Trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta lâu nay, nghịch lý được mùa nhưng ế đọng và giảm giá hàng nông sản luôn xảy ra, hết mùa này đến mùa khác. Công sức của người nông dân đổ ra suốt cả năm trời nhiều khi không những không mang lại niềm vui mà còn gây biết bao lo lắng…
Tìm ra nguyên nhân để góp phần khắc phục dần tình trạng này là yêu cầu quan trọng và cấp thiết đang được đặt ra.
Những ngày này, con cá tra và cá basa Việt Nam lâu nay nổi tiếng trên nhiều thị trường thế giới lại đang bức bối chen chúc trong các ao nuôi đang trở nên chật hẹp hơn ở Đồng Bằng Sông Cửu Long vì cá mỗi ngày mỗi lớn, quá lứa, lỡ thì mà không biết bơi đi đâu. Ngay tại tỉnh có nhiều ưu thế về thuỷ sản là Khánh Hoà, chỉ một xã Cam Hải Đông của huyện Cam Lâm cũng có vài chục nghìn con cá chẽm đặc sản quá lứa thu hoạch đang cuống cuồng vô vọng tìm đường thoát hiểm. Cũng những ngày qua, hàng chục nghìn tấn đặc sản vải thiều Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang tràn ngập thị trường với giá bán rẻ không tưởng, thậm chí còn không bán đượcv.v… Rồi chuyện ở Cà Mau, Bạc Liêu, nhà nhà đầu tư nuôi cá sấu mà nguồn tiêu thụ gần như phụ thuộc vào mỗi một thị trường Trung Quốc để khi thị trường trục trặc thì lập tức hàng nghìn con cá sấu nuôi ứ đọng không biết xử lý ra sao.
Những chuyện tương tự thế từng xảy ra và vẫn đang xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước, ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Năm nào cũng vậy, chuyện nông sản được mùa thì giá giảm, ế hàng nhưng khi giá bán tăng mạnh thì lại không còn hàng để bán cứ lẩn quẩn diễn ra mãi. Trong bất cứ trường hợp nào thì người thiệt thòi nhất vẫn là nông dân, tiếp đó là các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh xuất khẩu, và cao hơn nữa là hiệu quả của cả nền kinh tế.
Vào thời điểm cá tra cá basa được giá, không biết có bao người dân khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đã ào ào mua đất, đào ao thả cá, bỏ ngoài tai những khuyến cáo về một tương lai ế thừa cá không hề xa. Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo ngừng mở rộng diện tích cà phê ở khu vực Tây Nguyên để phát triển bền vững cây cà phê Việt Nam. Thế nhưng, bất chấp lệnh này, nhiều người dân nơi đây vẫn mở rộng diện tích để trồng cà phê. Hạt cà phê Việt Nam không biết đã trải qua bao nhiêu lần thăng trầm cả ở thị trường trong nước và thị trường thế giới. Biết bao lần người trồng cà phê phải tự tay chặt bỏ vườn cà phê mà mình đã mất rất nhiều công sức gây dựng, để rồi ít lâu sau đó lại đổ xô trồng lại khi thấy giá cà phê lên cao, và điệp khúc ấy cứ diễn ra mãi.
“6 biết”
Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày càng sâu rộng, một yếu tố quan trọng hàng đầu đặt ra đối với hoạt động sản xuất kinh doanh được nói đến rất nhiều là thông tin kịp thời và và kịp thời xử lý thông tin. Thực tế với chúng ta, thông tin chưa đến kịp thời và cũng chưa được kịp thời xử lý. Dẫn đến những tình trạng và thiệt hại này có lỗi từ nhiều phía, cả người sản xuất, cả doanh nghiệp kinh doanh và cả các cơ quan chức năng được Chính phủ giao nhiệm vụ hoạch định và quản lý trong từng lĩnh vực. Chuyện tưởng đùa song lại là sự thật khiến nhiều người không thể hiểu nổi. Chỉ vì một thông tin đơn giản là cá chẽm đang được giá, thế là người dân cả một xã - kể cả chủ tịch UBND xã đua nhau đầu tư nuôi cá chẽm để rồi sau đó từ chủ tịch xã cho đến những người dân không biết giải quyết những ao nuôi đầy ắp cá này ra sao.
