu quả; còn hai loại Isoméride và Acomplia thì lại rất nguy hiểm: Isoméride thường gây ra chứng tăng huyết áp động mạch, còn Acomplia thì vì rất hiệu quả trong việc làm cho người ta ăn không thấy ngon nên không thích ăn (nó còn làm biến đi một số lạc thú khác) nên có thể gây ra bệnh trầm uất đôi khi dẫn đến sự tự sát.
(Theo Nguyên Thanh // SGTT Online // Paris)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com