Yêu cầu về thông tin cho hoạt động kinh tế vẫn được nói đến rất nhiều, gần như ở mọi nơi, mọi lúc, từ hội nghị chuyên đề này, hội thảo khoa học khác, từ cuộc họp sơ kết, tổng kết của mỗi địa phương, mỗi bộ, ngành, cho đến các phiên họp của Chính phủ và các kỳ họp của Quốc hội. Các cơ quan thông tin của chúng ta cũng khá nhiều, lớn thì có Trung tâm thông tin Thương mại của Bộ Công Thương, Trung tâm thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị tương tự, còn nhỏ hơn thì các trung tâm hay bộ phận thông tin của mỗi đơn vị, mỗi địa phương, rồi các đơn vị xúc tiến thương mại, xúc tiến thị trường.v.v… và v.v… Thế nhưng yêu cầu về thông tin lại chưa mấy được đáp ứng.
Những ngày qua, hàng loạt biện pháp cả cấp bách và trung hạn đã được đưa ra để gỡ khó cho người nuôi cá ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Nào là giãn nợ cho người nuôi cá, hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp thu mua cá của nông dân, hỗ trợ tăng công suất chế biến cá, tăng công suất kho trữ lạnh, thế nhưng dù là biện pháp gì đi nữa thì nguồn tài chính cũng là lấy ra từ ngân sách Nhà nước. Và đấy cũng mới là biện pháp để cứu riêng con cá tra, cá ba sa của Đồng bằng Sông Cửu Long. Nếu phải vươn tay ra cứu những sản phẩm tương tự như thế liệu ngân sách nhà nước có chịu được không? Đấy là chưa nói đến sự vô lý của cái vòng luẩn quẩn là đầu tư sản xuất ra sản phẩm để rồi lại phải khó khăn tìm biện pháp hỗ trợ giải quyết sản phẩm đó. Lẽ ra những biện pháp giải quyết cần phải được đưa ra ngay từ khâu quy hoạch sản xuất ban đầu chứ không phải là những biện pháp chạy theo để khắc phục hậu quả như hiện nay.
Những ngày này lại có nhiều người dân phá đi vườn điều để trồng sắn vì sắn đang được giá. Những người dân ấy có biết rằng nước ta luôn thiếu một lượng lớn điều thô cho các nhà máy chế biến nên luôn phải nhập khẩu vài chục nghìn tấn điều thô mỗi năm hay không, cũng như có biết rằng giá điều trên thị trường thế giới đang tăng rất mạnh hay không. Mặc dù giá hạt tiêu trên thế giới vẫn đang ở mức cao nhưng có mấy người dân Việt Nam biết được rằng cung cầu hạt tiêu cũng gần ở mức bão hoà rồi hay không? Nói đi thì cũng nghĩ lại rằng người dân làm sao mà biết được những thông tin quan trọng và chính thống như thế hoặc tương tự như thế.
Giữa vụ vải thiều vừa rồi, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân sau khi cùng các đoàn công tác đến vùng vải Lục Ngạn -Bắc Giang để kiểm tra tình hình thu hoạch và tiêu thụ vải, đã đặc biệt nhấn mạnh nguyên tắc: Để sản xuất nông nghiệp nói chung, trồng vải nói riêng được hiệu quả, người dân cũng như nhà đầu tư cần phải thực hiện “6 biết”. Đó là biết hiệu quả kinh tế của việc đầu tư, biết bán cho ai, biết ai mua, biết bán ở đâu, biết cách nuôi trồng và biết chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Cần có quy hoạch
Trở lại chuyện con cá của Đồng bằng Sông Cửu Long, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cho biết, Hiệp hội sẽ làm việc với lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL về định hướng phát triển con cá tra nguyên liệu. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là người nuôi phải có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, phải có sự gắn kết giữa ngư dân, doanh nghiệp và ngân hàng, còn chính quyền địa phương thì phải có biện pháp ngăn chặn việc phát triển cá tra tự phát.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam thì kể, ở New Zealand nông dân không phải muốn trồng cây gì thì trồng mà phải trồng theo qui hoạch của nhà nước. Cả nước nói chung và các tỉnh ĐBSCL nói riêng cũng cần phải học tập cách làm này và quan trọng là khi đã qui hoạch thì phải có người chịu trách nhiệm thực hiện.
( Theo VOV News )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com